Du lịch

Cảnh đường chân trời ở 7 thành phố lớn trên thế giới thay đổi ra sao?

So sánh các ảnh xưa và nay chụp cùng góc độ, bạn sẽ nhận thấy khung cảnh đường chân trời ở các thành phố lớn trên thế giới đã thay đổi “chóng mặt” với tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ.

London (Anh): Khu vực Westminster ở trung tâm thủ đô London cuối những năm 1920. Sông Thames mềm mại uốn lượn chảy qua thành phố được xem là dòng sông quan trọng nhất nước Anh. Hai bên bờ sông có nhiều công trình nổi tiếng của “xứ sở sương mù” như tháp đồng hồ Big Ben, cung điện Westminster, cung điện Buckingham… Ảnh: Wikimedia Commons.
Cảnh quan đường chân trời ở London sau gần trăm năm không quá thay đổi, song lại xuất hiện một điểm nhấn kiến trúc đáng chú ý là vòng quay khổng lồ London Eye. Ra mắt vào năm 2000, vòng quay cao 135 m này hiện là điểm du lịch hút khách bậc nhất nước Anh, được xem như biểu tượng mới của London hiện đại. Ảnh: Kimpton.
Paris (Pháp): Đường chân trời của “kinh thành ánh sáng” nhìn từ ban công tháp Eiffel. Ảnh trắng đen này chụp năm 1889, khi tháp bắt đầu được xây dựng nhân kỷ niệm 100 năm Cách mạng Pháp. Liên tục trong gần nửa thế kỷ, tháp Eiffel giữ kỷ lục là công trình cao nhất thế giới. Ảnh: Neurdein.
Khu vực trung tâm thủ đô Paris ngày nay đông đúc hơn hẳn, song hầu như không có nhà cao tầng trong vùng lõi đô thị. Nhờ thế, cảnh quan kiến trúc của thành phố xinh đẹp này được bảo tồn, dường như không bị phá vỡ. Dòng sông Seine thơ mộng vẫn là niềm cảm hứng lãng mạn của rất nhiều du khách khi ghé thăm Paris. Ảnh: VogelSP.
New York (Mỹ): Đường chân trời của thành phố New York nhìn từ phía cầu Brooklyn, chụp năm 1964. Hoàn thành năm 1883, cầu Brooklyn bắc qua sông East, nối quận Manhattan với quận Brooklyn của New York là một trong những địa điểm nổi tiếng, tráng lệ nhất ở thành phố này, nơi có thể cho bạn một tầm nhìn tuyệt đẹp. Ảnh: AP Photo.
Sau gần 6 thập kỷ, cũng góc nhìn từ cầu Brooklyn, bạn có thể nhận thấy cảnh đường chân trời của New York đã có nhiều thay đổi. Công trình cao nhất trong ảnh là Trung tâm thương mại Một thế giới, còn gọi là Tháp Tự do, cũng là tòa nhà cao nhất nước Mỹ. Vị trí tọa lạc của tháp vốn là Trung tâm thương mại Thế giới cũ, từng bị tấn công khủng bố ngày 11/9/2001. Ảnh: Sangaku.
Sydney (Australia): Từ cầu cảng Sydney, bạn có thể nhìn thấy đường chân trời của thành phố. Trong ảnh là diện mạo Sydney vào những năm 1930. Ảnh: Fred Yates.
Gần một thế kỷ sau, cảnh quan đường chân trời của Sydney đã phát triển đáng kể với một loạt các tòa nhà cao tầng được xây dựng lên. Vài công trình trong số đó giữ các kỷ lục kiến trúc ở nước này. Sydney có diện tích khoảng hơn 26 km2, hiện được xem là thành phố toàn cầu hàng đầu của Australia, cũng là thành phố đông dân nhất “xứ sở chuột túi”. Ảnh: Klaus Hollitzer.
Rio de Janeiro (Brazil): Một bức ảnh thú vị về Rio de Janeiro – không chỉ được ghi lại từ tầm nhìn tuyệt đẹp của thành phố, mà còn cho thấy khoảnh khắc tượng Chúa Cứu Thế đang được xây dựng trên đỉnh núi Corcovado trong những năm 1930. Tượng tạc theo phong cách Art Deco, cao 30 m, sải tay dài 28 m, hiện là điểm du lịch nổi tiếng thế giới. Ảnh: Imgur.
Biển, núi, rừng tạo nên nhiều nét đặc trưng cho thành phố Rio de Janeiro sôi động, đầy màu sắc của Brazil nói riêng và Nam Mỹ nói chung. Từng là trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa của “đất nước Samba”, cơ sở hạ tầng của Rio có sự phát triển mạnh mẽ. Nơi đây cũng là một trong những thành phố đông dân nhất châu lục. Ảnh: Barichivich.
Thượng Hải (Trung Quốc): Trong ảnh là khu Phố Đông của Thượng Hải năm 1987. Thời điểm này, dù vẫn có nét sầm uất, nhộn nhịp, song nơi đây chưa thật sự “chuyển mình” để bước vào một giai đoạn phát triển mới. Ảnh: Carlos Barria.
Không khó để nhận ra những đổi thay ngoạn mục của Thượng Hải ở 3 thập kỷ sau. Các tòa nhà chọc trời như Tháp truyền hình Minh Châu Phương Đông, Trung tâm Tài chính thế giới Thượng Hải, Tháp Thượng Hải… khiến khung cảnh đường chân trời ở đây “khoác lên” diện mạo hoàn toàn mới mẻ, xứng tầm với tốc độ phát triển kinh tế. Ảnh: Carlos Barria.
Toronto (Canada): Vào đầu những năm 1930, tòa nhà cao nhất ở Toronto chỉ khoảng 34 tầng. Nhìn vào khung cảnh đường chân trời của thành phố bên hồ Ontario, có lẽ bạn sẽ cảm thấy một chút gì đó hơi… buồn tẻ. Ảnh: Derek Flack.
Tuy nhiên, diện mạo Toronto ngày nay đã đổi khác với những công trình kiến trúc sáng tạo, đầy tham vọng, chẳng hạn như Tháp CN cao hơn 550 m, được xem là biểu tượng của thành phố, hay sân vận động đa năng Rogers Center. Toronto hiện là thành phố lớn nhất của Canada, có thành phần dân nhập cư đông đảo. Vì vậy, nơi đây là một trong những thành phố đa văn hóa nhất thế giới, có đến 140 ngôn ngữ được sử dụng. Ảnh: Wikimedia Commons.

Theo Zing.vn