Trong hơn 20 lần thám hiểm đến Nam Cực, nhiếp ảnh gia Sue Flood đã dành nhiều thời gian tìm hiểu và chụp ảnh loài chim cánh cụt hoàng đế ở nơi đây.
Thời tiết khắc nghiệt lạnh tới âm 50 độ C cản trở nhiếp ảnh gia Sue Flood rất nhiều trong quá trình thám hiểm và ghi lại hình ảnh của loài chim cánh cụt hoàng đế sinh sống tại Nam Cực.
Bộ ảnh đàn chim cánh cụt được Mail Daily đăng tải là một phần trong cuốn sách viết về Nam Cực của Sue. Trong tác phẩm này, nhiếp ảnh gia chia sẻ về sự ngạc nhiên khi tận mắt thấy kích thước thật của những chú chim cánh cụt lạch bạch. Ngoài đời, chúng to hơn rất nhiều so với tưởng tượng. Con chim trưởng thành có chiều cao trung bình là 1,3 m.
Những bức hình về đàn chim cánh cụt được nữ nhiếp ảnh gia tài ba chụp chủ yếu tại vùng biển Weddell và Ross ở Nam Cực, địa điểm xa xôi và vô cùng nguy hiểm.
Chim cánh cụt hoàng đế là loài vật có kích thước lớn nhất trong 17 loài chim cánh cụt. Chúng không bao giờ sống ở đất liền, cả đàn thường kiếm ăn trên các biển băng.
Loài động vật có vẻ ngoài đáng yêu này có thể tồn tại trong điều kiện khắc nghiệt nhất hành tinh. Theo ghi nhận của Sue Flood, nhiệt độ vào mùa đông ở Nam Cực xuống tới âm 50 độ C và mức gió đạt đến hơn 150 km/h. Con người rất khó sinh sống dưới thời tiết lạnh như vậy, nhưng đó lại là điều kiện sống lý tưởng với loài chim này.
Ở Nam Cực, băng bắt đầu tan từ tháng 12 đến tháng 1 năm sau, đây là lúc đàn cánh cụt di cư khỏi lãnh thổ của mình. Những chú chim cánh cụt mới lớn sẽ được tách riêng khỏi đàn khi chúng khoảng 5 tháng tuổi. Lúc này, bộ lông xám mượt mà từ ngày bé của chúng sẽ được thay thế bởi bộ lông đen tuyền của những chú chim trưởng thành.
Sue Flood đã ghi lại hình ảnh một chú chim cánh cụt đang dần thay lông. Vẻ ngoài đáng yêu sắp sửa được thay thế bởi thân hình cao lớn, với chiếc mỏ dài, bộ lông đen óng pha vàng.
Trước khi băng tan, những con chim trưởng thành sẽ kéo đàn đi kiếm thức ăn dự trữ cho mùa di cư. Trong hình là khoảnh khắc tình cảm của chim cánh cụt mẹ đang che chở cho đứa con bé nhỏ khỏi gió lạnh của Nam Cực.
Ngoài cách di chuyển lạch bạch, đàn chim cánh cụt thường đi bằng bụng trên băng tuyết. Cả đàn chim béo tròn lắc lư trên tuyết trắng tạo thành khung cảnh vô cùng đáng yêu.
Nam Cực được coi là vùng đất dành riêng cho những đàn cánh cụt. Loài động vật hoang dã với vẻ ngoài đáng yêu này luôn là nguồn cảm hứng của mọi nhà thám hiểm và các nhiếp ảnh gia.
Theo Bích Phương/Zing.vn