Ra mắt chương trình truyền hình đầu tiên về trò chơi dân gian Lô tô
TVshow

Ra mắt chương trình truyền hình đầu tiên về trò chơi dân gian Lô tô

Với mong muốn đưa trò chơi dân gian lô tô lên truyền hình, tạo ra một sân chơi cho các gánh lô tô và mang đến cho khán giả một món ăn tinh thần vui nhộn, hấp dẫn, công ty Truyền thông Khang phối hợp cùng với ĐTH Vĩnh Long thực hiện cuộc thi gọi lô tô đầu tiên trên sóng truyền hình: Lô tô show – Gánh hát ngàn hoa.

Đây là chương trình truyền hình đầu tiên được xây dựng từ trò chơi dân gian lô tô, có “format” mới toanh, hứa hẹn làm nên sự đột phá cho thị trường gameshow hiện nay.

Chương trình Lô tô show – Gánh hát ngàn hoa

Lô tô có nguồn gốc từ trò chơi Bingo của Ý ra đời vào thế kỷ 16, sau đó trò chơi này du nhập vào Anh, Pháp và các vùng khác của châu Âu vào thế kỷ 18. Ở Pháp, trò chơi còn được biết đến dưới tên gọi Le Lotto (hoặc Loto) và là trò chơi của giới quý tộc. Ở Đức, trò chơi này (được gọi là Tombola) được sử dụng trong thế kỷ 19 như là một công cụ giáo dục để dạy cho trẻ em về cách làm toán, chính tả và thậm chí cả lịch sử.

Gánh Dòng Thời Gian

Nguồn gốc phiên bản hiện đại của trò chơi tuy không rõ ràng, nhưng nó xuất hiện đầu tiên tại các lễ hội “carnivals” và hội chợ là vào những năm 1920. Có lẽ, trò chơi này đã theo chân người Pháp du nhập vào nước ta và những năm 1980 được xem là thời cực thịnh của lô tô ở các tỉnh miền Tây, nhất là vào mỗi dịp Tết đến Xuân về. Cứ khoảng 1 tuần trước Tết Nguyên Đán, các đoàn hội chợ, lô tô từ thành phố đổ về các tỉnh, dựng rạp ở các bãi đất trống hoặc sân vận động và kéo dài cho đến hết Tết, thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân, từ người lớn đến thanh niên và trẻ con.

Gánh Hương Nam

Với người dân ở các vùng nông thôn – nơi mà các dịch vụ giải trí vẫn còn khá khiêm tốn, lô tô từ lâu đã là trò chơi dân gian trong ngày Tết và là một là nét sinh hoạt văn hóa không thể thiếu. Và điều thú vị trong quá trình bản địa hóa trò chơi này đó là việc người rao áp dụng những chất liệu văn hóa từ dân gian như đờn ca tài tử, vọng cổ, hát vè, hát ru, ca dao tục ngữ, văn thơ, nhạc vàng cho đến những chất liệu âm nhạc hiện đại như nhạc trẻ, EDM, ca khúc hit trên thị trường… để gọi những con số, tạo nên sức hấp dẫn, vui nhộn, cũng như sự độc đáo riêng của lô tô Việt Nam.

Gánh Mạnh Quyên

Thể lệ của trò chơi này không quá phức tạp, không giới hạn số lượng người tham gia. Chỉ cần một bộ lô tô có thể dễ dàng mua ở bất cứ đâu, một manh chiếu trải dưới sân nhà, mọi người trong xóm hoặc trong một gia đình có thể vừa chơi vừa nhâm nhi đĩa mứt, gói bánh, bịch hạt dưa… Có lẽ người ta thích chơi lô tô không phải vì yếu tố thắng thua, mà chủ yếu là để tiêu khiển, để quây quần bên nhau, cùng nghe và bật cười với những lời rao hóm hỉnh…

Gánh Phương Anh

Nói về bộ môn này, cố giáo sư Trần Văn Khê từng phát biểu: “Bài chòi và lô tô không chỉ là môn giải trí đơn thuần mà còn đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân Việt, qua đó góp phần lưu truyền và gìn giữ những tục ngữ, ca dao, bài vè – được xem là những di sản văn học dân gian của dân tộc – khỏi bị mai một”.

