Tổng Giám đốc Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) làm diễn giả tại phiên thảo luận 2 với chủ đề ‘Dẫn dắt Doanh nghiệp gia đình chuyển đổi trong thực tế mới‘ trong khuôn khổ Diễn đàn Doanh nhân Nữ 2023.
Diễn đàn Doanh nhân Nữ 2023 với chủ đề “Kinh doanh bền vững – Chìa khóa tạo lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp do nữ làm chủ”, diễn ra chiều ngày 22/9. Chương trình do Mạng lưới Nữ lãnh đạo Tiên phong WELEAD (WeLead) phối hợp Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa kỳ (USAID) tổ chức tại Hà Nội.
Diễn đàn được mở ra nhằm thể hiện sự nỗ lực và quyết tâm của các bên, qua đó góp phần hiện thực hóa mục tiêu chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030 và Quyết định số 167/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững giai đoạn 2022 – 2025”. Đây cũng là hoạt động hướng tới kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam và ngày Phụ nữ Việt Nam.
Tại phiên thảo luận thứ hai “Dẫn dắt Doanh nghiệp gia đình chuyển đổi trong thực tế mới”, các diễn giả: bà Nguyễn Thị Tuyết Minh, Nhà sáng lập WeLead, Chủ tịch sáng lập Mạng lưới Doanh nhân nữ ASEAN (AWEN); bà Phạm Chi Lan, Chuyên gia kinh tế, nguyên Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI); ông Filip Graovac, Phó Trưởng đại diện Quỹ châu Á tại Việt Nam; bà Lê Hồng Thủy Tiên, Tổng giám đốc IPPG; bà Nguyễn Thị Trà My, TGĐ Tập đoàn PAN; Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, PCT Hội đồng DNN VN, VCCI; Ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái… đã trao đổi những kinh nghiệm từ thực tế sinh động trong việc dẫn dắt doanh nghiệp gia đình chuyển đổi để thích ứng với thực tế mới từ định hướng, lập kế hoạch phát triển tài năng kế nghiệp gia đình, tập đoàn cho đến các vấn đề đòi hỏi của thị trường về phát triển bền vững liên quan đến lao động và môi trường…
Doanh nhân Lê Hồng Thuỷ Tiên có những chia sẻ thú vị: Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đến năm 2020, số doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước động góp 40% GDP cả nước. Trong đó, hơn 70% số doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp gia đình. Theo thông tin từ VCCI Việt Nam 2019 có 100 doanh nghiệp gia đình lớn nhất đóng góp hơn 25% GDP. Không thể phủ nhận, những doanh nghiệp gia đình với khối tài sản và tri thức được tích lũy theo năm tháng không chỉ óng góp vào sự phát triển hiện nay của nền kinh tế, mà còn có thể là bệ phóng tiềm lực để Việt Nam vươn xa trong tương lai. Và để đảm bảo hoạt động hiệu quả và thích nghi với môi trường kinh doanh thay đổi, quá trình chuẩn bị, đào tạo, bổ nhiệm thế hệ kế tiếp của gia đình vào các vị trí trong Tập đoàn đa lĩnh vực như IPPG đã và đang được thực hiện đầy đủ những yếu tố cần thiết.
Bước 1 là định hướng nghề nghiệp từ rất sớm, xem xét năng khiếu từng đứa con, bằng cách cho các con đi theo tham dự tất cả các cuộc họp nếu có thể từ rất nhỏ , yêu cầu lắng nghe và ghi chú những gì con hiểu biết trong cuộc họp, qua đó cho các con nhìn thấy được công việc hằng ngày, những mối quan tâm, các khó khăn, cực khổ của cha mẹ để xác định và truyền đạt các giá trị gia đình, nguyên tắc, mục tiêu kinh doanh, nói về những điểm lý thú của từng ngành.
Bước 2 lên kế hoạch đào tạo từng thành viên vào các lĩnh vực kinh doanh cụ thể của tập đoàn tại các trường đại học danh tiếng, các chương trình đào tạo chuyên sâu. Phải học và trải nghiệm từng vị trí từ thấp nhất cho đến cao trong các tập đoàn lớn khác, kết quả đào tạo từng vị trí sẽ được ba mẹ theo dõi từ xa để động viên khuyến khích…
Bước 3 là sau đào tạo là quay về, là trải nghiệm cơ sở, xây dựng kỹ năng quản lý, tạo mối quan hệ trong tập đoàn, và năng lực lãnh đạo thực tế. Tập đoàn còn xây dựng hệ thống người hướng dẫn, đào tạo chuyên nghiệp, theo dõi và đánh giá liên tục thế hệ kế tiếp để đảm bảo việc bổ nhiệm được đúng người đúng việc bảo đảm sự phát triển tập đoàn.
Doanh nhân Thuỷ Tiên còn chia chia sẻ thêm: “Để thành công trong bối cảnh hiện nay, phát triển theo hướng bền vững, thế hệ sáng lập chúng tôi cũng xác định ba điểm :
Thứ nhất, không bị gò bó trong khuôn khổ của người sáng lập, không phải thế mạnh nào của cá nhân người tiền nhiệm cũng có thể công thức hóa trở thành năng lực của doanh nghiệp.
Thứ hai, cần có cách thức, lộ trình và những điểm trọng yếu cần chuyển giao cho thế hệ kế cận.
Thứ ba, là tách bạch khía cạnh “doanh nghiệp” và khía cạnh “gia đình” để những tài nguyên của quốc gia mang tên doanh nghiệp gia đình tiếp tục lớn mạnh; đồng thời thế hệ kế tiếp có không gian để phát huy năng lực bản thân trên nền tảng doanh nghiệp gia đình”.
“Chúng tôi hướng đến mục tiêu: chuyển hóa từ chất, từ “cá nhân hóa” sang “tư nhân hóa”, xác định chiến lược rất rõ để các thế hệ kế nhiệm “kế thừa”, chứ không “thừa kế.”
Điều kiện thuận lợi mạng lưới Internet online cộng với bài học từ nhiều doanh nghiệp lâu đời trên thế giới sẽ là chìa khóa giúp các doanh nghiệp gia đình Việt chúng tôi tiếp tục duy trì phát triển để góp phần làm thịnh vượng nền kinh tế nước nhà” – Doanh nhân Thuỷ Tiên nhấn mạnh.