Chương trình ‘Lời cảnh báo’ tiếp tục cập nhật những vấn đề được quan tâm trong thời gian gần đây như: Lừa đảo hỗ trợ xác thực sinh trắc học, chiêu trò lừa đảo tân sinh viên
Lừa đảo hỗ trợ xác thực sinh trắc học
Trong bối cảnh lừa đảo trên không gian mạng ngày càng tinh vi thì việc triển khai xác thực sinh trắc học từ các ngân hàng là giải pháp an toàn và góp phần ngăn chặn hiệu quả loại tội phạm này. Tuy nhiên, lợi dụng việc người dân có nhu cầu xác thực sinh trắc học các đối tượng đã sử dụng các thủ đoạn như mạo danh nhân viên ngân hàng liên hệ với người dân để hỗ trợ xác thực sinh trắc học sau đó chiếm đoạt tiền và nhiều mục đích khác.
Chị Lý Thị Thu Uyên cho biết: “Hằng ngày tôi có những giao dịch trên 10 triệu, nên việc đăng ký sinh trắc học rất quan trọng. Bình thường sử dụng vân tay hoặc Face ID thì tôi cảm thấy chưa an toàn vì có nhiều trường hợp người ta đánh cắp ảnh hoặc dùng AI để giả mạo nên tôi khá hoang mang. Nhưng nhờ vào việc xác thực sinh trắc học thì tôi cảm giác bảo mật thông tin của mình sẽ được an toàn hơn”. Việc sử dụng sinh trắc học đã và đang được rất nhiều người dân hưởng ứng, đây được coi là giải pháp hiệu quả hạn chế tối đa được các rủi ro.
“Chúng ta xác thực bằng sinh trắc học sẽ giúp cho các ngân hàng, các cơ sở xác định được các giao dịch có chính chủ hay không khi đối chiếu dữ liệu của chủ tài khoản với dữ liệu công dân của Bộ Công an. Việc xác thực sinh trắc học khi thực hiện các giao dịch chuyển tiền trực tuyến sẽ giúp các cơ quan chức năng thực hiện công tác truy vết, làm rõ các hành vi. Đồng thời giúp các cơ quan chức năng tiến hành các biện pháp để thu hồi các dòng tiền và hoàn trả cho người bị hại”, trung tá Trần Ngọc Thành (Phó Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an thành phố Đà Nẵng) cho biết.
Lợi dụng việc triển khai hình thức xác thực này, các đối tượng đã có hành vi mạo danh là nhân viên của các ngân hàng để liên hệ khách hàng với lời mời hỗ trợ xác thực sinh trắc học bằng cách gọi điện, nhắn tin hoặc mạng xã hội. Sau đó yêu cầu người dân cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng, hình ảnh căn cước công dân, hình ảnh khuôn mặt hoặc thu thập thêm giọng nói, cử chỉ qua cuộc gọi. Đã không ít người dân gặp phải những thủ đoạn này.
Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong (Chuyên gia Kinh tế) cho biết, để tránh lừa đảo trong quá trình xác thực sinh trắc học thì người dân phải cảnh giác mỗi khi nhận được các thông tin và các cuộc điện thoại tự xưng là nhân viên ngân hàng hoặc các cơ quan chức năng giúp hỗ trợ làm các thủ tục đó. Nên có sự tạm hoãn và sau đó gọi điện lại cho nơi mà người đó nhân danh để xác thực.
Anh Nguyễn Trọng Đại (Thành viên hỗ trợ cộng đồng Dự án Chống lừa đảo) đưa ra các biện pháp cảnh giác như: Không cung cấp thông tin cá nhân qua điện thoại hoặc tin nhắn, kiểm tra thông tin người liên hệ nếu nhận được điện thoại hoặc tin nhắn của người tự xưng là nhân viên ngân hàng bằng cách gọi điện trực tiếp với số hotline chính thức của ngân hàng. Nếu nghi ngờ mình là nạn nhân của kẻ lừa đảo thì hãy liên hệ ngay với ngân hàng hoặc cơ quan chức năng để được hỗ trợ kịp thời.
