360 độ Giải trí

Vitamin hạnh phúc: Lê Nam bức xúc khi em trai Tuấn Kiệt đòi mẹ chia gia tài

‘Vitamin hạnh phúc’ gửi đến khán giả những câu chuyện thú vị của đời sống như: Bảo lãnh vay vốn, đòi nợ thuê, con đòi chia gia tài, bảo bọc con quá mức, đơn phương ly hôn, lập di chúc sớm.

Bảo lãnh vay vốn

Thanh Ngọc cảm thấy có điềm không lành khi cháu gái Phương Trâm đột nhiên tốt bụng, biếu quà khi sang nhà chơi. Phương Trâm không giấu diếm, cô nhờ dì Thanh Ngọc đứng ra làm người thân bảo lãnh, giúp cô vay vốn để sửa sang tiệm nail. Ban đầu Thanh Ngọc vẫn còn ngờ vực không tin tưởng nhưng vì thương cháu nên đã đồng ý chấp nhận. Một tháng sau, Thanh Ngọc được con trai thông báo cô cháu gái Phương Trâm đã bỏ trốn, tiệm nail đóng cửa. Thanh Ngọc bàng hoàng khi nhận ra mình phải lãnh số nợ 1 tỷ đồng thay cháu gái. Thanh Phong trách mẹ Thanh Ngọc không tìm hiểu kỹ càng đã vội vàng đồng ý.

Luật sư Nguyễn Chí Thiện – Đoàn luật sư TP.HCM cho biết, theo quy định quy định của pháp luật, người bảo lãnh sẽ phải đứng ra thay người được bảo lãnh thực hiện tất cả nghĩa vụ của họ, bao gồm khoản: lãi suất của nợ gốc, tiền phạt chậm thanh toán, tiền phạt và tiền bồi thường thiệt hại phát sinh theo thực tế. “Trong trường hợp người bảo lãnh không thực hiện cam kết giữa hai bên, bên nhận bảo lãnh hoàn toàn có quyền khởi kiện ra tòa án yêu cầu thực hiện nghĩa vụ trả nợ theo đúng cam kết hai bên đã ký kết”luật sư Nguyễn Chí Thiện cho biết.

Đòi nợ thuê

Mẹ con nhà Thanh Ngọc, Thanh Phong hoang mang khi nhìn thấy hình ảnh của mẹ Thanh Ngọc được dán khắp xóm với nội dung “Yêu cầu trả nợ”. Di Dương và Điền Trung thay mặt công ty đòi nợ thuê đến nhà Thanh Ngọc yêu cầu họ trả khoản tiền vay mà người cháu Phương Trâm đã nợ. Thanh Phong và Thanh Ngọc chống trả, phản kháng vì cho rằng việc làm của nhóm người đòi nợ thuê đã và đang bôi nhọ danh dự và nhân phẩm của họ. Khi thấy mẹ con Thanh Ngọc và Thanh Phong không trả tiền, Điền Trung đe dọa đăng thông tin và hình ảnh của Thanh Ngọc và Thanh Phong lên khắp các trang mạng xã hội.

Luật sư Nguyễn Chí Thiện – Đoàn luật sư TP.HCM cho biết, pháp luật ở Việt Nam không cho phép dịch vụ đòi nợ thuê. “Căn cứ theo quy định của pháp luật, dịch vụ đòi nợ thuê được liệt vào danh sách cấm kinh doanh. Trong thực tế, quyền đòi lại số tiền nợ đến kỳ hạn thanh toán là quyền chính đáng và cần được bảo vệ. Tuy nhiên, không phải vì thế chúng ta có thể hiển nhiên sử dụng các hình thức đòi nợ trái pháp luật, hành vi này có nguy cơ dẫn đến trách nhiệm pháp lý về mặt hình sự khác. Trong trường hợp bên cho vay không đòi được khoản nợ, chúng ta có thể mang hồ sơ đầy đủ để gửi cho tòa án cấp có thẩm quyền để đòi lại số tiền này theo đúng với trình tự của pháp luật”luật sư Nguyễn Chí Thiện cho biết thêm.

Con đòi chia gia tài

Bà Thủy Cúc và con trai Lê Nam hoảng hốt khi con trai út Tuấn Kiệt muốn phân chia tài sản ngay khi cha mẹ còn sống. Tuấn Kiệt cho rằng sau khi cha mẹ chết đi thì cũng phân chia cho hai anh em nên anh muốn cha mẹ phân chia bây giờ để anh có vốn mở quán cà phê. Anh trai Lê Nam một mực phản đối vì sợ rằng Tuấn Kiệt còn quá non nớt trong lĩnh vực kinh doanh. Bà Thủy Cúc khẳng định sẽ không làm theo ý con trai út. Bà muốn hai con tự lực cánh sinh dùng kiến thức đã học được suốt nhiều năm để kiếm sống và nuôi bản thân. Bà cảnh cáo Tuấn Kiệt không nên mơ tưởng đến việc chia gia tài khi cha mẹ còn sống.

