Phim ảnh

Tà Năng – Phan Dũng: Bộ phim đầu tiên của điện ảnh Việt Nam về đề tài sinh tồn

Gây ấn tượng trong teaser trailer giới thiệu đến báo giới là cảnh nam diễn viên chính cho Huỳnh Thanh Trực thủ vai ăn một con ếch còn sống. Những biểu cảm chân thực trong cảnh quay để đặc tả khao sát sinh tồn khiến nhiều người không khỏi “nổi da gà”.

Bộ phim được truyền cảm hứng từ những chuyến đi của chính đạo diễn Trần Hữu Tấn và những người bạn trên các cung đường hùng vĩ của núi rừng Việt Nam. Và chính từ cung đường Tà Năng nổi tiếng chính là nơi mà ý tưởng về bộ phim đã được sinh ra. Từ sự choáng ngợp đầy diệu kì đến những hiểm nguy khó biết trước đang chực chờ ở mỗi bước chân người phượt thủ đều được đạo diễn của Tà Năng – Phan Dũng lưu giữ và đặt vào tác phẩm.

Ngay trong buổi họp báo ra mắt đoàn phim, teaser trailer đầu tiên của bộ phim cũng đã được ra mắt chính thức. Đoạn teaser ngắn chỉ xuất hiện nhân vật Kiên (Huỳnh Thanh Trực thủ vai) nhưng cũng đủ làm người xem cảm thấy được sự đau đớn và bế tắc của nhân vật trong hoàn cảnh vừa bị lạc, vừa bị thương ở chân không thể di chuyển nhanh được. Sự đói khát và kiệt quệ dần chiếm lấy Kiên khiến anh dần hành động theo bản năng. Anh lấy nước từ rong rêu và cỏ dại. Cơn đói khiến anh không làm chủ được mình, biến bản thân thành con thú săn. Những khuôn hình sống động sau đó mới thực sự làm khán giả vỡ oà. Đó chính là hình ảnh Kiên ăn 1 con ếch còn sống. Sự ngấu nghiến, thèm khát được Huỳnh Thanh Trực thể hiện rõ nét qua hành động và đặc biệt là ánh mắt. Đó là ánh mắt của một kẻ bị dồn vào đường cùng đang tìm cách vùng vẫy để sinh tồn.

Huỳnh Thanh Trực đã khắc họa rõ nét những khó khăn mà nhân vật đang phải trải qua với lối diễn xuất của mình

Chia sẻ về bộ phim thứ hai sau thành công từ Bắc Kim Thang, đạo diễn Trần Hữu Tấn cho biết: “Với tôi Tà Năng – Phan Dũng không chỉ là một bộ phim, mà còn là hành trình ghi dấu sự “điên khùng” của tuổi trẻ, bất chấp mọi khó khăn, thử thách lẫn những nguy hiểm không lường trước để khắc hoạ lại tinh thần tự do của của những trái tim còn xanh. Tôi không phủ nhận bộ phim được lấy cảm hứng từ nhiều vụ tai nạn ở Tà Năng – Phan Dũng, trong đó có trường hợp của Thi An Kiện, tuy nhiên đó chỉ là nguồn cảm hứng và tôi tin chắc bất cứ ai yêu xê dịch, đam mê khám phá đều thấy mình ở đâu đó và là bất kì nhân vật nào trong câu chuyện này. Đến với Tà Năng – Phan Dũng là 1 định mệnh, và khi thực hiện bộ phim này cũng là 1 định mệnh. Dường như mọi thành viên trong đoàn đều có sự sàng lọc để rồi chúng tôi đến với nhau và làm việc cùng nhau bằng tất cả sự quyết tâm, ý chí. Phim quay rất cực nhưng tôi chưa thấy 1 ai than phiền hay có ý định bỏ cuộc.

Mỗi người sẽ tự tìm thấy thông điệp của riêng mình khi xem Tà Năng – Phan Dũng, và tôi cũng hy vọng bộ phim sẽ tiến xa hơn đến các thị trường Quốc Tế, để rồi sau khi xem phim, khán giả nước bạn sẽ trầm trồ vẻ hùng vĩ và nhắc đến cung đường Tà Năng – Phan Dũng như là 1 địa danh phải đến trong hành trình khám phá tuổi trẻ, cũng như những địa danh huyền thoại Kinabalu, Everest trên thế giới”.

