Chân dung

Lý Hải – Từ thợ may học việc đến cơ ngơi triệu USD

Thất nghiệp với tấm bằng sân khấu, gò ép bản thân học may, bị khán giả dọa đánh… là số ít những khó khăn trong sự nghiệp của ca sĩ…

Tít tít. Âm thanh từ chiếc máy nhắn tin đánh thức Hải khỏi cơn chợp mắt sau buổi diễn ở vũ trường. Khoác vội cái áo trên đầu tủ, anh khóa cửa căn phòng trọ rộng vài mét vuông, cũ kỹ trên đường Nguyễn Cư Trinh rồi cuốc bộ ra trạm điện thoại công cộng góc ngã tư. Đó là thời khắc khó quên của năm 1993.

Mắt chằm chằm vào màn hình, ngón tay của Hải thì liến thoắng bấm hàng phím số. Nhà trọ không cho gắn điện thoại bàn, nên anh chọn bục điện thoại trở thành phương tiện liên lạc chính.

Sau ba tiếng reo, đầu dây bên kia bắt máy, giọng đàn ông, Hải đoán là “bầu sô”. Sau vài câu chào hỏi, chốt giá, Hải nhận hai đêm diễn cho tuần sau, ở vũ trường tại trung tâm. Nhẩm tính tổng thù lao mười mấy nghìn đồng, anh không lo phải nhịn đói, ít nhất cho đến hết tuần sau, chắt chiu thì cũng dư vài trăm đồng đủ trả tiền vá cái quần chỗ anh thợ may quen.

Với chàng sinh viên mới ra trường như Hải, có ai thuê đã là mừng lắm. Anh chẳng nề hà chuyện tiền nong hay bắt sân khấu phải chăm sóc gì mình. Có khi đang ăn cơm bụi, nhận tin nhắn mà anh phải bỏ dở đĩa cơm để tìm trụ điện thoại gọi, chẳng may ông bầu đợi rồi chọn ca sĩ khác.

*Từ lớp học may đến ca sĩ vũ trường

Năm 1987, Lý Hải bắt đầu theo học lớp diễn viên kịch trường Nghệ thuật Sân khấu 2, tiền thân của Đại học Sân khấu – Điện ảnh TP HCM ngày nay. Sinh ra tại miền Tây, anh mang trong mình cái mộc mạc, chân chất, nhẫn nhịn. Nhà không khá giả, nhưng Lý Hải chọn theo học nghệ thuật vì “mê”.

Ở trường, anh sớm tham gia phong trào văn nghệ qua các đội xung kích, đi lưu diễn khắp các trường đại học, biểu diễn phục vụ cho sinh viên. Đạo diễn Xuân Phước, diễn viên Quyền Linh là những người bằng hữu cùng đội. Không chỉ hát, họ còn cùng nhau múa, diễn hài, làm mọi thứ để phục vụ khán giả, dù tiền thù lao chỉ đủ để cả đội uống ly nước, ăn bát phở. Cái còn lại sau những buổi diễn, là cảm giác sống với đam mê, với tuổi trẻ.

Sau bốn năm, cầm tấm bằng trên tay cùng bước đệm là kinh nghiệm đi diễn nhiều nơi, chẳng ai nghĩ Lý Hải thất nghiệp. Giữa thời điểm công chúng chuộng những ngôi sao màn bạc của dòng phim thị trường, chàng trai miền Tây khó tìm ra cơ hội cho mình.

Anh trở về quê nhà ở Mỹ Tho, phải nghe lời ra tiếng vào từ gia đình. Anh trai cho một chỉ vàng, bố mẹ thúc ép Hải lấy tiền đi học may với hy vọng con trai trong nhà kiếm được công việc trong xí nghiệp, tự nuôi sống bản thân là ông bà yên lòng. “Nghe lời bố mẹ” là lý do Lý Hải chọn con đường này, dù trong tay anh là tấm bằng cử nhân nghệ thuật.

Có khiếu may từ nhỏ, tự bóp, cắt quần áo cũ của anh trai cho vừa mặc, nên Lý Hải học nhanh, sớm thạo việc. Sau nửa năm, chàng trai miền Tây tự may được cái quần ngắn. “Nhưng đôi chân của tôi không thể nào ở yên trên chiếc bàn đạp máy may”, Lý Hải nhớ lại.

Không có duyên với sân khấu kịch hay các vai diễn điện ảnh, Lý Hải nhận lời đi hát trên tàu ẩm thực trên sông Sài Gòn. Có lần, khán giả dúi vào tay tờ 50.000 đồng và bắt ép anh phải uống rượu. Do từ chối, người đàn ông này cho rằng Lý Hải xem thường khách, đòi đánh và bắt chủ nhà hàng đuổi anh. Đến nay, Lý Hải không bao giờ nhận hát ở đám cưới, đám tiệc cũng vì sự cố này.

