Văn hóa tự chịu trách nhiệm về rác thải của mình mà cụ thể ở đây là người dân mang rác về nhà sau khi tham dự các sự kiện như thể thao thì cũng dễ hiểu vì sao Nhật Bản từ xưa đến nay luôn được xem là một quốc gia sạch sẽ nhất trên thế giới.
Chịu trách nhiệm với rác của mình
Ở Nhật Bản, văn hóa tự chịu trách nhiệm về rác thải của mình bắt đầu từ thời thơ ấu. Tất cả các lớp phải tự vệ sinh phòng học của mình và thêm 2 địa điểm khác trong khuôn viên trường. Thời gian dọn dẹp kéo dài nửa tiếng sau khi tan học. Cả lớp được chia làm các nhóm gọi là “han”, những nhóm này có trách nhiệm làm các việc như quét nhà, lau nhà, hay hút bụi theo ca ngày hoặc ca tuần. Chúng cũng phải dọn dẹp luôn cả nhà vệ sinh, phòng tập thể dục, hội trường và phòng của bộ môn.
Một nét văn hóa điển hình mà bạn có thể thấy ở các trường học Nhật Bản về quan hệ giữa người với người là cách học sinh lớp 6 đến thăm học sinh lớp 1 để dạy và giúp chúng dọn dẹp. Chúng giống như đang làm mẫu vậy. Sự tương tác này giữa các lớp lớn và lớp nhỏ hơn có tác dụng rất tích cực vì rất nhiều bé không có anh chị em. Sự nghiêm túc trong dọn dẹp phụ thuộc vào nhà trường nhấn mạnh nó đến mức nào. Có những bé tự thân đã nghiêm túc trong lau dọn hơn những bé khác. Người Nhật không hy vọng người khác sẽ giải quyết đống lộn xộn của mình. Họ luôn luôn nghĩ đi nghĩ lại trước khi xả rác.
Rác cũng phải gọn gàng ngăn nắp
Với người Nhật, vứt rác không chỉ đơn thuần là ném chúng vào đúng loại thùng rác. Họ có một hệ thống tiêu hủy rác có khả năng giúp mọi người phân loại rác một cách hợp lý. Mỗi khu vực hay mỗi quận có một hệ thống riêng của khu vực hay quận đó. Ví dụ, rác có thể được phân thành loại đốt được (túi đỏ), không đốt được (túi xanh), giấy, nhựa, đồ hộp, các tông, xốp, chai nhựa, pin, kính vỡ, v.v (túi trắng).
Tùy thuộc vào từng loại, một số rác được thu về hàng tuần trong khi số khác sẽ được lấy đi theo tháng hoặc nửa tháng. Mặc dù nghe có vẻ bất tiện khi ngày nào cũng phải mất thời gian suy nghĩ nên xem vứt rác vào đâu, nhưng thực ra đây là một cách rất hữu hiệu và khả thi. Nếu bạn tình cờ có một chuyến đi dài trên xe buýt, bạn sẽ thấy một túi rác cá nhân được đặt cùng mỗi ghế để khuyến khích mọi người vứt những thứ bỏ đi vào đúng chỗ.
Giữ cho nhà cửa và các cơ sở kinh doanh được sạch sẽ
Ngoài việc giữ vệ sinh trường học, người Nhật đảm bảo rằng tại bất kỳ nào họ ở, thì xung quanh phải luôn được sắp xếp gọn gàng ngăn nắp. Ở những quốc gia khác, dọn dẹp đường phố thường do những người lao công thực hiện.
Ở Nhật Bản thì khác, người ta thực sự không cần thuê những người này vì rất nhiều cư dân đã tự dọn khu vực của họ rồi. Rất nhiều người Nhật thích dọn dẹp và giữ cho nhà cửa và văn phòng gọn gàng sạch bóng. Việc này tạo cho họ một môi trường thoải mái và hình thành những thói quen tốt trong cuộc sống.
