Thể thao trong nước

Hoàng Vũ Samson: Tôi vẫn chờ cuộc gọi từ đội tuyển Việt Nam

Hơn 10 năm chơi bóng tại V.League, Hoàng Vũ Samson khẳng định anh chưa từng từ bỏ giấc mơ khoác áo đội tuyển Việt Nam.

Tròn 30 tuổi, Hoàng Vũ Samson đã tạo một sự nghiệp lẫy lừng tại Việt Nam. Cầu thủ nhập tịch tới từ Nigeria đã 3 lần vô địch V.League, 2 lần giành Vua phá lưới và hiện là chân sút ghi nhiều bàn nhất lịch sử giải vô địch quốc gia.

*Hành trình đến với Việt Nam

– Anh đến với bóng đá như thế nào?

Tôi bắt đầu tập bóng chuyên nghiệp từ năm 10 tuổi. Trước đó, tôi đã chơi bóng cùng bạn bè ở trường. Người Nigeria rất mê bóng đá. Thế rồi, tôi chợt nảy ra suy nghĩ trở thành cầu thủ chuyên nghiệp. Đó có vẻ là một ý tưởng hay. Tôi nghĩ mình có thể đá bóng giỏi và cần được chơi bóng nhiều hơn, cần được đá cho các CLB trên khắp thế giới.

Nhưng cuộc sống của tôi ở Nigeria rất đơn giản và êm đềm. Mẹ tôi là một giảng viên đại học ở Kaduna, còn bố tôi là kỹ sư điện tử ở đài truyền hình quốc gia Nigeria NTA. Ban đầu, mẹ không ủng hộ tôi chơi bóng nhưng bố thì có. Ngày ấy, tôi không hề biết rằng bóng đá sẽ thay đổi cuộc đời mình mãi mãi.

10 năm chơi bóng tại Việt Nam, 2 lần giành Vua phá lưới, 155 bàn, Samson đã có một vị trí trang trọng trong lịch sử bóng đá Việt Nam.

– Tại sao anh đến Việt Nam?

Tôi đến Việt Nam nhờ người đại diện và cũng là cố vấn của mình là ông Trần Tiến Đại. Ông ấy đến Nigeria tìm kiếm tài năng, phát hiện và đưa tôi đến đất nước này.

Ngày mới đến, tôi thấy rất cô đơn. Bởi thế, tôi đưa cả anh trai mình đi cùng. Tôi cần người thân ở bên để vực dậy mỗi khi tôi cảm thấy trống trải. Bóng đá có nhiều thăng trầm, có lúc buồn, có lúc vui. Bố mẹ tôi cũng đã nhiều lần tới Việt Nam xem tôi thi đấu, vợ con tôi cũng tới thăm.

– Đội tuyển Nigeria đã nhiều lần dự World Cup. Bóng đá ở đó có khác nhiều so với ở Việt Nam?

Ồ, khác nhiều chứ. Nigeria có một giải vô địch quốc gia rất chuyên nghiệp, chuyên nghiệp hơn Việt Nam nhiều. Nhưng điểm khác biệt lớn nhất nằm ở chuyện tiền bạc. Bóng đá Việt Nam trả cao hơn. Các CLB tại đây có thể chi nhiều hơn từ 15 tới 35% so với tại Nigeria.

*Vẫn mơ ngày khoác áo tuyển Việt Nam

– Năm 2013, anh đã trở thành công dân Việt Nam và từng nhiều lần bày tỏ mong muốn khoác áo đội tuyển quốc gia Việt Nam. Anh cảm thấy sao khi giấc mơ ấy chưa từng thành hiện thực?

Tôi thấy thật tồi tệ. Giấc mơ của tôi là được chơi bóng cho đội tuyển Việt Nam. Tôi vẫn đang chờ cuộc gọi từ VFF. Bây giờ chưa phải muộn đâu. Tôi đã nỗ lực hết sức, đã thể hiện khả năng của mình, tôi đã chứng minh cho họ thấy rằng mình đủ trình độ thi đấu cho tuyển quốc gia. Tôi chưa từng từ bỏ hy vọng. Tôi vẫn tin một ngày nào đó, mình có thể khoác áo tuyển Việt Nam.

– Nhưng anh đã giành đủ mọi vinh quang ở cấp CLB và 30 tuổi rồi. Lên tuyển có còn quan trọng đến thế?

Có chứ, càng giành được nhiều, tôi càng khát khao lên tuyển hơn. Bởi tôi tin rằng khi được gọi, tôi sẽ không khiến ai phải thất vọng.

Samson vẫn mơ ngày khoác áo tuyển Việt Nam như nhiều đàn anh nhập tịch trước đó từng làm được.

– Nhiều người Việt Nam sợ đội tuyển sẽ bị mất bản sắc khi gọi cầu thủ nhập tịch. Anh nghĩ sao về điều này?