Tổn thương. Sau sự cố, anh cũng tìm được chân hát ổn định trong vũ trường disco. Trong thời gian này, Lý Hải chỉ có hai bộ đồ biểu diễn, vải do anh tự mua ở chợ Thái Bình và gửi cho một người bạn quen thân may giúp. Loại vải giá rẻ mà anh mua, sau vài lần giặt thì co rút. Cái quần dài có lúc ngắn hẳn qua cổ chân.

Hát nhạc vũ trường nên nam ca sĩ phải nhảy minh hoạ để tạo sự sôi động. Thời đó không có phòng tập, cũng không có tiền đi thuê thầy dạy, anh nghĩ ra cách vào các quán cà phê có đầu băng cuộn, rồi nhờ họ bật băng của những ca sĩ nổi tiếng như Michael Jackson. Cứ thế anh ghi nhớ động tác, về nhà nhại lại theo trí nhớ, cứ thế đem vũ đạo đó lên sàn diễn. Đôi giày do nhảy nhiều trên sàn gỗ cứng nên đế và quai giày tách hẳn làm đôi. Không xoay xở mua được đôi giày mới, anh làm ướt kẹo cao su làm chất dính để dán chỗ hở.

Với tinh thần “chịu thương chịu khó”, đến giữa thập niên 90, Lý Hải trở thành cái tên quen thuộc của các vũ trường. Tuy không phải ngôi sao, thu nhập của anh không còn bấp bênh, đủ ăn và có thể tích góp tiền mua sắm, phát triển nghề.

Chiếc điện thoại đầu tiên

Một buổi sáng năm 1995, Lý Hải tìm đến quán cà phê quen thuộc trước cổng trường sân khấu. Đây là nơi hội họp hàn huyên của nhóm nghệ sĩ trẻ thời đó như Cát Phượng, Minh Nhí, Hữu Nghĩa, Hoài Sơn, Nhật Cường…

Hôm đó, anh cảm thấy mình “oách” hơn các đồng nghiệp, vì mới mua được chiếc điện thoại đầu tiên trong đời nhờ số tiền tiết kiệm từ đi hát. Chiếc điện thoại của hãng Nokia dày cộm với thanh ăng-ten là cả một gia sản với chàng ca sĩ trẻ thời đó. Đi hát, thấy người giàu ai cũng mang theo một chiếc di động Nokia, anh quyết tâm dành dụm mua cho bằng được.

Chiếc máy để trong túi quần thôi cũng khiến anh cảm thấy tự hào. Thậm chí, Lý Hải còn “thuê” hẳn một cậu bé làm nhiệm vụ cứ cách vài phút lại gọi vào, để máy reo lên âm chuông, xong mới bắt máy. Mỗi lần móc chiếc Nokia của mình ra, anh đều dõng dạc “alo”. Mỗi lần như vậy, anh đều được một tràng trầm trồ từ những người bạn.

Đến năm 1996-1997, điện thoại di động Nokia trở thành hiện tượng. Ngày càng có nhiều người sở hữu. Những chiếc máy lạ lẫm từ đất nước Phần Lan dần trở thành món đồ thông dụng của giới doanh nhân, rồi len lỏi vào từng gia đình. Sự tiện lợi, khả năng kết nối của điện thoại di động Nokia khiến công việc của Lý Hải với các ông bầu trở nên dễ dàng hơn. Lý Hải kể, từ khi có điện thoại di động, anh không còn phải thức dậy giữa giấc ngủ để chạy ra bục điện thoại đầu đường. Anh có thể nhắn tin mà không cần nhìn vào màn hình điện thoại.

Đến năm 2000, Lý Hải gặp nhiều thử thách trong sự nghiệp bởi sự lên ngôi của các ca khúc nhạc nhẹ Làn Sóng Xanh. Ở thời điểm sự nghiệp đang đi lên, anh bị hụt show rất nhiều, từ 2-3 show một đêm, anh chỉ còn có thể tham gia vài chương trình mỗi tháng. Tình trạng này diễn ra liên tục khiến anh từng nản chí, bị đàn em xem thường.

Từ ca sĩ hát thể loại sôi động, Lý Hải quyết định đổi định hướng sang những ca khúc nhạc Hoa lời Việt như “Phút biệt ly”, “Khi người đàn ông khóc”, “Liều thuốc cho trái tim”. Đây là những ca khúc giúp anh chiếm cảm tình của những khán giả miền Tây, từ đó tên tuổi của anh bật sáng. Đỉnh cao sự nghiệp của Lý Hải vào thập niên đầu thế kỷ 21 là chuỗi phim ngắn ca nhạc “Trọn đời bên em”.

Ít người biết, để cho ra đời “Trọn đời bên em” vào năm 2002, Lý Hải từng phải cầm cố nhà, vay mượn hơn một trăm triệu đồng, con số tương đương với hai tờ vé số độc đắc khi đó.