Dọn dẹp cả khu vực lân cận nhà mình
Lịch dọn dẹp không chỉ dành cho trẻ nhỏ. Người lớn cũng được phân công dọn dẹp định kỳ tại nơi họ sống. Điều này nghe giống với một nghĩa vụ bán bắt buộc nhưng đây là cách mà người ta vẫn làm ở quốc gia này. Có những trường hợp người dân phải dậy sớm từ 7 giờ sáng để dọn sạch khu vực lân cận trước khi đi làm.
Vào giờ này, bạn sẽ nhìn thấy người dân đeo găng tay, mang theo cào, xẻng và những thứ tương tự. Cắt cỏ và tưới cây là một phần trong các công việc họ phải làm để dọn dẹp khu phố. Những hành động này tuy nhỏ nhưng lại có tác dụng rất lớn. Khi ai ai cũng giúp đỡ người khác, thì việc duy trì văn hóa sạch sẽ ở quốc gia này chắc chắn sẽ trở nên dễ dàng.
Các phương tiện giao thông công cộng “sạch không tỳ vết”
Nước Nhật có một hệ thống giao thông công cộng hoàn hảo. Chúng không chỉ an toàn, thoải mái, giá cả phải chăng, đáng tin cậy, mà còn rất sạch. Có thể nói là số 1 trên thế giới. Nói đến tàu, các ghế ngồi được lót đệm để đảm bảo sự thoải mái và còn giúp mọi người cảm thấy có trách nhiệm phải giữ gìn chúng sạch sẽ cho những người khác. Bên cạnh đó, việc kiểm soát khí thải của quốc gia này cũng là chặt chẽ nhất thế giới. Là nước đi đầu trong các công nghiệp kiểm soát ô nhiễm, Nhật Bản đã đưa ra những quy định tiết kiệm nhiên liệu khắt khe nhất cho các phương tiện vận tải hạng nặng.
Tất cả các phương tiện giao thông công cộng ở Nhật Bản phải đảm bảo được trải nghiệm thân thiện với tất cả mọi người, vậy nên không cần thiết phải sở hữu một chiếc xe ở đất nước này. Vì ít xe nên môi trường cũng ít bị ô nhiễm hơn. Không có xe nên cũng chẳng cần phải có ngân sách để mua xăng, hay bảo hiểm, hay tiền nợ mua xe, hay bảo dưỡng định kỳ, hay phí đỗ xe, hay các khoản chi phí nặng nề khác phát sinh từ việc sở hữu một chiếc xe.
Và cuối cùng là, trên hết, Nhật Bản đang liên tục thúc đẩy các công nghệ làm sạch và các dịch vụ tái chế rác thải để duy trì sự sạch sẽ của họ. Giáo dục con người biết tôn trọng thiên nhiên là điều rất quan trọng với Nhật Bản.
Họ nhấn mạnh vào cộng đồng hơn là vào từng cá nhân. Nếu một người vứt rác ra nơi sinh hoạt, thì việc dọn sạch nó được xem là trách nhiệm chung của cả động đồng. Đó là lý do giải thích tại sao người Nhật suy đi tính lại trước khi xả rác ra để rồi ai đó phải dọn nó.
Ở Nhật, các đường phố, thành phố, nhà cửa thường gọn gàng và thoải mái. Sự sạch sẽ của Nhật Bản về bản chất là không nơi nào có thể sánh được. Các cộng đồng dân cư khác nhau cũng sẵn sàng vui vẻ bỏ công bỏ sức để duy trì sự vệ sinh này. Ngoài đó ra, vẻ ngoài của người Nhật trông cũng rất sạch sẽ chỉn chu khi xuất hiện. Thật khó để tìm thấy ai đó mặc một chiếc áo sơ mi nhăn nhó ở Nhật.
Theo Thanh Thảo/Moitruong.com.vn