Cảnh giác chiêu trò lừa đảo tân sinh viên
Hiện nay là thời điểm nhiều trường đại học công bố điểm trúng tuyển của các phương thức xét tuyển. Bằng sự bỡ ngỡ tò mò khi sắp bước vào môi trường mới qua hình thức online, tân sinh viên của nhiều trường thường tham gia vào các nhóm trên mạng xã hội để làm quen bạn bè và trao đổi thảo luận cho năm học mới. Tuy nhiên nhiều đối tượng đã lợi dụng điều này để lừa đảo thông qua các nhóm trò chuyện trên mạng xã hội rồi mạo danh trường đại học để lôi kéo thí sinh vừa trúng tuyển.
Trên các nền tảng mạng xã hội xuất hiện những hội nhóm không chính thống dành cho tân sinh viên, người lập group tự xưng là cựu sinh viên trường. Các trường đại học đều có fanpage chính thức, việc hiện lên các trang nhóm thảo luận trên Facebook, Messenger, Zalo đều hoàn toàn có thể là của các đối tượng xấu lập ra với mục đích dẫn dắt, dụ dỗ, lôi kéo tân sinh viên để thực hiện các hành vi lừa đảo. Các trường đại học phát thông tin tuyển sinh trên website, fanpage chính thức của trường, tuy nhiên nhiều thí sinh vẫn chưa thể phân biệt được với các trang có nhóm giả mạo. Phần nữa vì sự tò mò, muốn tìm hiểu môi trường mới, muốn giao lưu kết bạn nên rất nhiều thí sinh đã mắc bẫy.
Các đối tượng thực hiện các thủ đoạn lừa đảo như giới thiệu các khóa học tiếng Anh đầu vào miễn phí, giới thiệu việc làm, học ngoại ngữ để du học. Nhận rõ sự ảnh hưởng của các thủ đoạn đó, Th.S Cù Xuân Tiến (Trưởng phòng Tuyển sinh và CTSV, Trường ĐH Kinh tế – Luật, ĐHQG TP.HCM) cho biết trường đã có một số biện pháp như tái cấu trúc lại các trang mạng xã hội và công bố rộng rãi trên các trang truyền thông của trường để giúp cho các tân sinh viên không gặp phải những vấn đề trên.
Thủ đoạn của các nhóm chat trên mạng xã hội rất tinh vi, thường thấy nhất là lôi kéo thí sinh, sinh viên tham gia nhóm sau đó tư vấn chuyên sâu giới thiệu về nhóm hoạt động ngoại khóa, kĩ năng sinh viên, giao lưu với các sinh viên trường khác. Dần dần các sinh viên sẽ bị lôi kéo vào đường dây mua bán hàng đa cấp, bên cạnh đó các đối tượng này còn yêu cầu sinh viên cung cấp thông tin cá nhân, giấy báo nhập học để lấy mã số định danh, căn cước công dân, tài khoản ngân hàng nhằm mục đích lừa đảo, chiếm đoạt.
Th.S Cù Xuân Tiến đưa ra các lời khuyên cho các tân sinh viên như phải thật tỉnh táo tìm hiểu các thông tin chính thống trên các cổng thông tin của nhà trường và ngoài ra nếu nghi ngờ thì có thể liên hệ với các số hotline, email của trường, để trường có thể giải đáp thắc mắc và tránh rơi vào bẫy. Phụ huynh nên đồng hành với các con của mình để tìm hiểu cùng con. Bên cạnh đó, TS. Nguyễn Kim Dung (Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) chia sẻ là không nên vội vàng trong việc đưa ra các quyết định lớn như là đóng tiền cho các khóa học mà các em phải đến đó để tìm hiểu.
Phụ huynh cũng nên theo sát, chủ động vào cổng thông tin của Bộ GD&ĐT, website của từng trường để đọc các nguồn tin chính thức. Gọi điện đến số điện thoại của nhà trường để kiểm chứng thông tin, tất cả các thông tin này đều được cập nhật công khai trên website.