Âm nhạc Chân dung Interview

Hồ Trung Dũng – thị dân Sài Gòn chính hiệu trong âm nhạc

Bên cạnh vẻ đĩnh đạc, lịch lãm vốn có khi hát những bài tình ca, ở sản phẩm âm nhạc mới này, Hồ Trung Dũng gây nhiều bất ngờ khi trình diện một nét khác trong con người mình

*Sài Gòn của Hồ Trung Dũng

Thường đọc sách giấy thay vì ebook; thích nghe đĩa nhạc vật lý thay vì nhạc online; hay lọ mọ sưu tầm những đồ bạc, đồng; thích thủy tinh màu, không thích pha lê vì nó “trong trẻo quá”; nghiện đồ handmade vì không thứ gì giống thứ gì; những lúc rảnh vẫn đi chợ mua đồ về nấu ăn… là “đặc điểm nhận dạng” của Hồ Trung Dũng.

36 tuổi, tự nhận mình là người độc thân vui tính, thuộc về showbiz nhưng đứng ngoài showbiz, Dũng vẫn còn muốn lãng mạn và dù cuộc đời có bầm dập đến cỡ nào thì vẫn muốn yêu như lần đầu biết yêu.

Tôi nói, có cảm tưởng, Hồ Trung Dũng giống hoàng tử bé trong tác phẩm cùng tên của nhà văn Antoine de Saint-Exupéry: cô độc, thơ mộng trong tiểu tinh cầu của mình. Anh nói, anh thích đọc sách tâm lý hơn. Anh không muốn mình sống trong thế giới ảo mà những cuốn tiểu thuyết vẽ ra.

Dũng thích sống với thế giới của mình. Câu chuyện của bản thân, cũng như những người xung quanh, đã là một “tiểu tinh cầu” thú vị rồi. Dũng cười, chìa ra cuốn sách tâm lý bằng tiếng Anh đang đọc dở trong khi chờ tôi đến: The Subtle Art of Not Giving a F*ck của Mark Manson (tạm dịch: Nghệ thuật của việc “đếch” quan tâm).

Sau dự án bốn mùa, mới đây, Hồ Trung Dũng vừa trở lại với Saigon Feel – album hợp tác trong 6 năm (2012 – 2018) với Võ Thiện Thanh – vị nhạc sĩ thuộc hàng khó tính của Việt Nam. Bên cạnh vẻ đĩnh đạc, lịch lãm vốn có khi hát những bài tình ca, ở sản phẩm âm nhạc mới này, Hồ Trung Dũng gây nhiều bất ngờ, thú vị khi trình diện một nét khác trong con người mình – một Hồ Trung Dũng có chút phớt đời, khá nổi loạn và đầy ngẫu hứng; một Hồ Trung Dũng thị dân Sài Gòn chính hiệu trong âm nhạc. Anh nói: “Đây là album dành cho những người yêu jazz, yêu giọng hát Hồ Trung Dũng, yêu nhạc Võ Thiện Thanh và đặc biệt là yêu Sài Gòn”.

Jazz không khó nghe như người ta nghĩ

– Tại sao không phải là pop mà là jazz – vốn là loại nhạc hơi kén người nghe ở Việt Nam? Điều đó có đi ngược lại với phong cách bấy lâu nay của Hồ Trung Dũng?

Ca sĩ Hồ Trung Dũng: Tôi không có ý định đổi hình ảnh để làm mới mình hay gây sốc cho khán giả. Cũng chẳng phải kiểu một buổi sáng thức dậy, tự dưng muốn làm đĩa nhạc jazz. Jazz vốn là đam mê từ ngày xưa, ngay cả khi hát tình ca, ở đâu đó, Hồ Trung Dũng cũng pha một chút jazz vào rồi đấy chứ. Tôi từng ấp ủ sẽ làm một điều gì đó với jazz nhưng chưa tìm được người phù hợp để hợp tác, cho tới khi gặp anh Võ Thiện Thanh vào sáu năm trước thì mọi thứ trở nên dễ hình dung hơn.

