Văn hóa - Đời sống - Ẩm thực

Lời cảnh báo: Nguy hiểm khi khoe của trên mạng xã hội cuối năm

Tuần này, Lời cảnh báo tiếp tục cập nhật những vấn đề được quan tâm trong thời gian gần đây như: Cạm bẫy vay nóng mùa tiêu dùng cuối năm; Nguy hiểm khi khoe của trên mạng xã hội cuối năm. 

Cạm bẫy vay nóng mùa tiêu dùng cuối năm

Cuối năm, nhiều gia đình đều mua sắm để chuẩn bị chào đón một năm mới ấm no, đủ đầy, cũng từ đây, vì tài chính khó khăn mà nhiều người tìm đến các gói vay nhanh, thủ tục đơn giản để có tiền nhanh chóng.

Do đang cần tiến gấp để lo cho gia đình nên anh T đã rơi vào bẫy vay nóng. Anh cho biết hiện vẫn chưa hết bàng hoàng khi bị khủng bố qua điện thoại và đối mặt với các hình thức bạo lực. “Họ cho người tới nhà tôi, gọi điện hăm dọa gia đình bạn bè tôi”, anh nói.

Anh Mai Thành Trung (Chuyên gia đào tạo và quản lý gia sản CTCP FIDT) cho biết: “Vay nóng là vay nhanh với tiền lãi cao, các tổ chức tín dụng đen thường ngụy trang bằng cách hạ lãi thấp nhưng đưa vào phần phí cao. Người đi vay sẽ không biết được cho tới khi họ nhận khoản vay thì mới vô tình nhận được phần phí này. Những tổ chức tín dụng thường có tiêu chí hồ sơ rất dễ dàng như không cần chứng minh, không cần hộ khẩu”.

Những cạm bẫy vay nóng không đơn giản là vấn đề lãi suất mà còn là các biện pháp đòi nợ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý danh dự của người vay. Những tổn thương tâm lý này để lại hậu quả lâu dài.

Luật sư Đàm Văn Hùng (Công ty luật TNHH Lập Phương) cho biết: “Theo điều 468 Bộ luật Dân sự 2015, trong giao dịch dân sự, các bên tự thỏa thuận mức lãi suất, tuy nhiên không vượt quá 20%/năm, tức là 1.67%/tháng. Trong trường hợp mức lãi suất vượt quá mức quy định, thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Tùy trường hợp, có thể bị phạt tiền từ 50 triệu đồng trở lên hoặc bị phạt tù, phạt cải tạo không giam giữ tới 3 năm”.

Nguy hiểm khi khoe của trên mạng xã hội cuối năm

Thời điểm cận tết, không ít người có thói quen chia sẻ những thông tin có tính chất riêng tư như công việc, nơi ở và đặc biệt là tài sản như tiền, vàng, sổ đỏ lên mạng xã hội. Tuy nhiên việc này có thể bị kẻ xấu lợi dụng để lừa đảo thậm chí là rước họa vào thân.

Chị N.P (nạn nhân) cho biết: “Cuối năm tôi có tích góp một số tiền vàng, có đăng một số hình chia sẻ lên mạng xã hội, sau đó một số người nhắn tin dụ tôi làm cái này cái kia. Tôi vô tình nhấp vào đường link chứa mã độc và sau đó thì tài khoản tôi bị mất sạch”.

Theo các chuyên gia tội phạm học, việc khoe của lên mạng xã hội có thể đưa bản thân vào tầm ngắm của đối tượng xấu. Vừa qua công an thành phố Hà Nội đã triệt phá một ổ nhóm cướp giật. Điều đáng nói là bị hại trong vụ án này vừa mua được một sơi dây chuyền vàng trị giá hơn 100 triệu đồng và đưa lên mạng để khoe, vô tình hình ảnh đó lọt vào mắt một nhóm cướp chuyên nghiệp.

TS Nguyễn Huỳnh Bảo Khánh (Trưởng bộ môn Tội phạm học, trường ĐH luật TP.HCM) cho biết: “Nhiều khi chúng ta nghĩ không ảnh hưởng tới ai, tuy nhiên đây là vấn đề chúng ta cần cảnh giác. Đối tượng tội phạm hướng tới là những người có tài sản. Đây là con mồi, là đối tượng có nguy cơ trở thành nạn nhân của tội phạm”.

Sự giàu có, sung túc là điều mọi cá nhân xã hội đều trân trọng. Tuy nhiên, việc khoe của có thể tạo ra định hướng giá trị lệch lạc trong cộng đồng, khoe của vô hình tạo áp lực cho chính mình và những người xung quanh. Tiền bạc của cải là một vấn đề nhạy cảm, đòi hỏi chúng ta có những ứng xử phù hợp. Nếu biết cách chia sẻ một cách tinh tế khéo léo có thể giúp khẳng định chính mình, tạo ra động lực phấn đấu cho người khác, ngược lại sẽ gây khó chịu cho người khác, tạo cơ hội cho kẻ xấu.

Lời cảnh báo được phát sóng vào lúc 19h50 Thứ Hai và Thứ Tư hàng tuần trên kênh THVL1. Chương trình do đài truyền hình Vĩnh Long phối hợp Jet Studio thực hiện.