Vai phản diện Walker trong “Mission: Impossible – Fallout” đã giúp sự nghiệp của Henry Cavill tiến thêm bước mới nhằm thoát khỏi hình tượng Superman gần như đã “nuốt chửng” anh.
Trên màn ảnh, người ta được chứng kiến một Superman với thân hình vạm vỡ cùng gương mặt đẹp như tạc tượng nhưng không phải ai cũng biết Henry Cavill đã trải qua nhiều gian truân, vấp nhiều thất bại để đi đến ngày được đứng ra ánh sáng với danh xưng “Người đàn ông thép”.
Nhưng rồi khi khoác lên bộ áo Siêu nhân, trở thành hình tượng siêu anh hùng được cả thế giới yêu mến, Henry Cavill lại chật vật tìm kiếm con đường để thay đổi.
Chắc chắn, anh không muốn mình mãi chỉ là Superman trên màn ảnh rộng vì thực tế anh có nhiều yếu tố để thành công hơn nữa. Và vai phản diện trong bom tấn Mission: Impossible – Fallout mới đây trở thành sự cứu rỗi cho cả sự nghiệp làng nhàng, một màu của tài tử người Anh.
*5 năm và chỉ một nhúm khán giả biết tới
Henry Cavill sinh năm 1983, chào đời ở đảo Jersey (Anh), là con thứ tư trong gia đình năm người con trai. Cha anh là nhà môi giới chứng khoán còn mẹ làm thư ký ở một ngân hàng. Tuổi thơ của Henry Cavill trôi qua không mấy dễ chịu khi lúc đó anh thừa cân và mọt sách, thường xuyên bị bắt nạt trong trường. “Cavill béo” là biệt danh mà bạn bè đặt cho cậu.
Hình ảnh thời trẻ của Henry Cavill chứng tỏ anh đã là mỹ nam đầy cuốn hút.
Henry Cavill thậm chí còn mắc chứng đau đầu gối ở tuổi thiếu niên khiến cậu không thể vận động mạnh hay chơi thể thao nhiều. Chính vì học xa nhà, bị bạn bè xa lánh và mang nhiều bệnh tật khiến cậu bé thiếu niên khi ấy chán nản thậm chí là suy sụp, sống xa cách mọi người.
Dù gia đình không có ai theo nghệ thuật nhưng Henry Cavill lại có hứng thú đặc biệt với diễn xuất từ lúc còn nhỏ khi tham gia trong các vở kịch của trường. Anh từng tiết lộ nếu không trở thành diễn viên thì sẽ gia nhập quân đội hoặc sang Ai Cập để nghiên cứu về lịch sử cổ đại. Lúc này niềm đam mê với nghệ thuật chưa phải là ngọn lửa bùng cháy dữ dội trong anh.
Cột mốc mang tính quyết định trong cuộc đời của chàng trai trẻ này là năm 17 tuổi, vào khoảng thời gian học ở Stowe. Đó là khi Cavill có dịp gặp gỡ nam diễn viên Russell Crowe. Crowe đến ngôi trường của anh để quay phim Proof of Life. Chàng sinh viên người Anh lúc đó được đóng vai phụ và nhân cơ hội tiếp cận thần tượng để nhờ Crowe cho anh lời khuyên về sự nghiệp diễn xuất.
Sau khi Crowe thực hiện xong những cảnh quay cũng là lúc Cavill có đủ những lời khuyên bổ ích để đưa ra quyết định cho mình. Sau đó, Henry còn nhận được bưu thiếp từ diễn viên nổi tiếng, với dòng chữ như sau: “Gửi Henry, chặng đường 1.000 dặm bắt đầu từ bước chân nhỏ nhất. Thân gửi, Russell”.
Điều Russel Crowe không ngờ rằng hơn chục năm sau, hai người có dịp đóng vai cha con với nhau trên màn ảnh rộng với bộ phim Man of Steel (2013). Nhưng chàng sinh viên trẻ khi ấy nay đã trở thành người hùng Superman được triệu người yêu mến. Giấc mơ tuổi thơ khi chạy quanh vườn với chiếc chăn màu đỏ của cậu nhóc ngày nào giờ đã thành hiện thực.