Nói về nghệ thuật rao lô tô, phải nói đến các gánh lô tô chuyên nghiệp. Vì yêu cầu của công việc, họ luôn cập nhật và sáng tạo ra những lời rao mới, sáng tạo, sao cho thật hấp dẫn. Bởi, một đoàn hội chợ có thu hút được nhiều người đến chơi hay không là do cái tài và cái duyên của người rao lô tô. Người rao lô tô gần như là một “nghệ nhân” với lối rao đặc trưng và ngẫu hứng của từng người, cùng một con số nhưng họ có nhiều cách gọi khác nhau.

Gánh Sài Gòn Tân Thời

Tham gia tranh tài trong chương trình Lô tô show – Gánh hát ngàn hoa là 5 gánh lô tô, trụ cột trong mỗi gánh là các thành viên có thâm niên hoạt động trong nghề từ 3 – 17 năm như: gánh Phương Anh, gánh Mạnh Quyên, gánh Hương Nam, gánh Sài Gòn Tân Thời và gánh Dòng Thời Gian. 5 gánh sẽ thể hiện khả năng ca diễn theo từng chủ đề của mỗi vòng thi, trong đó phần ca gắn với việc gọi số lô tô, phần diễn thể hiện những khía cạnh khác nhau trong đời sống của các gánh.

Giám khảo Phương Thanh

Đúng như slogan của chương trình: “Vòng xoay – Xoay vòng đời”, Lô tô show – Gánh hát ngàn hoa sẽ không chỉ đưa trò chơi dân gian này lên truyền hình đại chúng mà còn giúp khán giả hiểu hơn về đời sống đầy thử thách, những vất vả, những tâm tư của những người hát lô tô và ghi nhận giá trị lao động nghệ thuật của họ.

Giám khảo Phước Lập

Chương trình bao gồm 13 tập, được chia thành nhiều chủ đề khác nhau. Tập đầu tiên là vòng thi ra mắt 5 gánh, tập thứ 2 là vòng thi thể hiện tài năng của thủ lĩnh (vedette) từng gánh, tập 3 – tập 4 là chủ đề bolero yêu cầu các gánh phải dùng nhạc bolero để gọi số, tập 5 – tập 6 có chủ đề ca dao dục ngữ với yêu cầu các gánh dùng ca dao tục ngữ để gọi số… Ứng với từng chủ đề, chương trình sẽ mời các nghệ sĩ của các lĩnh vực giải trí tham gia hỗ trợ thêm cho tiết mục dự thi của 5 gánh để tăng thêm sự hấp dẫn, sinh động.

Giám khảo Kiều Oanh

Sau 12 tập thi, 2 đội chơi xuất sắc sẽ bước vào đêm Chung kết xếp hạng để tranh danh hiệu cao nhất chương trình là “Gánh hát ngàn hoa”. Gánh đoạt giải Nhất sẽ nhận được phần thưởng trị giá 200 triệu đồng tiền mặt, giải Nhì là 80 triệu đồng, giải Ba là 60 triệu đồng, giải Tư là 50 triệu đồng và giải Năm là 30 triệu đồng. Ngoài ra, chương trình còn dành 9 giải thưởng tuần dành cho đội có số điểm cao nhất của tuần thi đó với giải thưởng là 10 triệu đồng/giải. Tổng giá trị giải thưởng là 510 triệu đồng.

Giám khảo của chương trình là NSƯT Hữu Quốc, ca sĩ Phương Thanh, danh hài Kiều Oanh, danh hài Thúy Nga, nghệ sĩ Anh Vũ, Biên tập viên – Người dẫn chương trình Phước Lập, nghệ sĩ tạp kỹ Kao Long cùng nhiều nghệ sĩ nổi tiếng khác. Đảm nhận vai trò dẫn chương trình là MC – nhà báo Trác Thúy Miêu.

Giám khảo Lô tô show: NSƯT Hữu Quốc, nghệ sĩ Anh Vũ, ca sĩ Phương Thanh và biên tập viên – Người dẫn chương trình Phước Lập

Chương trình sẽ phát sóng vào lúc 21h00 thứ Sáu hàng tuần, bắt đầu từ ngày 09/3/2018 trên kênh THVL1.