Sau “Sống chung với mẹ chồng” và “Người phán xử”, lượng rating của phim truyền hình vẫn trồi sụt thất thường vì thiếu cái lạ, xa rời thực tế?
Những ngày qua, một trong những thông tin gây xôn xao nhất chính là Trung tâm Sản xuất phim truyền hình – Đài truyền hình Việt Nam (VFC) khởi quay phần ngoại truyện “Người phán xử”.
Được biết, phần này sẽ bao gồm 4 tập phim, là “tiền truyện” của đế chế Phan Thị, tập hợp những gương mặt “gạo cội” của “Người phán xử” như ông trùm Phan Quân, Lương “Bổng”, Phan Hải…
“Người phán xử” ngoại truyện sắp ra mắt khán giả. (Ảnh: VTV)
Trong năm 2017, hai bộ phim “Sống chung với mẹ chồng”, “Người phán xử” đã trở thành tâm điểm dư luận, hút lượng rating cực cao và phủ sóng khắp mạng xã hội. Thừa thắng xông lên, các nhà sản xuất liên tục chiêu đãi khán giả giờ vàng với hàng loạt phim được thu tiếng đồng bộ, quay với công nghệ 4K.
Bảo Thanh có 1 năm 2017 quá thành công nhờ “Sống chung với mẹ chồng”.
Có thể kể đến “Thương nhớ ở ai” mất tới 3 năm để xử lý hậu kỳ, “Ngược chiều nước mắt” quy tụ dàn diễn viên trẻ đẹp, “Tình khúc Bạch dương” mất 7 năm với nhiều chuyến đi khảo sát thực tế tốn kém giữa Nga, Pháp và Việt Nam; bom tấn “Cả một đời ân oán” chăm chút từng góc quay khiến NSƯT Mỹ Uyên phải thốt lên “Đóng phim truyền hình mà cảm giác như đang đóng phim điện ảnh”.
Ngoài VFC, khán giả còn có nhiều lựa chọn với những bộ phim do tư nhân sản xuất như: “Giao mùa” lấy bối cảnh Hà Nội xưa, “Mộng phù hoa” kể về cuộc đời “đệ nhất mỹ nữ Sài Gòn” Ba Trà, bộ phim hành động “Đánh tráo số phận” có sự góp mặt của siêu mẫu Trương Nam Thành, đả nữ Nhung Kate…
Khó xô đổ kỷ lục của “Sống chung với mẹ chồng”, “Người phán xử”?
Các bộ phim kể trên có nỗ lực của nhà sản xuất, có đầu tư, có dàn diễn viên tài năng và ăn khách, thế nhưng xem ra về độ nóng vẫn chưa “thấm tháp” gì so với vài thông tin mơ hồ của “Người phán xử” ngoại truyện vừa được tung ra.
Cũng là phim Việt hoá, nhưng khi xem “Cả một đời ân oán”, nhiều khán giả chia sẻ cảm nhận dường như họ đang xem một bộ phim Đài Loan cũ kỹ. Câu chuyện đánh ghen, tình tay 3 dài lê thê, trải qua hàng chục tập vẫn chưa hoá giải ; hàng loạt những mối quan hệ chồng chéo, lằng nhằng giữa con chung – con riêng, vợ cả – vợ hai, anh chồng – em dâu, mẹ chồng – dâu cũ – dâu mới… khiến khán giả bị rơi vào mê hồn trận và không hiểu vì sao lại có thể phức tạp như thế.
Sự khiên cưỡng khi đóng khung nhân vật đến mức lỗi thời: “cô dâu bạc triệu” Hồng Diễm xinh đẹp, hiền lành, cả đời phải cúi gằm mặt nhịn nhục, đã là mẹ chồng thì bà Lan (NSƯT Mỹ Uyên) phải ghê gớm, quá quắt đến mức độ vô lý, xa rời thực tế…
Hồng Đăng và Hồng Diễm trong“Cả một đời ân oán”. (Ảnh VTV)
Ngoài “Cả một đời ân oán”, “Tình khúc Bạch dương” được kỳ vọng sẽ thành “bom tấn” màn ảnh nhỏ vì NSƯT Vũ Trường Khoa cũng là đạo diễn của “Sống chung với mẹ chồng”. Tuy nhiên, khi phim lên sóng, nhiều khán giả “chê” cách phát âm tiếng Nga của đội ngũ lồng tiếng, đạo cụ cũng chưa thật với bối cảnh thời Liên Xô cũ.
