Thể thao Thể thao 360 Tiêu điểm thể thao

Bản quyền World Cup 2018: Khán giả Việt Nam phải chờ phút cuối

Bản quyền World Cup 2018 đắt nhưng không phải không thể mua được. Vì nhiều lý do, người hâm mộ túc cầu ở Việt Nam phải chờ cuộc đàm phán của VTV với đối tác vào phút cuối.

Bản quyền World Cup 2018 đang là vấn đề được quan tâm hàng đầu của thể thao Việt Nam khi giải đấu lớn nhất hành tinh đã tới rất gần. Theo nguồn tin của Zing.vn, phía đối tác Infront Sports & Media muốn có 15 triệu USD (hơn 340 tỷ đồng), còn đại diện Việt Nam (VTV) chỉ muốn trả khoảng 7 triệu USD (gần 160 tỷ đồng).

World Cup 2018 đang tới rất gần nhưng Việt Nam vẫn chưa thể có bản quyền giải đấu này.

7 triệu USD cũng là mức giá mà VTV từng trả cho kỳ World Cup 4 năm về trước. Chênh lệch quá lớn về mức giá giữa đôi bên khiến VTV chưa thể có bản quyền World Cup.

*Bản quyền World Cup đắt nhưng giá trị thấp?

Tại sao bản quyền World Cup lại đắt đỏ và khó mua như vậy?

Năm 2006, FPT từng mua được bản quyền World Cup tại Việt Nam với giá 2 triệu USD. Đến năm 2010, mức giá tăng lên 3,5 triệu USD. Con số tiếp tục tăng lên 7 triệu USD vào năm 2014. Bản quyền World Cup tăng gần gấp đôi qua mỗi thời kỳ khiến các nhà đài Việt Nam không còn theo nổi cuộc đua.

Qua từng kỳ World Cup, số lượng nhà đài tham gia săn bản quyền lại giảm đi. BLV Quang Huy kể rằng VTC cũng đã rút khỏi cuộc chơi này khi không thể chạy theo những mức giá trên trời. VTV tiếng là đại diện cho các đài truyền hình Việt Nam nhưng gần như chỉ có một mình trong thương vụ này.

Bản thân các nhà đài cũng không mặn mà với bản quyền World Cup nữa vì giá trị mà nó đem lại không tương xứng với mức đầu tư bỏ ra. Trong thời kỳ bùng nổ ban đầu của truyền hình trả tiền, các nhà đài từng xem bản quyền World Cup, Premier League hay Champions League là công cụ “kích cầu” để tăng số thuê bao. Nhưng phương pháp này đã không tỏ ra hiệu quả trong bối cảnh Internet ở Việt Nam kiểm soát chưa chặt chẽ. Năm 2013, K+ sau khi sở hữu 3 năm bản quyền Premier League cũng không thể tăng giá thuê bao.

Lý do cuối cùng làm giảm giá trị bản quyền World Cup nằm ở chính FIFA. Khác với giải Ngọai hạng hay Cúp châu Âu có xu hướng độc quyền rõ ràng, tổ chức bóng đá lớn nhất thế giới đã khuyến nghị các đài quốc gia nên chia sẻ bản quyền trên hệ thống kênh quảng bá để phục vụ toàn dân. Nếu VTV mua được bản quyền World Cup, họ nhiều khả năng sẽ phải chia sẻ gói bản quyền ấy đổi lại những lợi ích nhỏ từ các đài khác.

Bản quyền World Cup đắt nhưng giá trị sử dụng không quá cao là sự thật.

*Việt Nam sẽ sớm có bản quyền?

Vì những lý do trên, VTV hiện là đơn vị duy nhất đủ hứng thú và năng lực đàm phán bản quyền này. Infront Sports & Media có quyền ép giá nhưng nếu không bán cho VTV, họ sẽ mất trắng thị trường Việt Nam.

Trao đổi với Zing.vn, BLV Vũ Quang Huy phân tích: “Ai cũng muốn sớm có bản quyền World Cup để tiến hành quảng bá trên các kênh của mình Nhưng mức giá đối tác đưa ra trên trời nên hai bên buộc phải dây dưa thôi. Nói VTV đại diện cho các đài truyền hình ở Việt Nam là chưa chính xác. Trên thực tế, VTV đang một mình một chợ trong thương vụ này”.

“Phía đối tác cũng hiểu họ đang có một món đồ mà không thể bán cho ai khác. Nên hai bên đang đàm phán để tìm mức giá có lợi cho mình. Tôi tin rằng đến phút cuối, họ sẽ phải bán thôi”, BLV kỳ cựu giải thích.

FIFA khuyến nghị các đài truyền hình nên chiếu World Cup trên những kênh quảng bá miễn phí.

Cùng thời điểm với Việt Nam, nhiều quốc gia khác trên thế giới cũng đang đàm phán bản quyền World Cup. Nếu những cuộc đàm phán không tìm được tiếng nói chung, thiệt hại kinh tế cho cả đôi bên đều rất lớn.

Bởi thế, người hâm mộ Việt Nam có thể an tâm. Ngày World Cup trở lại dải đất hình chữ S có lẽ không còn xa.

Theo Thanh Hà/Zing.vn