Các câu chuyện xảy ra tại phòng cấp cứu bản thân nó đã chứa đựng đầy những kịch tính mà không phải thêm bớt gì. Ở đó có những niềm vui và nỗi buồn đan xen lẫn nhau, những cung bậc cảm xúc thay đổi hết sức nhanh chóng, niềm vui của những con người được cứu sống và sự bất lực khi chứng kiến những bệnh nhân không còn khả năng cứu chữa.
Nhân viên phòng cấp cứu hàng ngày phải đối mặt với những áp lực khủng khiếp ấy. Những áp lực về sự quá tải, áp lực bệnh nhân nặng cũng như áp lực từ chính bản thân mình về chuyên môn.
Bộ ảnh được thực hiện tại khoa cấp cứu A9 Bạch Mai, một trong những nơi có nhịp độ làm việc căng thẳng và “nóng” vào bậc nhất cả nước. Hàng ngày những chiếc xe cứu thương từ các tỉnh phía Bắc đổ về nườm nượp, đồng thời cũng là nơi đào tạo ra các bác sĩ lành nghề cho ngành y.
Công việc tại phòng cấp cứu là những đêm trắng, các bác sĩ và nhân viên y tế mải miết làm việc quên cả thời gian, những bữa ăn giản dị nhoáng nhoàng để lấy sức ra bệnh phòng làm việc tiếp.
Hình ảnh chiếc xe cấp cứu vận chuyển người bệnh, những khó khăn thử thách mà người bác sĩ sắp phải đối mặt.
Bác sĩ bắt đầu công việc với phong thái khẩn trương.
Sự lo lắng kèm với đôi mắt mang niềm hi vọng có thể cứu chữa người thân của người nhà bệnh nhân.
Nỗ lực cấp cứu một trường hợp nguy kịch
Chân dung bác sĩ Hùng
Sau những nỗ lực cứu chữa nhưng bệnh nhân vẫn không qua khỏi, những giọt nước mắt đau khổ khi mất đi người thân lại bao trùm phòng cấp cứu.
Một bệnh nhân bên cạnh những máy móc, đưa ánh nhìn về phía các bác sĩ với mong muốn sớm được chữa khỏi và ra viện.
Trong căn phòng đèn không bao giờ tắt, công việc liên tục không bao giờ nghỉ, Bác sĩ Hùng cùng các đồng nghiệp vẫn tiếp nhận, chẩn đoán, xem xét để đưa ra những phương pháp điều trị chính xác và nhanh nhất cho bệnh nhân trong tình trạng “khẩn cấp”.
Nỗ lực của các y, bác sĩ khi ép tim cho 1 bệnh nhân đã ngừng tuần hoàn
Nghề y, là cứ phải học mải miết. học trên giảng đường, học trên bệnh phòng và học từ chính cuộc sống. Các bác sĩ trẻ dẹp bỏ tuổi xuân của mình qua 1 bên, hàng ngày làm việc tích luỹ kinh nghiệm chuyên môn 1 cách nhiều nhất có thể.
Trong không khí làm việc khẩn trương, bận rộn, bác sĩ Hùng vẫn phải làm tròn trách nhiệm của một giảng viên trường ĐH Y Hà Nội, đó là truyền đạt những kinh nghiệm trong việc chẩn đoán và điều trị cho những sinh viên đang thực tập tại khoa Cấp cứu – những người bác sĩ trẻ trong tương lai. Với những từ ngữ dí dỏm, anh đã lôi cuốn các sinh viên vào bài giảng của mình giúp sinh viên có kiến thức và kĩ năng để đối mặt với các ca cấp cứu nguy hiểm.
Trao đổi với đồng nghiệp, rút kinh nghiệm, bổ sung kiến thức để tác nghiệp. Ngay cả trong những giờ nghỉ giải lao ít ỏi, người bác sĩ vẫn phải tác nghiệp.
Sau những giờ làm việc tại bệnh phòng, những con người ấy lại lui về sự bình yên giữa cuộc sống ồn ã ấy, pha 1 chén trà mình thích, thiết kế 1 mẫu origami hay chỉ là ngồi đọc 1 quyển sách hay. Cuộc sống vẫn là cuộc sống, như 1 dòng chảy không bao giờ ngừng lại và mỗi người chỉ là 1 hạt cát nhỏ giúp ích cho đời mà thôi.
Sau tất cả, trở về với cuộc sống đời thường, những giây phút nghỉ ngơi thực sự của anh trước những áp lực hàng ngày ở khoa Cấp cứu là khi anh thả mình vào nghệ thuật uống trà và gấp giấy, tận hưởng cuộc sống bình dị, không ồn ào, quên đi mọi mệt mỏi trong công việc, giữ cho mình sự tĩnh tâm, thăng bằng.
Ảnh: Vũ Thu Thảo
Theo Bác sĩ Ngô Đức Hùng/Sức khỏe & Đời sống (suckhoedoisong.vn)