TVshow

‘Vua hồi sinh rác thải’ Tống Văn Thơm: Làm ‘hiệp sĩ đường phố’ ở tuổi U70

Tiếp tục chia sẻ những câu chuyện mang thông điệp ý nghĩa với nhiều khía cạnh khác trong cuộc sống, chương trình ‘Khoảnh khắc cuộc đời’ mang đến câu chuyện của vua “hồi sinh” rác thải Tống Văn Thơm.

Chú là Chủ tịch Hội Liên đoàn rác dân lập Quận 5, TPHCM. Bắt đầu công việc thu gom rác từ năm 1978, đến nay đã hơn 40 năm gắn bó với nghề, chú Tống Văn Thơm được biết đến với danh xưng “chủ tịch rác”, “phù thủy rác”, “chủ tịch rác”, “vua hồi sinh rác thải” và “hiệp sĩ đường phố”.

Trải qua cuộc sống khó khăn tại đất Sài Gòn nhộn nhịp, chú Tống Văn Thơm đã phải bôn ba khắp nơi, làm đủ nghề. Chú đến với nghề thu gom rác như một cái duyên. Chính nghề này đã giúp chú cải thiện cuộc sống, chăm lo cho gia đình và nuôi ba người con ăn học thành tài. Đến nay dù đã gần 70 tuổi nhưng chú vẫn miệt mài với đam mê, sở thích “hồi sinh” rác thải.

Nói về ý thức bảo vệ môi trường trong xã hội hiện nay, “chủ tịch rác” Tống Văn Thơm nhận định : “Do ý thức của mỗi người dân, dù đã được tuyên truyền rất là nhiều nhưng ý thức vẫn còn ít.”

Vì lẽ đó, hai năm trở về đây chú kết hợp cùng với các trường học trong địa bàn từ cấp 2 đến đại học để hướng dẫn cách phân loại rác. Đồng thời nhận thêm tầm 20 bạn sinh viên để thực tập tại “bảo tàng thu nhỏ” của mình.

Rong ruổi khắp nơi để thu gom rác mang về tái chế tạo thành những vật dụng hữu ích, có một không hai, chú Tống Văn Thơm còn khiến nhiều người khâm phục khi là một hiệp sĩ đường phố. Ý tưởng độ lại từ chiếc xe già của chú thành một chiếc xe chữa cháy, cứu thương mini đã gây ấn tượng với nhiều người. Cũng nhờ món đồ độc này đã dập tắt nhiều vụ cháy nhỏ của bà con khắp nơi.

Đằng sau sự thành công của người chồng đó chính là công lao của người vợ. Cuối buổi trò chuyện là sự xuất hiện của vợ chú Thơm – cô Nguyễn Ngọc Đào. Cô Đào cho biết lúc đầu phản đối vì chú bày bừa ra khắp nhà không còn đường đi. Tuy nhiên sau một thời gian, cô bị thuyết phục và đã ủng hộ chồng trong việc sáng tạo nên những vật dụng độc nhất vô nhị.

Dành nhiều tâm huyết cho công việc thu gom và tái chế rác song đối với chú Thơm gia đình là trên hết. “Tôi không thể nào làm lơ được, đặc biệt là sức khỏe của bà xã. Nếu lỡ tôi có mất trước, thì những món đồ kỷ niệm lâu nhất và công lao nhiều nhất là không bán, để truyền đạt lại cho con cái sau này”, chú Thơm chia sẻ.