Một trong những băn khoăn của học sinh lớp 12 thời điểm này là nên chọn ngành nghề nào để có cơ hội trúng tuyển và có việc làm sau khi ra trường? Trước đây, học sinh thường phải tự chọn ngành nghề theo cảm tính, ngày nay ở các trường THPT đã tư vấn, hướng nghiệp để học sinh có cái nhìn về nghề nghiệp phù hợp.
Nhiều học sinh và phụ huynh giờ đây đã không lựa chọn học ĐH, thay vào đó là học nghề với một chỗ làm được đảm bảo trong tương lai. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Vũ Hiền Trang, học sinh lớp 12A4, Trường THPT Đông Anh (Hà Nội) cho biết, khi còn nhỏ em mơ ước được trở thành giáo viên. Tuy nhiên, khi học lên cấp 3, có thêm hiểu biết lại thích nhiều công việc khác, tuy nhiên bản thân chưa hình dung được để làm công việc đó cần phải có tố chất gì, mình phải làm gì. Ngay từ đầu năm học, nhà trường nơi Trang học đã tổ chức ngày hội hướng nghiệp, học sinh được tư vấn các ngành nghề tương lai. “Giáo viên tư vấn, nếu em thấy năng lực học tập ở tầm trung bình khá thì nên chọn những ngành như thế nào, cơ hội việc làm ra sao. Đặc biệt, những bạn có năng lực trung bình, các chuyên gia cũng khuyên nên chọn học nghề vì cơ hội việc làm sau khi ra trường rất cao”, Trang nói.
Nguyễn Trọng Việt, học sinh Trường THPT Đồng Quan (Hà Nội) cho biết, ngoài các ngày hội định hướng nghề nghiệp, Việt cũng lặn lội đến tham gia các chương trình tư vấn tuyển sinh của các trường ĐH để được nghe tư vấn. Việt học giỏi khối A và được bố mẹ định hướng thi vào Học viện Ngân hàng nhưng sau khi tìm hiểu, anh quyết định rẽ lối sang chuyên ngành Khoa học máy tính của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội.
Trong khi đó, một học sinh khác chia sẻ băn khoăn, thời điểm này vẫn không biết nên thi ĐH hay học nghề. Điều học sinh này trăn trở là liệu chọn thi ĐH thì liệu 4 năm sau có xin được việc làm hay lại thất nghiệp như nhiều anh chị khác? Còn nếu học nghề thì nên học nghề gì, vì lâu nay em cũng chỉ biết học chưa biết mình có thế mạnh yếu thế nào để lựa chọn nghề phù hợp.
Sau tư vấn, nhiều HS bỏ ĐH chọn học nghề
Ông Nghiêm Qúy Bình, Hiệu trưởng Trường THPT Đông Anh (Hà Nội) cho biết, trước đây học sinh chọn nghề rất cảm tính, thậm chí thấy bạn bên cạnh đăng ký thi ngành gì cũng đăng ký theo. Vì thế, khi học dở, thậm chí học xong ĐH, đi làm nhiều em mới ngớ ra là mình không yêu nghề, không có đam mê. Ngày nay, có nhiều kênh để tiếp cận thông tin nên khi chọn ngành nghề các em hiểu rất rõ về nghề. Như học sinh ở trường, bắt đầu lớp 12, cứ đầu tuần, các doanh nghiệp, trường nghề, các trường ĐH đã lần lượt đăng ký đến trường để trao đổi, giới thiệu về các nghành nghề, mức điểm tuyển dụng. Ngoài ra, trước khi làm hồ sơ đăng ký, nhà trường cũng tổ chức ngày hội tư vấn hướng nghiệp, không chỉ học sinh mà phụ huynh cũng được mời đến để có gì chưa rõ sẽ được chuyên gia trao đổi kỹ. “Qua các buổi như vậy, có em đang nung nấu thi ĐH lại chuyển sang học nghề vì thấy đầu ra thuận lợi quá. Hoặc cũng có học sinh thấy xu hướng trong tương lai ngành nghề nào hot, thú vị mà cũng phù hợp bản thân hơn lại theo”, ông Bình nói.
Cũng theo ông Bình, điều học sinh quan tâm, lo lắng nhất hiện nay khi chọn ngành nghề chính là cơ hội việc làm. Trong khi có được việc làm hay không lại phù thuộc vào nhiều yếu tố như: sự năng động, năng lực đáp ứng công việc, kết quả học tập…Vì thế, ông và giáo viên thường khuyên học sinh, chọn ngành học cũng quan trọng nhưng trên hết, bản thân phải luôn nỗ lực để hoàn thiện mình.
Ông Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Cơ điện Hà Nội cho biết, các trường nghề hiện nay cũng đến nhiều trường THPT để giới thiệu về nghề. Trước đây, học sinh thi trượt ĐH, hoặc học xong ĐH không có việc làm mới tìm đến trường nghề sẽ rất mất thời gian, tốn kém công sức, tiền của. Vì vậy, trường nghề đã tìm đến học sinh để giới thiệu, mô tả về từng ngành nghề, cơ hội đầu ra, học phí…để học sinh, phụ huynh hiểu. “Có nhiều học sinh trước khi nghe tư vấn cho biết sẽ thi ĐH nhưng sau khi nghe tư vấn đã giơ tay đăng ký học nghề”, ông Ngọc nói.
Cũng theo ông Ngọc, có nơi, học sinh chưa có nhiều kiến thức về định hướng nghề nghiệp. Nhiều học sinh khi được hỏi vẫn trả lời, sẽ lựa chọn ngành nghề này nhưng lại chưa có sự hiểu biết về nghề đó ra sao.
Trưởng phòng ĐH một trường ĐH tại Hà Nội cho biết, do sự cạnh tranh của các trường ĐH cũng như nhu cầu tuyển dụng phải đảm bảo nên nhiều năm nay, các trường ĐH cũng đã tìm đến học sinh để tư vấn, thu hút học sinh. Khi đến tư vấn, chuyên gia thường nhấn mạnh đến các điểm mới trong quy chế tuyển sinh, quy chế thi để học sinh nắm vững. Ngoài ra, tư vấn về đặc thù các ngành, nghề đào tạo, chỉ tiêu tăng giảm…để học sinh có cái nhìn từ tổng quan đến chi tiết.
Theo ông này, “trước đây, câu hỏi ông thường bắt gặp thường mơ hồ như: Em học khá, trung bình, giỏi thì thi ngành này, ngành này có khả năng đỗ cao không, có việc làm không? Trong khi đó, vài năm trở lại đây, học sinh đặt câu hỏi rất sát về ngành nghề, nhiều em rất tự tin cho biết sẽ chỉ đăng ký 2-3 nguyện vọng cho là phù hợp với sức học cũng như nghề mình yêu thích”, vị này nói.
Bỏ điểm sàn Năm nay, Bộ GD&ĐT sẽ không quy định điểm sàn mà thay vào đó, các trường ĐH, CĐ được chủ động xác định ngưỡng đầu vào phù hợp với chính sách tuyển sinh các trường. Dự kiến, thời gian phát hành hồ sơ cho thí sinh đăng ký là từ ngày 1-20/4 tới. |
Theo Nguyễn Hà/Tiền Phong