Đây là bóng đá và chúng ta không nên như vậy. Bạn nhìn đội tuyển Tây Ban Nha mà xem, Diego Costa là người gốc Brazil. Đội Pháp cũng có Paul Pogba và nhiều cầu thủ gốc Phi khác. Có những người còn không sinh ra tại Pháp. Đức cũng thế, Boateng là người gốc Ghana và anh ta là nhà vô địch Champions League, vô địch thế giới đấy.

Tôi không sinh ra ở Việt Nam nhưng tôi có quốc tịch Việt Nam. Vì vậy, tôi có quyền cống hiến cho đội tuyển quốc gia. Khi quyết định nhập tịch, tôi đã nghĩ về việc phục vụ cho đội tuyển. Tôi luôn muốn được trao cơ hội.

– Một thời gian dài đã qua, tuyển Việt Nam không còn triệu tập các cầu thủ nhập tịch. Điều đó có khiến anh nản lòng?

Không, tôi nghĩ rằng chưa đến lúc thôi. Tôi biết họ đã cân nhắc điều này nhưng vì lý do nào đó mà tôi không rõ, tôi vẫn chưa được gọi. VFF có những người thông minh hơn tôi, tôi biết họ có lý do cho việc không triệu tập. Tôi không cảm thấy đó là bất công. Đôi khi, chúng ta phải chờ tới thời của mình.

*Atletico Madrid là điều tuyệt vời nhất trong đời tôi

– Hãy ngược dòng quá khứ một chút, nói về chuyến hành trình tới Atletico Madrid lừng danh của anh?

Đó là điều tuyệt vời nhất từng đến trong đời tôi. Atletico đã liên hệ với Đồng Tháp hồi năm 2011. Jorge Mendes – người đại diện của Cristiano Ronaldo, đã tới gặp và đưa tôi sang Tây Ban Nha. Ông ấy đưa tôi về thẳng khách sạn trước khi tới văn phòng của Atletico ngày hôm sau.

Sau đấy, họ đưa tôi sang Braga (Bồ Đào Nha) theo dạng cho mượn khi đội này chuẩn bị gặp Young Boys ở Europa League. Tôi còn đi ăn cùng Mendes và Ronaldo nữa đấy.

Nhưng tôi đã ký hợp đồng với Hà Nội T&T trước nên mọi thứ chỉ dừng lại ở đấy. Tôi chỉ có thể ngồi ngoài ở Braga vì thiếu giấy chứng nhận chuyển nhượng ITC. Tôi phải quay về và thực hiện nốt hợp đồng của mình. Nhưng chuyến đi ấy cho thấy họ đã nhận ra tài năng của tôi. Họ nghĩ tôi đủ khả năng chơi cho Atletico.

Tôi không bất ngờ khi Atletico để ý tới mình vì tôi biết tôi là cầu thủ giỏi. Chỉ những cầu thủ chất lượng mới được Mendes chú ý tới. Đó không phải là điều bất ngờ đâu, đó là tất yếu trong sự nghiệp của tôi.

Samson từng được Mendes đưa tới Atletico Madrid – một trong những đội bóng lớn nhất châu Âu hiện nay.

– Atletico, Liga, Champions League… tất cả những điều ấy có làm anh nuối tiếc không?

Tôi chẳng có gì phải nuối tiếc. Nếu tôi được đá ở Braga thì đấy là định mệnh của tôi. Còn nếu không tức là tôi không thuộc về nơi ấy. Nhiều cầu thủ tới châu Âu chơi bóng nhưng cũng có những cầu thủ châu Âu đến châu Á thi đấu.

Tôi là cầu thủ chuyên nghiệp và có thể chơi ở bất kỳ đâu. Dù chuyện gì xảy ra, tôi vẫn cố gắng để chơi tốt nhất có thể, cố gắng cống hiến đến khi nào cảm thấy muốn dừng lại.

– Vậy còn Buriram United hồi năm ngoái thì sao? Chúng tôi đã ngạc nhiên khi anh trở lại Việt Nam quá sớm.

Tại Buriram, tôi phải ngồi dự bị liên tục. Tôi biết mình rất nhanh, rất khỏe và có kỹ thuật. Tôi tin rằng mình là một cầu thủ đẳng cấp và không thể ngồi dự bị ở Buriram được. Tôi không vui khi phải ngồi dự bị. Đó là lúc Chủ tịch CLB Hà Nội (ông Nguyễn Quốc Hội – PV) gọi tôi trở về. Tôi đến Thái Lan với quyết tâm cao, tập luyện chăm chỉ nhưng lại không được trao cơ hội.

– Nhưng khi trở về Hà Nội, anh cũng đánh mất vị trí chính thức?

Hồi đầu mùa, CLB đã dùng Ngân Văn Đại để thay thế vị trí của tôi. Tôi không thể tự nhiên lấy lại suất đá chính. Đó sẽ là một sự bất công. Nếu tôi được mua về để thay thế một cầu thủ rồi mất vị trí khi anh ta trở lại, tôi cũng cảm thấy thất vọng và không muốn thi đấu đâu. Tôi nghĩ đó là sự bình đẳng, đội bóng cần khiến mọi cầu thủ cảm thấy hài lòng.