Đúng là ở Việt Nam, đây là dòng nhạc kén người nghe, song điều đó không có nghĩa chúng ta không có khán giả trong dòng nhạc này. Tất nhiên, ở Việt Nam thời điểm này, để làm một album nhạc jazz có rất nhiều khó khăn nhưng không vì thế mà tôi bỏ cuộc. Tôi muốn làm với tinh thần của một người Sài Gòn. Vì thế, tên của album này mới là Saigon Feel.

Đó là sự kết hợp của hai người đàn ông đến từ Sài Gòn, với những ca khúc viết cho Sài Gòn, với cách thể hiện rất Sài Gòn. Tôi nghĩ, hình ảnh trong album này không đối lập với con người mình nhưng gần như là khác biệt so với những sản phẩm mình đã đưa ra trước đó.

– Thường thì để làm một album, người ta mất khoảng nửa năm, một năm, cùng lắm là hai năm. Sao Saigon Feel lại mất tới sáu năm?

Với nhạc pop, tâm trạng ra sao mình cũng hát được nhưng riêng jazz, từ người sáng tác, hòa âm phối khí tới người hát, phải đúng tâm trạng mới làm được. Có thể nói, đây là album khó nhất, gây mệt mỏi nhất mà cũng tạo hưng phấn nhất mà chúng tôi từng làm.

Lý do có lẽ bởi cả tôi và anh Thanh đều theo đuổi chủ nghĩa hoàn hảo nên muốn sản phẩm công bố tới khán giả phải chỉn chu nhất có thể. Trong quá trình làm, chúng tôi cũng có những tranh luận khá căng thẳng, có những ca khúc thu xong rồi bỏ ra không đưa vào album, cũng có những khoảng thời gian im lìm quá lâu, tôi lo lắng không biết sản phẩm này có xong không.

Để rồi, khi hoàn thành mới nói, thực ra điểm rơi của album này có thể nói là gần như hoàn hảo; bởi đến giờ phút này, so với sáu năm trước, cả tôi và anh Thanh đều cảm thấy tôi trưởng thành hơn trong cách hát của mình. Và cảm động nhất là khi thu xong bài hát cuối cùng, anh Thanh cảm ơn tôi. Anh ấy nói: “Cảm ơn vì nếu không có em, có lẽ sẽ không bao giờ anh làm được album này. Ở Việt Nam, không có ai hát jazz theo kiểu mà anh thích”.

– Nhưng nói gì thì nói, jazz vẫn là dòng nhạc thử thách tai nghe của công chúng Việt Nam. Anh không ngại gì thật sao?

Mọi người hay có ấn tượng xấu với jazz và cho rằng jazz rất khó nghe. Không đúng. Ngoài jazz cổ điển, cũng có những ca khúc dễ nghe, tùy lựa chọn của mỗi người. Jazz trong album này không phải là jazz nguyên bản mà đã được hiện đại hóa, mang tính phổ thông nhiều hơn bằng cách “mix” nhiều thứ khác vào đó như pop, R&B… nhưng không vì thế mà mất đi chất của jazz.

Saigon Feel có sự tính toán khá kỹ lưỡng của hai anh em. Nó mới nhưng không bị chói tai mà đủ mới để thấy thú vị. Album có chín ca khúc, trong đó một nửa là ca khúc cũ, nửa còn lại là những sáng tác mới của Võ Thiện Thanh. Ngay cả những ca khúc cũ như Xích lô, Quán cóc, Tình 2000 trước đây chưa từng được “khoác” áo nhạc jazz thì giờ cũng được hòa âm, phối khí lại theo phong cách này, với một tinh thần rất Sài Gòn. Có những bài lãng đãng, buồn buồn, cũng có những bài sôi động theo kiểu của Hồ Trung Dũng.

Biết cảm nhận cả mặt tốt và mặt xấu của bản thân

27 tuổi mới đi hát, chắc tôi là người đi hát trễ nhất… trên đời này. Nhưng càng về sau, tôi càng thấy biết ơn cuộc đời đã sắp xếp cho mình như vậy. Tôi không thể nói: “Ước gì quay lại 16 tuổi để đi hát”. Nếu quay lại thật, chưa chắc mình đã chọn hát làm nghiệp.