Vai diễn của Henry Cavill trong series The Tudors nhận được nhiều lời khen ngợi.
Năm 2002, Henry Cavill chính thức thâm nhập vào Hollywood với vai diễn phụ trong The Count of Monte Cristo. Suốt hơn 5 năm chật vật ở thiên đường điện ảnh, anh chỉ được mời đóng các vai phụ trong những bộ phim làng nhàng như I Capture the Castle (2003), Red Riding Hood (2004), Stardust (2007)… và một số loạt phim truyền hình ít người biết tới.
Mãi đến năm 2007, anh mới tìm được cơ hội thể hiện mình trong vai chàng Công tước xứ Suffolk – Charles Brandon trong phim truyền hình nổi tiếng The Tudors (2007-2010) của hãng Showtime. Từ đó, Henry Cavill mới bắt đầu tạo dựng được chút tiếng tăm.
Series truyền hình này được nhận đề cử Quả cầu vàng năm 2007 và ẵm một giải Emmy. Riêng bản thân Henry Cavill, dù chưa tạo được ấn tượng mạnh về diễn xuất nhưng ngoại hình điển trai của anh đã được công chúng để mắt tới. Thậm chí tạp chí Entertainment Weekly còn ca ngợi Cavill là “Chàng công tước bảnh bao nhất”. Không giấu được niềm vui mừng trước thành công đầu tiên, anh tự hào khoe rằng: “Giờ chắc đã có một nhúm khán giả Mỹ biết tôi là ai”.
*Mỹ nam đen đủi nhất Hollywood
Dù tạm gọi là thành công ở mảng truyền hình nhưng ở điện ảnh, Henry Cavill lại tỏ ra kém duyên thậm chí là cực kỳ đen đủi. Khoảng thời gian từ 2004-2007, anh liên tục bị loại khỏi những dự án ở Hollywood dù được cân nhắc là rất phù hợp. Không khỏi ngạc nhiên khi một diễn viên có ngoại hình xuất sắc, diễn xuất tốt và được xem là ứng cử viên hàng đầu cho những vai nam chính như Henry Cavill lại liên tục bị đánh trượt khỏi những cơ hội ngàn vàng.
Henry Cavill từng được gọi là mỹ nam đen đủi nhất Hollywood.
Năm 2004, anh được chọn thủ vai Superman trong Superman Returns (2006) nhưng cuối cùng bị thay thế bởi gương mặt điển trai khác là Brandon Routh. Một năm sau, Henry Cavill đứng trước cơ hội lớn khi được cân nhắc vào vai điệp viên James Bond trong Casino Royale để thay Pierce Brosnan. Đạo diễn Martin Campbell tỏ ra ủng hộ Henry Cavill nhưng nhà sản xuất cho rằng anh còn quá trẻ và vai diễn được trao cho tên tuổi kỳ cựu hơn – Daniel Craig.
Không chỉ vậy, anh còn hai lần mất vai trong hai bộ phim ăn khách là Harry Potter và loạt phim Twilight vào tay gương mặt đồng hương Robert Pattinson. Khi chuẩn bị cho phim Harry Potter và Chiếc cốc lửa (2005), vai diễn chàng Cedric Diggory còn trống và Henry Cavill được xem là ứng cử viên sáng giá cùng với Robert Pattinson. Nhưng cuối cùng Pattinson là người được chọn.
Trường hợp series Twilight còn đáng tiếc hơn, khi nữ nhà văn Stephenie Meyer đã đề xuất Cavill là người hoàn hảo để vào vai Edward Cullen nhưng cuối cùng, nhà sản xuất lắc đầu từ chối vì cho rằng anh quá già để vào vai chàng ma cà rồng trẻ trung. Cơ hội một lần nữa được trao vào tay Robert Pattinson.
Nếu được chọn vào một trong số các bộ phim trên, Henry Cavill có lẽ đã vụt sáng trở thành ngôi sao Hollywood với giá trị lên đến hàng trăm triệu USD. Bộ phim điện ảnh In the Cold Light of Day (2011) mà anh góp mặt lại là thảm bại về cả doanh thu lẫn mặt nội dung. Chính vì gặp quá nhiều xui rủi nên tạp chí Empire đã đặt cho Henry Cavill biệt danh là “Mỹ nam đen đủi nhất Hollywood”.
