‘Câu chuyện cuộc sống’ tuần này tiếp tục lên sóng chia sẻ những kinh nghiệm trong cuộc sống như xây dựng môi trường đội nhóm tích cực ở người trẻ, dạy trẻ tôn trọng nghề nghiệp và cân bằng tính cách hướng nội và hướng ngoại.
Xây dựng môi trường đội nhóm tích cực ở người trẻ
Anh Bùi Ngọc Lâm (ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) hiện đang làm trong môi trường đề cao việc hoạt động đội, nhóm. Thời gian gần đây xảy ra nhiều tranh cãi, bất đồng vì có những thành viên đang rơi vào tình trạng ‘bằng mặt không bằng lòng’, điều đó khiến anh vô cùng mệt mỏi vì chất lượng công việc giảm sút đáng kể. “Họ nói ra thì sợ mất lòng, cho nên cảm giác họ chỉ làm cho có, tôi luôn muốn các thành viên trong nhóm mạnh dạn nói ra, bày tỏ ý kiến và đóng góp xây dựng cùng nhau”, anh Lâm bức xúc chia sẻ.
Hiện nay ở bất kỳ lĩnh vực nào, làm việc nhóm là một trong những kỹ năng quan trọng và cần thiết, năng suất làm việc sẽ gia tăng, chất lượng làm việc cao hơn và công việc hoàn thành trong thời gian ngắn hơn hoặc có thể gia tăng kỹ năng giao tiếp, ứng phó nếu chúng ta làm theo nhóm. Tuy nhiên, việc xây dựng đội nhóm hiện nay là việc không hề dễ dàng, đặc biệt ở những người trẻ có cái tôi cao.
Xây dựng môi trường đội nhóm tích cực ở người trẻ
Ông Trịnh Hồng Khánh (Phó Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn Kế toán – Thuế Ba Miền) cho biết: “Trước khi triển khai một đầu việc nào đó, cần phải nêu rõ mục tiêu và tinh thần làm việc, để các thành viên trong nhóm nắm bắt được mình cần phải làm gì, và họ phải được đóng góp ý kiến trong đó. Mặc cho các quan điểm có thể sẽ khác nhau, chúng ta cần phải bàn bạc theo cách tôn trọng mọi ý kiến của từng thành viên trong nhóm”.
Để xây dựng đội, nhóm tích cực, tất cả các thành viên cần phải đặt ra một mục tiêu chung để làm việc một cách hiệu quả, đóng góp vào sự thành công của nhóm. Ngoài ra, tạo một bầu không khí tích cực như tổ chức một số hoạt động để mọi người có thể hiểu nhau, và hỗ trợ nhau tốt hơn trong công việc.
Dạy trẻ tôn trọng nghề nghiệp
Trẻ em có thể hồn nhiên, khoe một cách tự hào chức vụ của ba mẹ mình, mặc dù không biết rõ công việc đó là gì. Ngược lại, những đứa trẻ khác lại cảm thấy mặc cảm vì ba mẹ chỉ làm những công việc bình thường. Việc trẻ tự hào với công việc của ba mẹ là điều rất bình thường, tuy nhiên điều đáng lo ngại khi không được giáo dục đầy đủ, trẻ em lại có sự so đo về công việc của ba mẹ mình với các bạn khác.
Nguyên nhân khiến trẻ có tính phân biệt nghề nghiệp, phần lớn xuất phát từ môi trường sống xung quanh. Chính những hành vi ứng xử về nghề nghiệp không đúng của người lớn trong cuộc sống hằng ngày, đã gieo rắc vào hành vi, suy nghĩ của trẻ. Dù cố ý hay vô tình, người lớn đang truyền tải đi một thông điệp không tốt, khiến trẻ không tôn trọng giá trị lao động.
Dạy trẻ tôn trọng nghề nghiệp
Thạc sĩ Nguyễn Thị Hạnh (Chuyên gia Tâm lý Giáo dục) cho biết: “Mỗi công việc đều có giá trị và có một sự đóng góp nhất định cho xã hội. Hãy hướng dẫn trẻ về giá trị của sức lao động và coi trọng sức lao động. Mỗi một nghề nghiệp cũng đều phải cố gắng chăm chỉ rèn luyện, mới có thể đạt được giá trị trong cuộc sống, hãy tự tin và tự trọng với nghề nghiệp của của mình để làm tấm gương cho các con coi trọng những công việc xung quanh”.
Ba mẹ khi dạy trẻ về nghề nghiệp nên đưa ra ví dụ cụ thể để trẻ dễ hình dung và thấu hiểu. Cần cho trẻ hiểu được nỗi vất vả và đóng góp của từng ngành nghề thì mới khơi dậy được sự đồng cảm, tôn trọng của trẻ. Các em sẽ ý thức được giá trị của một người không phải từ số tiền mà họ làm ra hay vì thế mà họ có, mà là những đóng góp của họ cho xã hội thông qua lao động. Ở khía cạnh này, mọi nghề đều đáng quý như nhau.
Cân bằng tính cách hướng nội và hướng ngoại
Là một người hướng ngoại, chị Bùi Phương Nhung hiện đang là phiên dịch viên, thích tham gia các hoạt động của trường, qua đó khiến tinh thần phấn khởi, tâm trạng vui vẻ để từ đó làm việc năng suất hơn. “Tôi không thể cứ nhốt mình ở nhà, tôi cần giao tiếp và tiếp xúc với mọi người xung quanh để giúp tinh thần phấn chấn hơn”, chị Nhung chia sẻ. Ngược lại, anh Văn Thiện lại thích đến những nơi yên tĩnh để suy nghĩ và đọc sách, ngoài những công việc nhà, thời gian còn lại anh dành để nói tâm sự cùng ba mẹ.
Ngày nay, cùng với sự đổi mới liên tục của xã hội, mà mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ mong muốn mình có thể cân bằng giữa hai loại tính cách để thích ứng được với nhiều môi trường. Trên thực tế, mức độ trái ngược của hai loại tính cách này không hoàn toàn tuyệt đối, trong mỗi con người đều có cả hai tính cách hướng nội và hướng ngoại, vì thế không nhất thiết phải rạch ròi giữa một trong hai. Nếu như người thuật ngữ người hướng nội và người hướng ngoại đã quá quen thuộc, thì vẫn còn một nhóm người gọi là người hướng trung (tự dung hòa giữa hai tính cách kể trên). Theo nhận định của Thạc sĩ Phạm Thế Châu (Chuyên gia đào tạo kỹ năng mềm), thì cơ hội nghề nghiệp và tính thích nghi với môi trường mới của người hướng trung sẽ tốt hơn.
Cân bằng tính cách hướng nội và hướng ngoại
Nhiều người tự hỏi bản thân chỉ có một tính cách mà phải thay đổi đi, thì có còn là chính mình hay không?
“Khi thay đổi với một mục đích tốt, giúp chúng ta thích ứng tốt hơn với cuộc sống để từ đó khiến bản thân thêm yêu cuộc sống này hơn, thì đó chính là phiên bản tốt nhất của mỗi con người”, Ths Phạm Thế Châu chia sẻ.
“Câu chuyện cuộc sống” phát sóng vào lúc 19:50 thứ Ba, thứ Năm và thứ Sáu hàng tuần trên kênh THVL1. Chương trình do Đài truyền hình Vĩnh Long và Jet Studio phối hợp thực hiện.