Ở tuổi 27, tôi biết rõ mình muốn gì, cái gì là quan trọng với mình. Từ khi đi hát tới nay mới chín năm thôi nhưng có rất nhiều ngày tôi tự đấu tranh với bản thân. Nếu bắt đầu ở tuổi 20, có lẽ tôi đã đi một con đường khác, ngược với bản chất của mình. Ví dụ, chọn hát những ca khúc lời lẽ không cần có ý nghĩa, dễ nhớ, dễ thuộc hoặc làm những thứ gây sốc, hoặc bám vào ai đó để kéo mình lên… 27 tuổi, nghe người ta khuyên như vậy, tôi rùng mình, không làm được.

Giờ đây, tôi biết chấp nhận tất cả những mặt tốt lẫn xấu của mình. Tôi nghĩ, sự trưởng thành và giá trị của một con người không nằm ở việc mình cảm thấy tự tin cỡ nào về những ưu điểm của bản thân mà là sự dũng cảm thừa nhận những mặt xấu của mình để có thể trưng ra cho mọi người thấy. Đó là định nghĩa về sự trưởng thành của tôi.

Bài học lớn nhất cho tới bây giờ tôi có thể rút ra là hãy chấp nhận bản thân với tất cả những gì vốn có.

Ca sĩ Hồ Trung Dũng

*Có một Sài Gòn khác

– Người ta hay nói Hà Nội mới là mảnh đất của tình ca, của những gì lãng đãng nhưng qua những gì anh nói, tôi hình dung Sài Gòn cũng thơ mộng không kém…

Thành phố nào cũng có những khoảnh khắc lãng đãng của nó. Chẳng hạn, tôi thích nhất Sài Gòn lúc trời mưa hoặc lúc lá me, hoa điệp… rơi đầy. Nét lãng đãng của thành phố này không phải ở vẻ cổ kính, thâm trầm, cũ kỹ như Hà Nội mà lãng đãng ngay trong sự hối hả, cuống quýt, ào ào của nó. Sài Gòn có gần như mọi thứ mà mọi người đi tìm.

Trong album có một ca khúc ban đầu chúng tôi dự định làm chủ đề của album – Sài Gòn có mùa thu. Người ta hay nói mùa thu Hà Nội, ít ai nói mùa thu Sài Gòn. Mùa thu Sài Gòn cũng có nhưng phải tinh tế hơn rất nhiều mới cảm nhận được. Đó là cách mà tôi và anh Võ Thiện Thanh cảm nhận về mảnh đất này. Anh Thanh trong mắt tôi là một nhạc sĩ thành thị của Sài Gòn. Thành thị nhưng lại bình dân, không hề kiêu kỳ. Cá tính của Sài Gòn là ở đó.

– Võ Thiện Thanh là nhạc sĩ thị dân Sài Gòn. Hồ Trung Dũng trong album này hiện lên với tư cách gì?

Chắc cũng là ca sĩ thị dân Sài Gòn chăng (cười). Ở Hà Nội, người ta hay nói câu, sinh ra mấy đời mới là người Hà Nội gốc. Sài Gòn đơn giản hơn nhiều. Chỉ cần bạn sinh ra và lớn lên tại đây, bạn đã là người Sài Gòn.

Tôi cảm nhận mình yêu Sài Gòn 100%, yêu cả lúc mệt mỏi muốn trốn chạy. Đi rồi, nhớ chịu không nổi, lại háo hức quay về. Để rồi, mỗi lần máy bay đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhất, chợt thấy sung sướng và thân thương một cách kỳ lạ.

Hồ Trung Dũng với nhạc sĩ Võ Thiện Thanh

*Chỉ sợ không còn lãng mạn được nữa

– Nhìn con đường anh đi, cách anh suy tư về cuộc sống, có cảm giác Hồ Trung Dũng thuộc về showbiz nhưng đứng ngoài showbiz. Khoái cảm của một người đứng ở ranh giới đó ra sao?

