Phim ảnh

Vì sao siêu phẩm kỷ lục của Trung Quốc dừng chiếu sau 3 ngày ra rạp?

“Asura” (A Tu La) là tác phẩm điện ảnh được thực hiện trong 6 năm với hơn 112 triệu USD đầu tư. Nhưng phim đã ngừng chiếu chỉ sau ba ngày ra rạp trong sự ngỡ ngàng.

6 năm thai nghén và thực hiện, tốn hơn 112 triệu USD kinh phí sản xuất, 20 đơn vị tham gia phối hợp thực hiện, bộ phim viễn tưởng thần thoại Asura (A Tu La) được kỳ vọng là bom tấn đáng trông đợi nhất lịch sử màn ảnh Hoa ngữ.

Nhưng có trong cơn ác mộng tồi tệ nhất, đạo diễn Trương Bằng cũng không thể ngờ bộ phim lại thất bại thảm hại đến thế. 22h ngày 15/7, ê-kíp phim thông báo ngừng chiếu A Tu La sau ba ngày ra rạp và từ chối đưa ra lý do cụ thể.

*Sự thất bại không tưởng

Hãng Alibaba Pictures của Jack Ma từng tự tin với ê-kíp hùng hậu về kỹ xảo, đội ngũ diễn viên thực lực cùng kịch bản độc lạ, A Tu La sẽ xô đổ mọi kỷ lục trước đó. Phim ra mắt ngày 13/7. Quả thật, ngay sau đó, phim tạo nên kỷ lục, nhưng là kỷ lục đáng buồn.

Hình tượng A Tu La ba đầu mất một năm mới hoàn thành.

Theo Sina, phim chỉ thu về 7,1 triệu USD trong ba ngày đầu công chiếu. Con số thấp kỷ lục, kém xa hai phim có kinh phí thấp hơn chiếu cùng thời điểm. Tà không thắng chính do Khương Văn, Bành Vu Yến đóng thu về 46,5 triệu USD. Phim hài Dying to Survive thậm chí còn bứt tốc với 68,5 triệu USD doanh thu.

“Chắc chắn là lỗ nặng nề”, đó là nhận định của rất nhiều nhà phê bình phim ảnh Trung Quốc. Nhiều ý kiến cho rằng việc ngừng chiếu phim là động thái từ phía ê-kíp sản xuất nhằm chỉnh sửa phim theo yêu cầu của khán giả để cứu lỗ.

Trả lời phỏng vấn Sina, đại diện một đơn vị sản xuất, tập đoàn Ninh Hạ, phủ nhận tin đồn này. “Chúng tôi ngừng chiếu không phải do nội dung phim. Cho nên thông tin ngừng phim để chỉnh sửa là không chính xác. Chúng tôi đang nói đến việc phim bị các trang web đánh giá tiêu cực do lực lượng nào đó cố tình bôi nhọ phim, trong đó có trang Maoyan”, đại diện này cho hay.

Nhân vật nữ như Mẹ Rồng trong Game of Throne.

“Còn bao giờ phim chiếu lại, tôi chưa thể công bố”, đại diện nhà sản xuất cho biết thêm.

Rõ ràng, 20 nhà sản xuất của A Tu La đang thực sự bế tắc trong tình cảnh thảm họa về doanh thu phòng vé. Có ý kiến cho rằng họ nên tính đường phát hành qua mạng để thu tiền về thay vì phải chia tỷ lệ % với hệ thống rạp.

Một câu hỏi đặt ra: “Tại sao A Tu La từ bom tấn kỷ lục, siêu phẩm trăm triệu USD lại lâm cảnh khốn cùng đến thế?”.

*Phim tâm lý nửa mùa với vỏ bọc viễn tưởng thần thoại

A Tu La lấy ý tưởng về hình tượng vị thần trong Phật giáo. Phim đưa khán giả về thời đại xa xưa, lúc đó tồn tại A Tu La Vương (vua Asura) với ba đầu sáu tay. A Tu La vương muốn hủy diệt thiên giới, thay đổi vòng luân hồi sinh tử của các giới.

Nhưng cuộc chiến đó thất bại, A Tu La vương mất đi một đầu của chính mình, bị đưa về Ngục giới. Trăm năm sau, A Tu La vương nung nấu ý định tìm bản thể để hợp thể, lại đại chiến thiên giới.

Khán giả không hiểu vì sao trong chớp mắt toàn bộ nhân vật lại đứng về phía Như Ý (một phần cơ thể bị mất của A Tu La).

Trong phim, Ngô Lỗi vào vai Như Ý, bản thể bị mất của A Tu La vương (cũng là phần đầu sáng suốt). Lương Gia Huy vào vai A Tu La vương phần dục vọng còn ngôi sao gạo cội Lưu Gia Linh là phần A Tu La mưu lược.

Mặc dù được giới thiệu là phim viễn tưởng thần thoại với sự luân hồi của lục giới: thiên giới, A Tu La giới, nhân giới, ma giới, ác linh giới và Ngục giới nhưng khán giả như “chết đứng” vì hiện thực phũ phàng.

“Khi xem phim, tôi không thể hiểu đâu là sự khác biệt giữa 6 cõi trong vũ trụ”, cây viết Khang Hạ của Phê bình phim ảnh đánh giá.

Khán giả nghĩ đến sự huyền ảo, hùng vĩ ngay từ đầu phim nhưng rồi họ bất ngờ khi các tình tiết rời rạc khó hiểu. Phim viễn tưởng nhưng chẳng khác gì phim tâm lý nhạt nhòa.