Những thống kê tuyệt vời của Samson sau 10 năm ở Việt Nam. Công Vinh từng vô địch AFF Cup, Quang Hải thì chưa

– 10 năm ở Việt Nam, anh thấy nền bóng đá này đã thay đổi như thế nào?

Hai năm gần đây, bóng đá Việt Nam đã có nhiều bước chuyển rõ rệt. VFF và VPF đang rất cố gắng. Các đội tuyển của các bạn chơi rất tốt, thậm chí còn vào chung kết U23 châu Á tại Trung Quốc. ASIAD vừa qua, các bạn cũng vào tới bán kết.

Giải V.League đã có nhiều tiến bộ. Hãy nói về chuyện phạt nguội, VFF có thể xem lại băng hình và phạt thêm 3, 4 trận. Trước đây thì không có chuyện đó đâu. Mặt cỏ các SVĐ cũng tốt hơn rất nhiều. Sân CLB Hà Nội, sân Gia Lai hay Bình Dương đều rất đẹp. Các sân khác cũng đủ chất lượng thi đấu.

– Anh thấy đâu là điểm khác biệt giữa giải vô địch quốc gia Thái Lan và Việt Nam?

Tôi nói thật, giải vô địch Thái Lan và Việt Nam không khác nhau nhiều về trình độ đâu. Khác biệt chỉ nằm ở không khí trên sân, chất lượng mặt cỏ, CĐV…

Nhưng khác biệt lớn nhất chính là thu hút tài trợ. Ở Thái Lan, mỗi đội bóng có rất nhiều nhà tài trợ lớn đồng hành. Trong khi ấy, Cần Thơ hay Nam Định ở Việt Nam đều đang gặp vấn đề vì không có tài trợ. Chúng ta không thể so sánh một đội bóng không được tài trợ với một đội được tài trợ. Sự khác biệt ấy là quá lớn.

Nhiều năm trước, V.League từng có rất nhiều tài trợ vì giải đấu hấp dẫn. Mỗi đội khi ấy có tới 5 cầu thủ ngoại. Bây giờ thì khác rồi. Tôi hiểu VFF muốn cầu thủ nội được thi đấu nhiều hơn. Nhưng điều đó cũng khiến họ mất đi cơ hội được cạnh tranh, được thử sức và học hỏi với ngoại binh.

– Ý anh là giải đấu đang kém hấp dẫn hơn vì lý do tài chính?

Tài chính thực sự là vấn đề lớn đấy. Ngày tôi mới đến Việt Nam, Nam Định khi ấy còn là Đạm Phú Mỹ Nam Định. Họ có sân Thiên Trường rất đẹp và đủ điều kiện để chơi thứ bóng đá chất lượng. Nhưng mọi thứ không còn nữa khi họ mất nhà tài trợ. Cả giải đấu đang phải đối mặt với chuyện này.

Chơi bên cạnh Quang Hải, Duy Mạnh, Samson rất hiểu về lứa cầu thủ trẻ tài năng của bóng đá Việt Nam.

– Đấy có phải lý do nhiều cầu thủ giỏi không muốn tới Việt Nam?

Tôi nghĩ các đội vẫn đủ tiền chiêu mộ những cầu thủ ngoại chất lượng. Nhưng vấn đề là cầu thủ ngoại không hứng thú với Việt Nam. Nhiều người nước ngoài vẫn nghĩ Việt Nam vừa trải qua chiến tranh và đang trong giai đoạn tái thiết. Họ không tin Việt Nam là nơi đáng để đến. Tôi tin rằng nếu họ tới đây, họ sẽ không muốn rời đi đâu.

– Vậy còn lứa trẻ của bóng đá Việt Nam thì sao? Anh vẫn hàng ngày chơi bên cạnh những Quang Hải, Duy Mạnh, Đình Trọng…

Tôi nghĩ họ rất may mắn vì được lên tuyển quốc gia sớm và được tạo nhiều điều kiện. Nhưng hãy nhớ rằng họ vẫn chưa giành được danh hiệu thực sự nào. Thế hệ của Dương Hồng Sơn, Lê Công Vinh từng vô địch AFF Cup, từng đánh bại Thái Lan.

Việt Nam có lứa trẻ rất nổi tiếng. Đó là điều tốt. Nhưng điều quan trọng bây giờ là họ sẽ phục vụ đội tuyển như thế nào, sẽ giành được vinh quang gì. Tôi nghĩ họ chỉ thực sự được công nhận khi giành những thành tích cụ thể. Ở cấp đội tuyển, chỉ ra sân thôi là chưa đủ.

Họ phải có danh hiệu ở các giải chính thức chứ không thể chỉ đá với Macau, Campuchia rồi tự hào rằng mình đã khoác áo tuyển quốc gia.

– Cảm ơn anh về cuộc trao đổi.

Theo Minh Chiến/Zing.vn