Quá trình quay ‘Đất rừng phương Nam’ không chỉ có những nỗ lực, khó khăn mà còn đầy tình yêu và hạnh phúc nhờ sự hỗ trợ, giúp đỡ từ bà con địa phương nơi đoàn phim đã đi qua.
Là tác phẩm điện ảnh lấy bối cảnh chính ở miền Tây Nam Bộ, “Đất rừng phương Nam” đã đi qua tới 45 bối cảnh trải dài khắp 6 tỉnh miền Tây như Trà Sư – An Giang, Gáo Giồng – Đồng Tháp, Trần Đề – Sóc Trăng, Châu Đốc, Tân Châu – An Giang, Bình Thủy – Long Xuyên, Cầu Đất – An Giang, Suối Tre – Đồng Nai.
Mỗi một bối cảnh đều quan trọng và cần được đầu tư kĩ lưỡng để tạo nên bức tranh “Đất rừng phương Nam” hoàn chỉnh, thân thuộc nhất tới với khán giả. Nhưng để có thể sắp xếp chỉn chu mọi thứ trong khâu sản xuất ở những bối cảnh lạ lẫm không phải là điều dễ dàng. Chính vì thế, khi nhận được sự giúp đỡ từ người dân miền Tây, đoàn phim “Đất rừng phương Nam” như “trời hạn gặp mưa”, năng suất làm việc tăng lên thêm gấp mấy lần.
Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng chia sẻ: “Đến bối cảnh nào mình cần khóa lại để quay thì đều được giúp đỡ. Đơn cử như khu du lịch Trà Sư đã hỗ trợ hết mình, ngưng hoạt động ở bối cảnh mà đoàn phim cần quay. Hay cầu Bình Thủy ở An Giang là nơi lưu thông của rất nhiều bà con nhưng mình cũng được hỗ trợ khóa cầu lại suốt mấy ngày liền để quay.”
Đạo diễn Vinh Sơn – vị đạo diễn gạo cội làm nên phim truyền hình Đất Phương Nam cũng theo chân đoàn làm phim tới nhiều bối cảnh. Ông cho rằng việc có thể khóa lại cầu Bình Thủy đúng là một sự may mắn và chứa đựng nhiều tình cảm, cảm thông của bà con vì đây là con đường độc đạo giao thương của vùng đất này. Nếu không vì sự thương yêu của người dân thì chắc chắn cảnh quay này khó có thể hoàn thành và đưa lên phim.
Nữ diễn viên Hồng Ánh – người con gái sinh ra ở Trà Vinh cũng khẳng định đầy biết ơn: “Ánh rất cảm ơn chính quyền địa phương cũng như bà con xã Bình Thủy đã hỗ trợ đoàn phim rất nhiều. Nếu đoàn phim không nhận được sự hỗ trợ quý báu đó thì rất khó để thực hiện những cảnh quay này!”
Thực tế cũng cho thấy, việc đoàn phim “Đất rừng phương Nam” đi đến đâu cũng được bà con chú ý và thể hiện tình yêu thương rất nhiều. Đặc biệt, các bạn nhỏ học sinh đến xem đoàn quay phim rất đông và thích thú. Đây cũng có thể coi là một trải nghiệm đầy thú vị cho các bạn nhỏ có góc nhìn mới hơn về điện ảnh, nghệ thuật và ngành làm phim chuyên nghiệp của nước nhà.
Bên cạnh đó, ngoài bối cảnh rộng khắp, “Đất rừng phương Nam” còn là tác phẩm cần nguồn nhân lực dồi dào để có thể tái hiện hoàn hảo vùng miệt rừng U Minh của thời đại trước. Nhưng nếu quy tụ toàn bộ diễn viên quần chúng đi khắp các tỉnh miền Tây thì chi phí trong phim sẽ đội lên rất nhiều. May mắn thay, đi tới mỗi bối cảnh, đoàn phim lại nhận được sự hỗ trợ đầy thân tình của bà con trong việc tìm kiếm quần chúng trong những cảnh phim lớn. Bà con không những hỗ trợ, mà còn nhập vai rất vui vẻ, rất nhiệt tình, khiến bộ phim chân thực, sống động hơn bao giờ hết.
Không chỉ có những bà con sở tại, mà còn rất nhiều người khác, vì thương mến đoàn phim, cũng như để được là một phần của bộ phim “Đất rừng phương Nam” mà không quản ngại xa xôi hơn vài chục cây số để đến địa điểm quay, hỗ trợ đoàn phim trong vai trò diễn viên quần chúng. Tình cảm này làm ekip “Đất rừng phương Nam” cảm kích khôn nguôi.
Có thể nói, “Đất rừng phương Nam” là một phim đầy may mắn khi từ những ngày đầu đã được bà con thương yêu, hỗ trợ, chắp cánh cho thành hình như hôm nay. Và tới giờ phút này, khi đã chính thức công chiếu, phim được nhiều khán giả ủng hộ, đặc biệt với những khán giả từ miền Tây Nam Bộ, khi xem xong đều xúc động và không tiếc lời khen ngợi vì đoàn phim đã mang đến một miền Tây quá đỗi xinh đẹp và hào hùng, kì vĩ.