Cơ bắp cuồn cuộn và thân hình vạm vỡ của Henry Cavil trong bộ phim Immortals (2011 ).
*Siêu phẩm Superman
Henry Cavill đã đến rất gần trong việc trở thành ngôi sao triệu USD nhưng đều để vụt mất. Nhưng có lẽ, chính những dớp đen đủi đó vô tình đưa đẩy anh đến bước ngoặt khác, thay đổi toàn bộ sự nghiệp và tên tuổi của anh.
Năm 2013, anh trở thành cái tên được cả thế giới điện ảnh biết tới với vai diễn Clark Kent/Superman trong bom tấn Man of Steel. Bom tấn của đạo diễn Zack Snyder đã thu về hơn 700 triệu USD để trở thành phim về Superman ăn khách nhất trong lịch sử.
Không chỉ vậy, hình tượng của Henry Cavill trong bộ áo Siêu nhân đã trở thành hình tượng kinh điển đáng nhớ trên màn ảnh rộng trong vòng 10 năm qua. Đặc biệt, anh cũng là diễn viên người Anh đầu tiên được khoác lên mình chiếc áo choàng đỏ này.
Gương mặt điển trai của anh là điểm cộng có sẵn nhưng để sở hữu thân hình vạm vỡ, cơ bắp cường tráng của “Người đàn ông thép” thì nam diễn viên người Anh đã phải qua thời gian tập luyện được xem là địa ngục.
12 tiếng khổ luyện nghiêm ngặt mỗi ngày kèm theo một chế độ ăn uống hà khác có thể khiến nhiều người bỏ cuộc, song Cavill tự nhận mình là “một kẻ cứng đầu” và đã kiên trì tới cùng. Bởi anh biết, đây là cơ hội duy nhất của mình để tỏa sáng.
Có thân hình dễ thay đổi, Henry Cavill dốc nhiều sức lực tập luyện để vào vai Superman một cách hoàn hảo nhất.
Vai diễn siêu anh hùng mà Henry Cavill từng để hụt 6 năm trước giờ đã vào tay anh. Nhưng bây giờ cơ hội còn lớn hơn bội phần khi được đầu tư hơn 220 triệu USD, dưới bàn tay của vị đạo diễn đình đám và được xem là “con át chủ bài” của Warner Bros. Thế nên, anh phải nỗ lực gấp đôi để có thể chinh phục vai diễn mang tính biểu tượng này.
Kết quả là anh đã có được thân hình mơ ước, hình mẫu của vị Siêu nhân lý tưởng trong mắt công chúng. Ánh mắt cương nghị, đôi mắt xám sâu hun hút, gương mặt góc cạnh đầy nam tính và đặc biệt là thân hình đẹp như những bức tượng La Mã của Henry Cavill đã hoàn toàn chinh phục hàng triệu khán giả, ít nhất ở phần nhìn.
Cùng với sự choáng ngợp mà Henry Cavill đem đến cho công chúng trong hình tượng Superman, ngay sau đó anh được tạp chí Glamour bình chọn là Người đàn ông quyến rũ nhất hành tinh. Cuộc bình chọn khác của tờ Attitude cho World’s Sexiest Men cũng dành vị trí thứ hai cho Henry Cavill.
Với công chúng, Henry Cavill là hình tượng Superman tuyệt vời trên màn ảnh rộng.
*Mission: Impossible – Fallout: Sự cứu rỗi cho người diễn viên chết vai
Sau Man of Steel, Henry Cavill đang cố gắng đặt dấu ấn mới trong lòng người hâm mộ, bên cạnh vai diễn vị siêu anh hùng đến từ Krypton. Nhưng ấn tượng từ hình ảnh của Superman quá lớn, khiến không chỉ khán giả mà nhà sản xuất cũng không thể tìm được cách hóa giải cho Henry Cavill. Họ chỉ nhìn thấy ở anh hình ảnh chững chạc, siêu nhiên, mạnh mẽ của Superman.
Guy Ritchie là nhà làm phim đầu tiên nhận ra Henry Cavill còn có thể làm hơn thế, không thể chỉ mãi đóng vai Siêu nhân thần thánh và đầy quyền năng trong mắt công chúng. Đó là lý do Guy Ritchie quyết định liều lĩnh chọn tài tử 35 tuổi vào vai điệp viên Napoleon hào hoa trong The Man from U.N.C.L.E (2015).
