Màu đỏ thực phẩm nguồn gốc từ loài rệp hay màu vàng từ than đá là những sự thật trần trụi về đồ ăn, thức uống mà bạn đang tiêu thụ mỗi ngày.
Màu đỏ thực phẩm trong kẹo và đồ uống đến từ loài rệp: Một loại chất tạo màu đỏ sử dụng trong thực phẩm có nguồn gốc từ axit carminic. Hợp chất này có màu đỏ thẫm và đỏ tươi, chiết xuất từ những con rệp son cái. Axit carminic có trong các sản phẩm như kẹo, đồ uống, mứt, bánh ngọt, bạn có thể tìm thấy trên nhãn. Loại axit này an toàn cho hầu hết người tiêu dùng. Ảnh: Frank Vincentz.
Asen trong ngũ cốc, trái cây và rau: Các nguyên tố hóa học độc asen được tìm thấy trong nước, không khí và đất. Đôi khi asen có mặt trong nhiều loại thực phẩm như ngũ cốc, trái cây và rau quả do sự hấp thu trong đất. Năm 2013, các nhà nghiên cứu Đức tìm thấy asen trong bia. Theo Cơ quan Tiêu chuẩn Thực phẩm (Food Standards Agency), quá nhiều asen trong chế độ ăn uống có thể tăng nguy cơ mắc một số bệnh ung thư. Ảnh: Indian Food Images.
Một chất có nguồn gốc từ tuyến hậu môn hải ly tạo nên hương vị ngọt ngào trong kem: Castoreum có trong tuyến hậu môn hải ly tạo nên một số hương vị như vani, dâu tây hoặc quả mâm xôi trong các loại thực phẩm như kem. Là một thành phần tự nhiên được FDA (Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ) chấp thuận, vì vậy chất này an toàn 100% cho tiêu thụ. Ảnh: Frank Fichtmueller.
Hàn the có trong các món mì, giò, chả: Hàn the là thành phần của nhiều chất tẩy rửa và sản phẩm chống nấm. Hợp chất E285 này cũng được tìm thấy trong các món mì, gạo, bún, bánh phở, giò, chả, nem chua… Là phụ gia thực phẩm bị cấm ở Việt Nam, Mỹ và Canada nhưng hàn the được cho phép ở EU. Theo Cơ quan an toàn thực phẩm châu Âu, E285 không phải là mối lo ngại lớn đối với sức khỏe. Ảnh: Watchara Panyajun.
Rong biển có trong nhiều sản phẩm từ sữa và thịt: Carrageenan là polysaccharide chiết xuất từ rong đỏ. Với đặc tính tạo gel, làm dày và ổn định, người ta dùng carrageenan trong các sản phẩm từ sữa và thịt như sữa chua, kem, pate… Theo quy định của FDA, carrageenan là phụ gia thực phẩm trực tiếp và an toàn. Ảnh: ViChizh.
Chất nhờn ở lông cừu có trong kẹo cao su: Lanolin là loại sáp tiết ra từ tuyến bã nhờn trong lông cừu, sử dụng nhiều trong các sản phẩm chăm sóc da. Chất này cũng là thành phần của kẹo cao su, đôi khi được tìm thấy trong viên bổ sung vitamin D. Lanolin không gây hại cho con người. Ảnh: Mark Catalano.
Màu thực phẩm vàng từ than đá trong mì ống phô mai: Màu vàng thực phẩm còn gọi là tartrazine colourant, là loại thuốc nhuộm có nguồn gốc từ than đá, được sản xuất như sản phẩm phụ của ngành công nghiệp dầu mỏ. Một số nghiên cứu cho rằng màu thực phẩm có liên quan đến tăng động ở trẻ em. Ảnh: Insider.
Propylene glycol được tìm thấy trong mọi thứ từ bánh ngọt đến thuốc lá điện tử: Propylene glycol là thành phần không mùi, không màu có trong chất chống đông, mỹ phẩm và nhiều loại thực phẩm như bánh ngọt, nước giải khát. Trong khi ở EU, hợp chất này được phân loại là “không phù hợp để tiêu thụ”, cơ quan FDA Mỹ cho rằng propylene glycol “nói chung là an toàn”. Ảnh: Sammy Mintzer.
Bánh mì chứa chất hóa học có nguồn gốc từ tóc người: Hóa chất gọi là L-cysteine thực sự có thể đến từ tóc người. Loại axit amin này được sử dụng để kéo dài tuổi thọ của các sản phẩm như bánh mì. Các nguồn khác của L-cysteine là lông gà, lông vịt và sừng bò. L-cysteine là axit amin tự nhiên nên hoàn toàn không có hại. Ảnh: Marco Verch.
Một số loại bia chứa chất có trong bong bóng cá: Bong bóng cá chứa isinglass, một dạng collagen như gelatin. Isinglass được thêm vào các loại bia thùng, giúp loại bỏ nấm men dư thừa, các hạt rắn trong đồ uống và là chất an toàn để tiêu thụ. Ảnh: Shutterstock.
Phô mai chứa chất từ dạ dày dê: Nhiều loại phô mai làm từ rennet, một loại enzyme chiết xuất từ dạ dày dê, bê hoặc cừu. Enzyme này giúp phô mai có kết cấu tốt hơn. Rennet cũng được chứng nhận an toàn để sử dụng. Tuy nhiên với những người ăn chay, việc tìm kiếm loại phô mai chay là rất khó, chỉ có một số ít các nhãn hiệu phô mai xuất xứ Anh hay Ấn Độ sử dụng rennet từ thực vật. Ảnh: GoncharukMaks.
Một chất được tìm thấy trong chất tẩy rửa nhà vệ sinh cũng có trong khoai tây chiên: Sodium bisulfite được sử dụng để giữ khoai tây chiên tươi lâu hơn và giữ màu khỏi bị oxi hóa. Chất này cũng có trong hầu hết chất tẩy rửa nhà vệ sinh. Tuy nhiên, với một lượng sử dụng vi mô như chất bảo quản, natri bisulfite là an toàn. Ảnh: Pringles.
Theo Uyên Hoàng/Zing.vn