“Người ta chỉ thịnh hành video minh họa, tức chỉ là cặp trai gái tặng hoa, đùa giỡn giữa biển. Với kinh nghiệm từ bốn năm học diễn xuất, tôi quyết tâm cho ra đời phim ca nhạc đầu tiên tại Việt Nam”, Lý Hải nhớ lại.

Khi người anh thân thiết từ chối hỗ trợ tài chính, anh tìm cách vay nóng trong giữa đêm. Chiếc điện thoại di động Nokia là thứ anh luôn túc trực mang theo không rời, vừa để gọi hết người này người kia để tìm ra đầu mối cho vay, một phần chờ đợi cuộc gọi từ các chủ vay, bên cầm nhà.

Không nằm ngoài dự đoán, đến phiên bản thứ hai, “Trọn đời bên em” tạo nên cơn sốt trên cả nước. Anh được show liên tục khắp các tỉnh thành, đĩa CD bán đắt “như tôm tươi”. Chỉ trong vài tháng, Lý Hải đã trả khoản nợ trăm triệu, chuộc lại giấy tờ nhà. Sau “Trọn đời bên em 2”, Lý Hải làm tiếp phần 3, 4, 5…

Suốt năm năm sau đó, có những lúc, 3-4 tháng anh đi diễn mà không có ngày nghỉ. Trừ những cơn mưa bất chợt phải hủy show, thì anh không cho phép mình nghỉ ngơi. Thậm chí, khi khán giả khoe nghe nhạc của anh qua “đĩa lậu” hay đến các cửa hàng để chép nhạc vào điện thoại di động, anh vẫn rất vui và cảm thấy tự hào.

Khi thành công, Lý Hải vẫn giữ thú vui với những chiếc điện thoại Nokia. Anh sở hữu cho mình những mẫu điện thoại mới nhất như “chiếc lá” – Nokia 7610, Nokia 5300 Express Music…

Gia đình là số một

“Trọn đời bên em” kết thúc ở sản phẩm 10 vào năm 2010, khi nhạc thị trường nhường ngôi cho âm nhạc tuổi teen. Quyết định hạ nhiệt trong âm nhạc để xây dựng gia đình, đến nay, Lý Hải – Minh Hà là một trong những tổ ấm hạnh phúc của làng giải trí Việt, với bốn thiên thần nhỏ.

Tên tuổi của Lý Hải hiện tại được nhớ nhiều hơn bởi loạt phim điện ảnh do anh đầu tư sản xuất và đạo diễn – “Lật mặt”. Với doanh thu hơn 85 tỷ đồng cho phần ba, tác phẩm của nam ca sĩ đứng thứ năm bảng xếp hạng phòng vé của phim Việt.

Để tạo ra cú hích phòng vé dù là “tay ngang”, Lý Hải đã học lại điện ảnh như một tân binh. Anh tạm quên đi những hiểu biết lẫn kinh nghiệm khi thực hiện chuỗi phim ngắn, tìm đọc các sách về điện ảnh, xem xét cách kể chuyện của những đạo diễn, biên kịch thực thụ. Khi không có thời gian, vợ Minh Hà là người giúp anh tìm kiếm, sắp xếp thông tin. Nhờ đó, cả hai vợ chồng đều hiểu rõ quy trình sản xuất một bộ phim điện ảnh.

Lý Hải học cả ở những người anh em trong đoàn, tổ ánh sáng, đạo cụ… Ở mọi buổi quay, Lý Hải đều đến đúng giờ và thậm chí sớm hơn giờ đã hẹn với ê-kip. Các anh em trong đoàn thấy nhà sản xuất tâm huyết cho từng cảnh quay, cũng không dám làm việc một cách hời hợt. Cả guồng máy vận hành trơn tru dù người cầm trịch vốn là một ca sĩ giải trí.

Lý Hải hiện không còn chạy show như thời đỉnh cao, bởi anh đang giữ một trọng trách rất lớn, đó là giữ trẻ. Với nam ca sĩ, gia đình là số một. Khi phim đóng máy, cũng là lúc anh dành trọn vẹn thời gian cho con cái, trở về vai trò một người bố. Xung quanh anh chỉ có các con, không xen lẫn vào giờ chơi với các bé bằng những kịch bản phim hay những cú điện thoại công việc. “Làm quá mà con cái hư thì không được”, nam ca sĩ chia sẻ.

Như những chiếc điện thoại Nokia đầu tiên đồng hành cùng quãng đời tuổi trẻ của mình, Lý Hải chọn con đường đồng hành cùng tương lai của các con. Khi nhìn Lý Hải pha từng bình sữa, cùng con gò từng con chữ, người ta không chỉ nhìn thấy người đàn ông 50 tuổi với cơ ngơi triệu USD, mà còn cảm nhận sự giản dị, chân chất nhưng đầy nhiệt huyết của anh chàng 23 tuổi biểu diễn phục vụ sinh viên ngày nào.

Theo Ngoisao.net