“Tà Năng – Phan Dũng” là bộ phim đầu tiên của Việt Nam có đề tài sinh tồn

Bối cảnh của phim được quay ở Tà Năng vào mùa cỏ cháy. Phim có sử dụng nhiều thuật ngữ của dân phượt nhằm miêu tả các địa danh được đánh dấu trong phim. Bên cạnh đó, bộ phim cũng mang đến những khoảnh khắc đậm tình người, tình bạn. Từ những người đồng hành trên cuộc hành trình khám phá đầy rủi ro, cam go. Đây là chi tiết khó truyền tải trong một bộ phim thiên về sự đấu tranh trong nội tâm nhân vật. Điều bộ phim làm được đó là thể hiện được giá trị của tình bạn và đề cao nó giữa những hồ nghi trong thời khắc sinh tử của một con người.

Cung đường Tà Năng – Phan Dũng có nhiều dốc cao, khung cảnh hùng vĩ, gió thổi mạnh vào sáng sớm và giữa đêm. Còn phía Phan Dũng đường trơn, dốc đứng, ngoằn ngoèo.

Tà Năng – Phan Dũng thuộc thể loại phim Sinh tồn tâm lý giật gân – Survival Psychological Thriller. Mặc dù những bộ phim mang thể loại tâm lý giật gân không hề mới tại thị trường điện ảnh Việt, nhưng đề tài sinh tồn vẫn là địa hạt mà các nhà làm phim nội địa chưa từng thử sức. Điều đó khiến Tà Năng – Phan Dũng trở thành tác phẩm đầu tiên của điện ảnh Việt Nam đi theo thể loại này.

Với thể loại Sinh tồn, trên thế giới đã có rất nhiều tác phẩm tiêu biểu và đã trở thành biểu tượng như: 127 Hours, Shallows, The Revenant, 47 Meters Down: Uncaged,… Điểm chung của những tác phẩm này đều mang đến cho khán giả cảm giác hồi hộp, nghẹt thở và thực tế đến mức được sống như nhân vật trong tác phẩm mà họ đang xem.

Để có thể mang đến cảm giác chân thực nhất tới với khán giả, các diễn viên đã hi sinh vẻ ngoài để có thể nhập vai tốt nhất. Như vai chính Kiên do diễn viên Huỳnh Thanh Trực đảm nhận đã ép cân xuống hẳn 5kg trong vòng 1 tháng trước thời điểm khởi quay để hợp với ngoại hình nhân vật. Trước ngày ghi hình, anh được yêu cầu không ăn no (chỉ uống sữa) và ngủ ít để có ngoại hình mệt mỏi đói khát thật sự. Hơn nữa, diễn viên đi bộ 3km để có được cảm giác của một người đi lạc trong rừng. Trong những cảnh quay “hành xác” này, đã bất chợt xảy ra nhiều câu chuyện tâm linh kì lạ, khó giải thích.

Bên cạnh đó, thời tiết tại địa điểm quay vô cùng khắc nghiệt vào buổi sớm và ban đêm khi nhiệt độ xuống chỉ còn 7 – 9 độ C. Mặc dù thế, toàn bộ các cảnh hành động mạo hiểm như đu – té – nhảy thác đều được các diễn viên tự mình thể hiện. Khó khăn hơn, trong khi thực hiện các cảnh quay đó, trên người diễn viên vẫn phải mang chiếc ba lô nặng tới 15kg – trọng lượng thật của một ba lô đi phượt. Tuy mỗi ngày phải ghi hình từ 12-14 tiếng trong thời tiết khắc nghiệt như vậy nhưng sức khoẻ của diễn viên và ekip vẫn được đảm bảo tới cuối thời gian ghi hình bởi thuốc và thực phẩm luôn được cung cấp đủ cho cả đoàn phim.

Dự kiến, bộ phim sẽ khởi chiếu trên toàn quốc từ giữa tháng 10 năm nay.

Anh Châu