360 độ Giải trí

Lời cảnh báo: Cẩn trọng tính năng định vị vị trí

Tuần này, chương trình ‘Lời cảnh báo’ tiếp tục cập nhật những vấn đề nổi cộm trong thời gian gần đây như dốc ngược sai lầm khi sơ cứu trẻ đuối nước và cẩn trọng tính năng định vị vị trí.

Dốc ngược sai lầm khi sơ cứu trẻ đuối nước

Thời gian qua, nhiều trẻ đuối nước khi đưa lên bờ đã không tỉnh, không thở và ngừng tim nhưng không được sơ cứu đúng cách và cấp cứu kịp thời, thay vào đó là bế dốc ngược rồi chạy vòng quanh, cách sơ cứu ban đầu này đã khiến tính mạng trẻ càng thêm nguy kịch.

Bác sĩ Nguyễn Thụy Ý Nhi (Khoa Cấp cứu, BV Nhi Đồng 2, TP. HCM) cho biết: “Việc dốc ngược nạn nhân đuối nước lên rồi chạy là hành động cực kỳ nguy hiểm, thứ nhất là dịch trong dạ dày có thể trào ngược ra và đi ngược vào đường thở của nạn nhân, thứ hai là chưa xác định bộ phận bị chấn thương của nạn nhân, khi dốc ngược lên chạy như vậy có nguy cơ khiến các vùng bị chấn thương càng trở nên nghiêm trọng hơn” .

Sơ cứu ban đầu đúng cách khi trẻ đuối nước đóng vai trò rất quan trọng vì nó giúp giảm thiểu tỉ lệ tử vong, cũng như giảm ảnh hưởng đến các cơ quan quan trọng như gan, thận, đặc biệt là di chứng não.

Dốc ngược sai lầm khi sơ cứu trẻ đuối nước

Các nghiên cứu chỉ ra thời gian trung bình chịu đựng tình trạng thiếu oxi của não là từ 4 – 6 phút. Sau thời gian đó não sẽ bắt đầu tổn thương vĩnh viễn và gần như không thể hồi phục, nếu nạn thân có thể sống thì di chứng não để lại rất nặng nề.

Vì vậy, thay vì dốc ngược chạy với mong muốn ép nước ra ngoài, chúng ta nên nắm vững kỹ năng sơ cứu ban đầu đúng cách. Nếu nạn nhân không tỉnh, cần mở đường thở bằng cách ngửa đầu nâng cằm nạn nhân, sau đó kiểm tra đường thở bằng cách nhìn sự chuyển động của lồng ngực, tuyệt đối không ngửa đầu nâng cằm nếu nghi ngờ nạn nhân chấn thương cột sống cổ. Nếu trẻ không thở hãy tiến hành hồi sức tim – phổi ngay bằng cách thổi ngạt 5 lần và ép tim ngoài lồng ngực 30 nhịp, ngay sau đó cần đưa ngay đến bệnh viện để nạn nhân được cung cấp oxi và máu tươi lên não.

Cẩn trọng tính năng định vị vị trí

Chị N.T.Y gần đây nhận được lời mời của một người tự xưng là quản lý của một doanh nghiệp may mặc, đang tìm kiếm nhân viên nhập liệu tại nhà với mức lương cao. Người này gửi cho chị Y đường link cài đặt phần mềm để chị bắt đầu công việc, sau khi cài và thử việc, chị Y cảm thấy điện thoại của mình nóng lên và có dấu hiệu bị chậm, chị nhanh chóng xóa phần mềm đi và nhờ người kiểm tra điện thoại. “Người kiểm tra cho biết điện thoại của tôi đang bị theo dõi, bao gồm cả theo dõi vị trí. Tôi lo lắng kẻ gian có thể canh thời điểm tôi vắng nhà để đột nhập và trộm tài sản”, chị Y nói.

Thực tế khi cho phép một ứng dụng biết vị trí của mình, ứng dụng đó sẽ biết được người dùng đang ở đâu và trong khoảng bao lâu, dữ liệu được thu thập một cách chi tiết và đầy đủ các mốc thời gian. Trong một số trường hợp, các đối tượng có thể khai thác quãng đường di chuyển để lựa chọn địa điểm phù hợp để tấn công nạn nhân.

Cẩn trọng tính năng định vị vị trí

Tiến sĩ Phạm Văn Khoa (Trưởng ngành Máy tính viễn thông, Trường ĐH SPKT TP.HCM) cho biết: “Các đối tượng sẽ dẫn dụ người dùng tải một ứng dụng lạ nhằm mục đích chiếm quyền kiểm soát điện thoại khi người dùng vô tình cấp các quyền điều khiển khi tiến hành tải ứng dụng, những phần mềm này chứa mã độc để chiếm đoạt các thông tin như video, hình ảnh, âm thanh, mật khẩu và có cả định vị của người dùng. Hãy luôn xem xét những phần mềm đang chạy trong mục cấu hình của điện thoại, nếu không rõ chức năng của phần mềm đó trong chiếc điện thoại di động thì chúng ta cần xóa bỏ ngay lập tức”.

Theo các chuyên gia, có một số cách để sử dụng dịch vụ theo dõi vị trí được an toàn như thường xuyên kiểm tra về định vị và cài đặt riêng tư để đảm bảo điện thoại không chia sẻ vị trí khi không cần thiết, tránh chia sẻ thông tin vị trí với người lạ hoặc trên các trang mạng xã hội một cách công khai, tìm hiểu về độ tin cậy của nhà phát triển và đọc nhận xét từ người dùng khác trước khi cài đặt các ứng dụng có yêu cầu truy cập định vị.