Đường lên Đà Lạt hay phượt Tam Đảo đã làm bạn thót tim đôi lúc chăng? Vậy thì đây là những con đường mà bạn hoàn toàn không nên đến.
Caucasus, Nga: Con đường Caucasus quanh co và hẹp, nối liền hồ Ritsa, Sochi của Nga và đi qua những ngọn núi hùng vĩ của vùng. Con đường này được biết đến với những con dốc sởn gai ốc và những khúc cua chữ Z ngay giữa lưng chừng núi.
Cầu Eshima Ohashi, Nhật Bản: Eshima Ohashi không phải con đường mà chính xác là một cây cầu. Cây cầu dài 1.7 km và rộng 12 m, nối hai thành phố Matsue và Sakaiminato. Cây cầu với thiết kế cao cho phép những tàu thuyền kích thước lớn có thể di chuyển thoải mái, nhưng lại đem đến cái nhìn chót vót cho một cây cầu bình thường.
Con đường Thiên Môn Sơn, Trung Quốc: Thiên Môn Sơn là một con đường dài 10 km với đến 99 khúc cua với nhiều góc chết. Chênh lệch chiều cao giữa điểm đầu và điểm cuối Thiên Môn Sơn lên tới 1.100 m. Nơi cao nhất của con đường là 1.300 m so với mực nước biển. Đi hết con đường, vượt qua 999 bậc thang, du khách sẽ đặt chân đến “Cổng trời”.
Đèo Gotthard, Thụy Sĩ: Gotthard là một trong những con đèo cao nhất và đầy thử thách của dãy núi Alps, Thụy Sĩ. Con đường dài 64 km uốn mình rồng rắn từ bên này sang bên kia, tạo nên khung cảnh kỳ vĩ cho những người đi qua đây. Vẻ đẹp ấy được ví như bông hoa hồng có gai khi con đường ở Gotthard đem đến cho tài xế những cơ hội thử tay lái chết chóc.
Zozila, Ấn Độ: Hai bang Kashmir và Ladakh được liên kết bằng đoạn đường dốc đứng và hẹp, dài 9 km. Zozila dù trông vô cùng nguy hiểm nhưng vẫn là một trong những con đường giao thông trung chuyển hàng hóa quan trọng nhất Ấn Độ. Đường đèo nằm ở độ cao 3.528 m so với mực nước biển. Các tài xế đòi hỏi có kỹ năng vượt trội cùng phương tiện được đăng kiểm thường xuyên. Con đường bị cấm sử dụng vào mùa đông.
Le Passage du Gois, Pháp: Con đường Le Passage du Gois chỉ mở cửa trong một vài giờ, thời gian còn lại của ngày nó chìm dưới nước. Hãy chỉ nên trải nghiệm con đường này nếu bạn nắm rõ lịch trình thủy triều. Con đường nối đất liền với hòn đảo Noirmoutier. Mỗi năm, nước Pháp tổ chức cuộc thi chạy quốc tế trên con đường này. Cuộc thi bắt đầu đồng thời với lúc thủy triều lên cao.
Cao tốc Dalton, Alaska: Dalton là đường cao tốc cô lập nhất hành tinh, nối khu khai thác dầu Artic Sea với các khu dân cư. Dài 666 km, Dalton liên kết với ba ngôi làng. Đây là đường cao tốc có tuyết rơi nhiều nhất trên thế giới. Mùa đông đến, tài xế càng gặp nhiều khó khăn hơn bởi gió mạnh và băng giá cùng các khúc cua uốn quanh lưng núi hình chữ Z.
Con đường Yungas, Bolivia: Yungas là một trong nững con đường cao tốc nguy hiểm nhất hành tinh. Theo thống kê, hàng năm 200-300 người đã bỏ mạng trên con đường này. Yungas nối từ rừng Amazon ở miền Bắc tới thủ đô của Bolivia. Con đường chỉ rộng 3,6 m, một bên là núi đá, một bên là vực sâu 600 m, đã được xây dựng từ thập niên 1930.
Đường hầm Guoliang, Trung Quốc: 13 người thợ của ngôi làng Guoliang tự xây dựng một đường hầm nhỏ để người dân di chuyển đến những nơi lân cận . Đường hầm qua đây vô cùng chật hẹp, chỉ đủ để 2 xe tránh nhau, cao 5 m, rộng 4 m và dài 1.250 m. Trong nhiều năm, đường hầm xuyên núi Guoliang luôn nằm trong danh sách điểm đến nguy hiểm nhất thế giới.
The Atlantic Ocean, Na Uy: Con đường The Atlantic Ocean kết nối một số ngôi làng nhỏ ven biển. The Atlantic Ocean dài 8.3 km, rộng 6.5 m, bao gồm 8 cây cầu và 4 chỗ nghỉ chân cùng điểm ngắm cảnh. Du khách muốn trải nghi con đường này còn có thể ăn tối, câu cá hay ghé qua khu resort lướt sóng ở trên đảo. Đây được xem là một trong những con đường có phong cảnh đẹp nhất châu Âu.
Hana, Hawaii: Con đường kéo dài 112 km, nối liền thành phố Hana và Kahului trên hòn đảo du lịch nổi tiếng Maui. Con đường hẹp này nối liền 59 cây cầu, 46 trong số đó chỉ có 1 làn. Nhiều đọan đường ở đây thường xuyên bị cấm do lở đất.
Theo Khánh Trình/Zing.vn