Hơn 20 năm qua, bác sĩ Nguyễn Ngọc Hưng có 6 năm ở nhà nhưng đó đều là những kỳ nghỉ không trọn vẹn.
Đến với Bệnh viện 09 (Hà Nội) vào những ngày cuối năm Mậu Tuất 2018, khi những chiếc xe chở cây quất, cành đào đã nhộn nhịp trên mọi con đường, góc phố Hà Nội. Bệnh viện 09, nơi chuyên điều trị cho những bệnh nhân “đặc biệt”, lại không mang dáng vẻ ồn ã của những ngày cuối năm.
20 năm làm bác sĩ và những cái Tết không trọn vẹn
Thành phần bệnh nhân ở đây khá phức tạp từ người nghiện chích ma túy, gái bán dâm, hoặc người bị gia đình bỏ rơi khi phát hiện bị nhiễm HIV luôn trầm lặng như chính số phận của những con người ấy.
Bệnh viện 09 là nơi công tác của 186 cán bộ nhân viên gồm bác sĩ, điều dưỡng, với khoảng 100 giường bệnh. Đây cũng là nơi bác sĩ Nguyễn Ngọc Hưng, Trưởng Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện 09 (Hà Nội) đã gắn bó suốt hơn 20 năm qua. Bên chén trà đặc, bác sĩ Hưng nhớ lại những cái Tết không trọn vẹn của mình.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Hưng trải lòng về những cái Tết không trọn vẹn.
Hơn 20 năm qua, bác sĩ Nguyễn Ngọc Hưng có khoảng 6 cái Tết ở nhà nhưng 6 cái Tết đó đều không trọn vẹn. Anh nhớ lại năm 2003 ở bệnh viện không điều trị bệnh nhân nghiện ma túy, chỉ thuần túy điều trị cho bệnh nhân HIV. Nhưng những cái Tết ở trong bệnh viện luôn là nỗi ám ảnh với anh. Bởi lẽ, một đêm ở đây 100 đối tượng nghiện ma túy cắt cơn giải độc, các bác sĩ phải thay đổi nhau trực. Hơn nữa, ngày đó thuê chuyến xe về quê cũng khó, có thể mùng 1 Tết về quê, mùng 2 lại phải lên Hà Nội làm việc. Vì lẽ đó mà bác sõ Hưng không được về ăn Tết.
“Tết dù về nhà hay không về nhà thì tôi đều cảm thấy không trọn vẹn. Lúc người ta vui nhất thì mình buồn. Tết thường là dịp gia đình dành trọn thời gian bên nhau nhất là các con. Họ cũng có thể đi du lịch cùng nhau hay về quê… Nhưng với tôi không được như thế. Những đứa con của tôi chỉ ở trong nhà, hoặc sang hàng xóm, tranh thủ đi chơi nhà hai bên nội ngoại là hết Tết”, bác sĩ Hưng chia sẻ.
Được – mất khi trở thành bác sĩ chữa bệnh HIV
Tốt nghiệp ngành y, sau một thời gian công tác y tế ở quê hương Ninh Bình, cũng giống như bao người trẻ khác, chàng trai Nguyễn Ngọc Hưng năm ấy mang hoài bão, ước mơ của những người được chinh phục, cống hiến để vươn ra thành phố lớn xin việc làm.
Nơi lựa chọn ban đầu của bác sĩ Hưng là những bệnh viện lớn tuyến trung ương. Nhưng cơ duyên đã đưa đẩy người bác sĩ trẻ ấy đến với Bệnh viện 09 mà ngày đó gọi là Trung tâm Giáo dục lao động xã hội (Trung tâm 06) hay Trung tâm Cai nghiện ma túy tự nguyện. Lúc đó bác sĩ Hưng hơn 30 tuổi. Để rồi cũng chính nơi đây, vị bác sĩ này không chỉ gắn bó cả cuộc đời mà còn tìm thấy hạnh phúc riêng của mình.
Bác sĩ Hưng chăm sóc bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện 09.
“Tôi ra trường ở thời điểm bắt đầu các bác sĩ, phương tiện truyền thông mới nhắc tới HIV, những bài học ở trường không nhắc tới vì HIV xuất hiện và lây truyền vào Việt Nam những năm 80 của thế kỷ XX. Vấn đề nghiện ma túy, tệ nạn xã hội về ma túy cũng chỉ có khái niệm mong manh. Ma túy là vấn đề gai góc, môi trường nghề nguy hiểm. Lúc đó tôi suy nghĩ đơn giản là có một công việc tốt để làm mà chưa có khái niệm vào môi trường nguy hiểm như thế”, bác sĩ Nguyễn Ngọc Hưng trải lòng.
Rồi thời gian cứ thế trôi đi, thấm thoát đã hơn 20 năm, anh gắn bó với nơi đây và coi như ngôi nhà thứ 2 của mình.
Xuyên suốt những năm tháng ấy, bác sĩ Hưng chỉ tiếp xúc với người nghiện ma túy và bệnh nhân HIV/AIDS. Môi trường này bệnh gì cũng có vì bệnh nhân suy giảm hoàn toàn miễn dịch các bệnh nhiễm trùng cơ hội. Hơn nữa, đa số bệnh nhân rối loạn tâm thần, lệch chuẩn hành vi, đảo ngược nhịp sinh học.
“Ngoài là thầy thuốc đa khoa điều trị cho bệnh nhân, tôi cũng như các bác sĩ khác của Bệnh viện 09 còn là bác sĩ tâm lý, nhà công tác xã hội để chia sẻ, động viên, nắn chỉnh hành vi của bệnh nhân. Đã là con người không phải tất cả đều đúng, ai cũng có lúc lệch chuẩn. Tôi chưa bao giờ ân hận về sự lựa chọn của mình, mặc dù có giây phút nào đó tôi chạnh lòng. Hơn 20 năm ở đây mối quan hệ của tôi chỉ thể hiện trong sân bệnh viện”, bác sĩ Hưng tâm sự.
Sự vắng vẻ của Bệnh viện 09.
Tự hào khi giúp đỡ nhiều bệnh nhân từ tình trạng nguy hiểm, mất thăng bằng do xã hội kỳ thị lấy lại sự lạc quan, thiết tha sống, bác sĩ Hưng cũng như những người đang làm việc tại Bệnh viện 09 luôn lấy đó là động lực để tiếp tục gắn bó với nghề.
“Bằng khen lớn nhất của tôi là tự mình lên dây cót cho mình, tự mình cảm nhận niềm vui riêng tư cho mình, chỉ mình biết. Những năm tháng ở đây có thể thiệt thòi nhiều mặt nhưng bản lĩnh khi ra ngoài xã hội sẽ cứng cáp hơn. Trước kia những người xăm trổ đầy mình, tôi rất sợ nhưng bây giờ, chuyện đó quá đỗi bình thường. Ngồi bên cạnh những người xăm trổ ấy, tôi trò chuyện cởi mở vì điều ấy với tôi đã quá quen”, bác sĩ Hưng chia sẻ..
Trong rất nhiều những khó khăn, thử thách của cuộc sống, bác sĩ Hưng không bao giờ quên câu nói đã từng chia sẻ với vợ con: “Người ta sống được thì mình cũng sống được. Thậm chí, có những người trí tuệ không bằng mình, không được học hành như mình, sinh trưởng trong gia đình không bằng mình nhưng họ vẫn vươn lên và sống tốt thì mình cũng làm được”. Đó cũng là kim chỉ nam theo anh trong nhiều năm tháng.
Theo Huệ Nguyễn/Zing.vn