Diễn viên, MC Thanh Mai có diễn xuất “cứng đờ”, “một màu” khi đảm nhận nhân vật có nội tâm dữ dội, phức tạp như Quyên. Nhiều cảnh phim quay lúc đi ngủ nhưng gương mặt cô vẫn phủ lớp trang điểm dày khiến khán giả khá khó hiểu…
Diễn xuất của Thanh Mai trong “Tình khúc bạch dương” được đánh giá còn “cứng”. (Ảnh: VTV)
Ngoài ra, có thể kể đến những phim khá lặng lẽ: “Giao mùa” nhạt nhoà về câu chuyện và lồng tiếng cũ kỹ, “Đánh tráo số phận” hư cấu đến độ phi lý, các cảnh hành động chưa đã và chưa tới…
Trong số này, có lẽ “Thương nhớ ở ai” là bộ phim giành được nhiều lời khen ngợi nhất. Phim hay tất nhiên được “soi” kỹ, tuy nhiên, những lần ồn ào nhất của “Thương nhớ ở ai” lại chính là cảnh nóng “sập giường” của Trà My và Lâm Vissay hay chuyện các diễn viên nữ không mặc áo ngực trên sóng truyền hình. Đây cũng là bộ phim duy nhất mang đề tài nông thôn, “động chạm” được những vấn đề về thân phận phụ nữ trong xã hội xưa, có giá trị nhân văn sâu sắc.
Cảnh nóng “sập giường” của Lâm Vissay và Trà My từng gây nhiều tranh cãi. (Ảnh: VTV)
“Nhiều phim truyền hình quá xa rời thực tế”
Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã đánh giá, vấn đề lớn nhất của nhiều bộ phim truyền hình hiện nay đó là quá xa rời thực tế.
“Nhiều phim quên đi những vấn đề thời sự nóng hổi, nhức nhối của xã hội, mà đề cập đến những câu chuyện quá riêng tư, “thị dân”, khiến khán giả cảm thấy xa rời thực tế, không liên quan gì đến mình. Đây là bài học lớn cho các tác giả hiểu rằng, họ không có quyền từ chối những vấn đề lớn của thời đại.
Đây cũng là câu chuyện sống còn của phim truyền hình nói riêng và cả nền điện ảnh nói chung. Tính hướng dẫn và định hướng của phim truyền hình hiện nay làm chưa tốt, thậm chí còn không bằng những năm trước.
“Người phán xử” thành công vì “lạ”? (Ảnh: VTV)
“Người phán xử” và “Sống chung với mẹ chồng” thành công bởi có nhiều chi tiết lạ nhưng thật, khai thác rất sâu tâm lý của nhân vật. Phim truyền hình không phải chỉ là vấn đề công nghệ, quan trọng nhất phải là tình tiết lạ. Rõ ràng cái lạ trong truyền hình là một tiêu chí cần đạt tới, nó bắt buộc các nhà sản xuất không thể đi mãi một con đường. Nhiều phim được đầu tư nhưng vì đi mãi một con đường, không lạ nên ít người xem.
Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã. (Ảnh: VTV)
“Khi đề cập đến bất cứ đề tài nào dù riêng tư hay rộng lớn của đời sống, chúng ta phải dụng công nghĩ đến cái mới lạ trong câu chuyện, để khán giả có thể tìm thấy những số phận không dễ gặp ngoài đời, những điều không thể lý giải được nhưng có thể tìm thấy trong phim. Việc nghiên cứu tâm lý khán giả cũng chưa tốt. Đó chính là một trong những nguyên nhân khiến lượng rating các bộ phim vẫn trồi sụt thất thường”, nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã cho biết.
Theo Xuân Phương/VOV.VN