Vừa bắt đầu, A Tu La vương đánh phá thiên giới nhưng không hề đưa ra lý do của trận đánh này. Nhân vật A Tu La quanh đi quẩn lại có một câu thoại: “Ta thế này thôi nhưng là vua của các người”.

Trọn vẹn phim, giấc mộng đánh thiên giới của A Tu La vẫn là dấu hỏi nếu khán giả không được đọc qua về nội dung phim.

“Thôi thì nghĩ do A Tu La nhàn rỗi quá nên thích đánh trận”, một khán giả chê cười trên Douban.

Nhân vật A Tu La sau đó quay đầu là bờ theo cách khó hiểu.

Vài phút sau cũng là một trăm năm trôi qua, A Tu La vương đi tìm bản thể thứ hai của mình – lúc này đang là chàng trai chăn cừu tên Như Ý.

Tình tiết sau để lại vô vàn câu hỏi khi Như Ý đồng ý hợp nhất nhưng rồi lại đột ngột phản đối. Vài cảnh phim sau là sự nóng nảy của Như Ý với A Tu La để bảo vệ lẽ phải. Những nhân vật phụ trong phim vô tình đều đứng về phía Như Ý.

Khán giả rơi đến tận cùng sự thất vọng khi ở cuối phim, hai bên “tát nhau” đến chảy máu và sự xuất hiện vô thưởng vô phạt của Lưu Gia Linh với câu nói: “Sao phải khổ vậy chứ?”. Và thế là, như một câu chuyện cổ tích thần kỳ, A Tu La vương tỉnh ngộ khóc lớn hối cải, chấp nhận khôi phục trật tự lục giới.

Nhà sản xuất đã bỏ ra 112 triệu USD sản xuất phim nhưng có vẻ như đã tiếc vài chục nghìn USD mời các nhà phê bình, biên kịch thảo luận trước khi quay.

Do đó, một bộ phim được đánh giá siêu phẩm lại tồn tại quá nhiều vấn đề về kịch bản, tâm lý nhân vật rời rạc, cốt truyện như cổ tích thần thoại 20 năm trước. 141 phút của phim thực ra chỉ sự kéo dài lê thê các đoạn tâm lý, thiếu đi cao trào, chưa kể đến sự thừa thãi của nhân vật A Tu La do Lưu Gia Linh đóng.

*“Lẩu thập cẩm” kỹ xảo tạp nham

Đạo diễn Trương Bằng tự tin A Tu La có kỹ xảo đặc biệt, thậm chí là “hơn cả đặc biệt”. Với ê-kíp hùng hậu từ Hollywood, tất nhiên, A Tu La có cớ để tự hào.

Theo Huaxie, phim huy động hơn 7.000 người làm hậu kỳ kỹ xảo, 2.400 cảnh hình ảnh xử lý cao, 10.000 m vải xanh làm phông chắn, 12 triệu USD chi phí cho riêng thiết bị. Người xem hoàn toàn có thể thấy được quy mô khủng đó khi ê-kíp cần đến 9 phút rưỡi để giới thiệu về đội ngũ của mình ở phần kết phim.

Hình ảnh về lục giới như phim hoạt hình.

Nhưng phim lại giống như nồi lẩu thập cẩm về kỹ xảo khi các hình ảnh xuất hiện như sự dùng lại từ Avatar, Chúa tể của những chiếc nhẫn, Biên niên sử Narnia. Tạo hình nữ chính khiến khán giả nhớ tới Mẹ Rồng trong Game of Throne.

Nhà phê bình Tấn Dương hài hước: “Giống như mọi quái vật, động vật trên màn ảnh từ Đông tới Tây đã trở thành người một nhà”. Hình ảnh A Tu La vương với tạo hình ba đầu sơ sài tốn tới một năm thực hiện bị nhận xét… giống trò trẻ con.

“Điện ảnh không phải là sự lắp ghép các phần cứng máy tính như thế này”, Baidu đánh giá. A Tu La mang hoài bão lớn nhưng không tạo được vũ trụ lục giới nên thành ra tạp nham và lộn xộn.

*Tranh cãi về thế lực chơi xấu phim

“Từ khi chiếu bị chê thảm họa thì chắc chắn là cực kỳ thảm họa”, đó là quy luật bất thành văn trong giới phim ảnh. Các nhà sản xuất tin rằng trên Maoyan, lượng lớn cư dân mạng ảo đã chấm phim 1 sao, khiến phim mất dần người xem.

“Chúng tôi phát hiện, sau 3h sáng, trên trang Maoyan có nhiều cư dân mạng ảo liên tục chấm phim ở mức thấp”, đại diện ê-kíp trả lời trên Mtime.

Lưu Gia Linh là nhân vật thừa thãi. Kịch bản rời rạc, lê thê và không logic.

Tuy nhiên, không chỉ Maoyan, trang chuyên về phim ảnh Douban cũng chỉ đánh giá phim 3,2 điểm/10. Trong đó, 60,8% người bầu chọn chấm phim 1 sao. “Nếu có điểm âm, chúng tôi còn bầu chọn âm điểm cho một phim dở tệ”, độc giả Douban nhấn mạnh.

A Tu La bỏ qua yếu tố kịch bản, không quan tâm đến sự thay đổi về thị hiếu phim trong nước là lỗi lớn dẫn đến sự thất bại doanh thu. Hai năm trở lại, các phim như Điệp vụ sông Mekong, Thám tử phố Hoa 2, Truy lùng quái yêu 2, Chiến lang 2 đều là sự kết hợp giữa kịch bản, hiệu ứng hình ảnh và giá trị tác phẩm.

Theo Hiểu Nguyệt/Zing.vn