Không kể về diễn xuất, điều khó khăn nhất chính là việc hình ảnh của Henry Cavill đã gắn chặt vào chiếc áo Siêu nhân như một khối thống nhất không thể tách rời. Chính vì thế, việc nhìn thấy Cavill trên màn ảnh trong những hoạt động bình thường khác như nấu ăn, trêu đùa, chạy vespa, cầm súng rượt đuổi đều khiến khán giả… buồn cười.
Hình ảnh đổi mới của tài tử người Anh trong The Man from U.N.C.L.E không được nhiều người ghi nhận.
Thậm chí khi nhìn thấy tài tử này bảnh bao và lịch lãm trong những bộ vest như bước ra từ tạp chí thời trang lên màn ảnh rộng, nhiều khán giả vẫn không cảm thấy thật sự thoải mái và xóa hình ảnh Siêu nhân ra khỏi đầu.
Sau khi “đổi gió” với vai diễn điệp viên hài hước, Henry Cavill tiếp tục tái xuất với hình tượng Superman trong hai bom tấn của Warner Bros. là Batman V Superman: Dawn Of Justice (2016) và Justice League (2017). Dù lần trở lại mới này của Superman vướng phải nhiều lùm xùm, chế giễu về mặt hình ảnh, đặc biệt là bộ râu kỹ xảo trị giá vài triệu USD, nhưng có sự thật không thể chối cãi là người ta luôn đặt Henry Cavill cạnh hình tượng Superman để đối chiếu.
Tuy nhiên, đến với bom tấn Mission: Impossible – Fallout cùng vai đặc vụ phản diện August Walker, đạo diễn Christopher McQuarrie đã góp phần mang đến một Henry Cavill thật khác.
Mạnh mẽ, lạnh lùng như cỗ máy hạng nặng, nhưng cũng không kém phần mưu lược, August Walker là hình mẫu phản diện thú vị khi đặt cạnh Ethan Hunt. Henry Cavill đã có màn trình diễn tuyệt vời và vượt ngoài sức mong đợi, giúp tạo nên đối trọng xứng tầm, đáng nhớ khi đặt bên cạnh nhân vật chính của Tom Cruise.
Vai phản diện chính trong Mission Impossible – Fallout góp phần thay đổi sự nghiệp của tài tử điển trai người Anh.
Tờ Entertainment Weekly nhận định Mission: Impossible – Fallout đã mở ra tương lai mới cho Henry Cavill, như ngã rẽ mới để giúp tài tử này thoát khỏi hình ảnh Superman nhiều năm qua. “Với nhân vật Walker, chúng tôi tin anh ấy có thể đóng tốt phản diện và có thể làm nhiều hơn thế nữa”, cây bút phê bình Darren Franich nhận định.
Đặc biệt, với nam diễn viên, kinh nghiệm đóng cảnh hành động trong thời gian hợp tác với Tom Cruise hết sức quý báu. Henry Cavill chia sẻ: “Tôi đã tự đặt ra những tiêu chuẩn cao hơn cho bản thân với bộ phim này và cho rằng đó sẽ là những thử thách rất lớn nếu muốn thay đổi”.
Dấu ấn không nhỏ của anh ở Mission Impossible 6 có thể phần nào thay đổi suy nghĩ của khán giả. Từng thất bại với Casino Royale nhưng Henry Cavill khẳng định anh vẫn không ngừng nỗ lực để một ngày nào đó có thể sắm vai chàng điệp viên người Anh hào hoa mà anh hằng ao ước.
Tương lai của Henry Cavill với loạt phim 007 vẫn còn để ngỏ nhưng chắc chắn anh vẫn sẽ tiếp tục hóa thân thành Superman ít nhất là trong Justice League 2 và một phần phim riêng thứ hai Superman vẫn còn nằm trên kế hoạch. Dù vậy, có lẽ từ bây giờ, công chúng đã có thêm vai diễn mới để nhớ về Henry Cavill, bên cạnh hình tượng Superman.
Theo Linh Lan/Zing.vn