Du lịch Văn hóa - Đời sống - Ẩm thực

Toàn cảnh quần thể chùa Tam Chúc lớn nhất thế giới

Để hoàn thành toàn bộ dự án, nhà đầu tư cần khoảng 30 năm nữa. Tuy nhiên, đến nay quần thể chùa Tam Chúc đã đón hàng trăm nghìn du khách về tham quan, chiêm bái.

Chùa Tam Chúc được quảng bá là lớn nhất thế giới đang gây xôn xao và gợi trí tò mò cho nhiều tín đồ phật giáo cả nước. Nhiều nhà văn hóa dự báo chùa Tam Chúc sẽ trở thành ngôi chùa lớn nhất thế giới và là di sản thế giới trong tương lai.
Quần thể chùa Tam Chúc thuộc xã Ba Sao (huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam) có diện tích gần 5.100 ha, bao gồm 1.000 ha hồ nước, 3.000 ha núi đá, rừng tự nhiên cùng nhiều thung lũng.
3 mặt bao bọc bởi dãy núi Thất Tinh hình tay ngai, phía trước là hồ Tam Chúc với 6 quả núi. Các công trình được xây dựng ở đây đều dự báo sẽ đạt những kỷ lục Guinness mới.
Bao quanh chùa Tam Chúc còn có nhiều di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh nổi tiếng như động Vòng, động Cô Đôi, chùa Thiên Phúc, chùa Bà Đanh, đền Lý Thường Kiệt, chùa Thi, Động Thủy, đền Lê Chân, chùa Ông, chùa Tam Giáo…
Mặt bằng chùa Tam Chúc rộng tới 144 ha, với nhiều công trình như chùa Ngọc, điện Tam Thế, điện Pháp Chủ, điện Quan Âm, cổng Tam Quan, Trung tâm Hội nghị quốc tế… Trong ảnh là cổng Tam Quan 3 tầng mái cong, cao 28,8 m, ba mặt sàn rộng 3.558 m2.
Điện Tam Thế ở độ cao 45 m trên trục thần đạo, 3 tầng mái cong mang kiến trúc đình chùa Việt, cao tới 39 m, mặt sàn 5.400 m2, đủ đón 5.000 phật tử cùng hành lễ.
Điện Pháp Chủ 2 tầng mái cong, cao 31 m, mặt sàn 3.000 m2.
Điện Quan Âm cao 30,5 m, mặt sàn rộng 3.000 m2. Các công trình của chùa Tam Chúc được đánh giá là sự kết hợp giữa quá khứ và hiện tại, giữa nghệ nhân Việt Nam và nghệ nhân nước ngoài, giữa thợ thủ công lành nghề của Phật giáo, Ấn Độ giáo, Hồi giáo, Thiên Chúa giáo.
Điều đặc biệt ấn tượng là 4 bức tường cực lớn ở điện Tam Thế được trang trí bởi 12.000 bức tranh đá chạm khắc tinh xảo gửi gắm những câu chuyện nhân văn tái hiện cuộc đời Đức Phật, ẩn chứa vẻ đẹp chân – thiện – mỹ. Bốn bức tường lớn của điện Pháp Chủ cũng được trang trí bởi 10.000 bức tranh tái hiện cuộc đời Đức Phật: Phật Sinh, Thành Đạo, Thuyết Pháp và Phật Niết Bàn. Trong khi đó, các bức tường lớn tại điện Quan Âm cũng có 8.500 bức tranh đá kể những câu chuyện về các sự tích Quan Thế Âm Bồ Tát.
Hàng chục nghìn bức tranh đá trên đều mang màu cháy của gạch nung già, lấy từ núi lửa Merapi (Indonesia), được chế tác thủ công bởi các nghệ nhân quần đảo Java. Tất cả tranh đều được chú dẫn bằng 3 thứ tiếng Việt, Anh, Phạn và đã được mã hóa.
Chùa Ngọc nằm trên đỉnh núi Thất Tinh ở độ cao 468 m với 299 bậc lên xuống là tâm điểm thu hút du khách thời điểm này.

Chùa Ngọc được xây dựng hoàn toàn bằng đá khối xếp liền nhau thành một khối nặng 2.000 tấn do các nghệ nhân Ấn Độ thực hiện. Đây được coi là kiệt tác về kiến trúc đá.
Điều đặc biệt nữa là chùa Tam Chúc đang thiết lập vườn cột kinh khổng lồ với 1.000 cột đá, mỗi cột cao 14 m, nặng 200 tấn làm từ đá xanh Thanh Hóa. Đây sẽ là vườn kinh lớn nhất thế giới với hàng nghìn bài kinh kệ đặc sắc.
Tam Chúc là vùng núi đá vôi ngập nước độc đáo, với phong cảnh nước non hùng vĩ. Từ trên cao nhìn xuống, nơi đây như một bức tranh thủy mặc khổng lồ với những đường nét hoàn toàn tự nhiên.
Dù đang trong giai đoạn xây dựng nhưng quần thể chùa Tam Chúc đã mở cửa đón nhiều người dân và du khách đến hành hương trong dịp Tết Kỷ Hợi vừa qua.

Thông tin thêm:

Quần thể khu du lịch Tam Chúc được Chính phủ công nhận là khu du lịch quốc gia năm 2013. Hiện Thủ tướng đã đồng ý để Hà Nam phối hợp với các địa phương liên quan lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận quần thể Tam Chúc (Hà Nam) – Chùa Hương (Hà Nội) – Vân Long (Ninh Bình) – Đồng Tâm (Hòa Bình) trở thành di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu đề xuất, báo cáo Thủ tướng theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.

Tam Chúc chỉ cách chùa Hương 4,5 km, cách Bái Đính 30 km, hứa hẹn sẽ tạo ra con đường du lịch tâm linh kết nối di sản văn hóa – thiên nhiên đặc sắc, phong phú nhất Việt Nam: Hoàng Thành Thăng Long – chùa Hương – Tam Chúc – Bái Đính – Cố đô Hoa Lư – quần thể Tràng An, đồng thời mở ra những trang mới đột phá cho ngành du lịch Việt Nam.

Theo Hoàng Hà – Quang Đức/Zing.vn