Tiến sĩ Tâm lý Lê Thị Linh Trang nêu quan điểm: “Việc có để lại tài sản cho con cái hay không là quyền của cha mẹ. Con cái không được can thiệp, áp đặt cha mẹ chia tài sản cho mình. Nếu cha mẹ có gia tài hãy lấy đó làm niềm hãnh diện, vì cả cuộc đời họ đã lao động chân chính. Hãy tôn trọng giá trị gia tài đó, lấy đó làm tấm gương cho mình phấn đấu lao động miệt mài hơn. Để mai này chính con cái của chúng ta lại tiếp tục tự hào về mình”.

Bảo bọc con quá mức

Tuấn Kiệt dù 20 tuổi nhưng thường xuyên nhõng nhẽo xin tiền mẹ Thủy Cúc để tiêu xài. Lê Nam thấy mẹ đối xử bất công khi số tiền đó là tiền của anh đi làm dành dụm đưa cho mẹ dưỡng già, nhưng mẹ lại đem hết cho em út.

Tiến sĩ Tâm lý Lê Thị Linh Trang cho rằng nếu người mẹ cứ cho tiền con một cách vô điều kiện mà không có sự hướng dẫn để con có sự trưởng thành, thì con khó có thể thích ứng với cuộc sống.

Đơn phương ly hôn

Phương Trâm thường xuyên bị chồng đánh bầm mắt, cô nhiều lần đệ đơn ly hôn với chồng nhưng anh không đồng ý. Lâm Thắng và Nguyên Yunie không thể chấp nhận, khuyên Phương Trâm nộp đơn Đơn phương ly hôn. Phương Trâm đến tòa án giải quyết vấn đề đơn phương ly hôn nhưng người chồng đã rời khỏi nơi cư trú. Lâm Thắng khuyên Phương Trâm nên ủy quyền cho luật sư giải quyết.

Luật sư Dương Ánh Nga – Đoàn luật sư TP. HCM cho biết: “Khi đơn phương ly hôn chúng ta cần nộp hồ sơ đến tòa án nhân dân cấp quận, huyện có thẩm quyền. Trong hồ sơ khởi kiện đơn phương ly hôn cần bao gồm có: Đơn khởi kiện vụ án và giấy chứng nhận đăng ký kết hôn bản gốc, bản sao khai sinh của các con, căn cước của hai bên bản photo, chữ ký của người khởi kiện. Trong trường hợp không có CCCD, chúng ta có thể cung cấp thông tin cho tòa án trong đơn khởi kiện. Khi tiếp nhận được hồ sơ, tòa án sẽ tiến hành phân công xem xét hồ sơ khởi kiện. Nếu đơn đầy đủ thông tin theo thủ tục, tòa sẽ yêu cầu chúng ta đóng tạm ứng án phí và tiến hành xử lý vụ án. Trong trường hợp người bị kiện không có mặt tại nơi cư trú, tòa án sẽ tiến hành trả lại toàn bộ hồ sơ khởi kiện. Theo quy định của pháp luật, trong trường hợp người chồng hoặc vợ đi biệt tích từ 2 năm trở lên, chúng ta có quyền yêu cầu tuyên bố người đó mất tích. Ly hôn là một trong những vụ án đặc thù, việc ủy quyền cho luật sư đang bị luật giới hạn. Chúng ta có quyền ủy quyền cho luật sư nộp đơn khởi kiện, nhận quyết định hay bản án thay bạn. Nhưng đặc biệt vào phiên hòa giải hay xét xử mà tòa án triệu tập, bắt buộc bạn phải có mặt và đích thân ký biên bản, văn bản tố tụng”.

Viết di chúc sớm

Phương Trâm sau khi ly hôn chồng cũ, cô suy nghĩ cho tương lai quyết định lập di chúc sớm cho con. Lâm Thắng và Nguyên Yunie hoang mang, lo lắng vì nghĩ cô gặp chuyện. Sau khi biết nguyên nhân Lâm Thắng cảnh báo Phương Trâm về những tình huống xấu nhất.

Luật sư Dương Ánh Nga – Đoàn luật sư TP. HCM cho biết, theo quy định của pháp luật, tài sản của người dưới 18 tuổi sẽ do người đại diện theo pháp luật của họ định đoạt. “Cha mẹ trong trường hợp muốn để lại tài sản, di chúc cho con cần phải cân nhắc về độ tuổi của con để lường trước được những sự kiện về tài sản có thể xảy ra trong tương lai. Trong trường hợp, người mẹ không may qua đời, người đại diện theo pháp luật của con, hiển nhiên là cha của đứa bé. Người mẹ không thể tự định đoạt người giám hộ, hay người đại diện theo pháp luật khác với cha ruột trong trường hợp cha ruột còn sống”Luật sư Dương Ánh Nga chia sẻ.

Chương trình “Vitamin hạnh phúc” phát sóng vào lúc 19 giờ 40 phút, từ thứ Hai đến thứ Bảy hàng tuần trên kênh THVL1.