Từ xưa tới giờ, ai cũng nghĩ Hồ Trung Dũng đằm tính nhưng thực ra tôi nổi loạn ngầm. Nổi loạn không phải là phá bĩnh, gây gổ mà theo kiểu tôi không thích làm những chuyện mà người khác làm. Khi tôi không thể làm được cái mình thích, buộc phải theo mọi người, tôi sẽ đánh mất con người nghệ sĩ của mình. Khi đó, tôi giống một nhà kinh doanh hơn là nghệ sĩ.

Cũng có những lúc tôi tự hỏi liệu mình có đứng ngoài showbiz không, có bị ngược đời quá hay không. Nhưng xem đoạn phỏng vấn những nghệ sĩ quốc tế mà mình ngưỡng mộ, tôi nhận ra mình không một mình, rằng nhiều nghệ sĩ trên thế giới cũng vậy.

– Mỗi ngày sống và hát có ý nghĩa như thế nào trên con đường trưởng thành của Hồ Trung Dũng?

Không có một công thức nào cụ thể. Nó luôn là quá trình làm việc, nhìn lại và tiếp tục cho bước tiếp theo. Sự phát triển về nghề giờ đi liền với sự phát triển cá nhân, tâm thức, tình cảm. Âm nhạc không chỉ là sự nghiệp, giúp tôi kiếm tiền mà còn là cách để khán giả hiểu Hồ Trung Dũng bây giờ đang ở đâu, là ai trong chính nội tại con người Hồ Trung Dũng.

Giờ đây, tôi không ngồi kể chuyện tôi là ai nữa, cũng không kể hôm qua tôi buồn ra sao, nhưng thông qua tiếng hát của tôi, mọi người có thể cảm nhận được Hồ Trung Dũng đã buồn và đã đi qua như thế nào, để rồi qua âm nhạc, mọi người hiểu nhau hơn.

– Có lần tôi từng thắc mắc với bạn thế này: Hồ Trung Dũng có giọng đẹp, ngoại hình sáng sân khấu, không hiểu vì sao không nổi tiếng. Phải chăng, sự nổi tiếng đã bỏ quên anh?

Sự nổi tiếng trong nghề này nằm ngoài tầm tay của mình. Nó chỉ phụ thuộc từ 20-30% điều mình làm mà thôi. Tôi không nói sự nổi tiếng không quan trọng, nhưng tôi không bao giờ đặt nó lên hàng đầu. Trong những điều mình làm, tôi luôn làm sao để có thể nhìn ra mình, nhớ ra mình…

Tôi không bao giờ nghĩ sự nổi tiếng bỏ quên Hồ Trung Dũng bởi nói như vậy nghe có vẻ vô ơn với tổ nghiệp. Tôi nghĩ, cuộc đời đã rất ưu ái mình. Tôi bước vào nghề này từ con số 0, không được học hành bài bản mà vẫn được nhiều người nhớ đến, đã là một may mắn. Nhờ âm nhạc, tôi có một cuộc sống đầy đủ, thậm chí dư dả để tái đầu tư làm những gì mình thích, nên không thể nói sự nổi tiếng bỏ quên mình.

Ai chọn dòng nhạc này phải hiểu và chấp nhận, mình không thể có tất cả. Ngày xưa, dòng nhạc gắn bó với tôi là dòng nhạc của đại đa số công chúng nhưng hiện tại không phải vậy. Mình cứ làm những gì mình có thể làm tốt nhất, trung thành với con đường mình chọn… Tôi hy vọng, với sự nỗ lực của mình, một ngày nào đó, tôi sẽ chinh phục được nhiều khán giả hơn.

– Anh có nghĩ, mình bị kẹt lại trong sự mơ mộng nào đó của cuộc đời?

Có lẽ là có. Đến giờ phút này, có những lúc, cuộc đời đạp xuống không biết bao nhiêu lần nhưng tôi vẫn muốn giữ lý tưởng, sự lãng mạn, mơ mộng đó đến cùng. Chỉ sợ một ngày mở mắt ra mình không còn lãng mạn nữa.

– Cảm ơn anh đã chia sẻ!.

Theo Đậu Dung/Phunuonline.com.vn