Nhiều ý kiến cho rằng quảng cáo trong Táo Quân là tất yếu, nhưng cũng nên có chừng mực, nhất là khi sử dụng chính lời thoại của diễn viên.
Như thành thông lệ, Táo Quân – chương trình hài kịch truyền hình được nhiều người chờ đợi – đã lên sóng VTV vào tối 30 Tết (4/2). Ngay sau khi phát sóng, Táo Quân là một những chủ đề được bàn tán sôi nổi trên mạng xã hội, và nhanh chóng trở thành từ khóa được tìm kiếm phổ biến nhất ngày đầu năm Kỷ Hợi.
Táo Quân 2019 bị phản ứng vì quảng cáo lộ liễu.
Khác với mọi năm, Táo Quân 2019 không chỉ nhận những phản hồi liên quan đến chuyện “hay – dở” hay “mặn – nhạt”, chương trình năm nay còn gây tranh cãi khi quảng cáo cho nhiều doanh nghiệp, nhãn hàng bằng chính nội dung kịch bản và lời thoại của nhân vật.
Nhiều ý kiến cho rằng quảng cáo như vậy lộ liễu, phản cảm. Tuy nhiên, cũng có người nhận định thương mại hóa chương trình truyền hình là xu hướng tất yếu, Táo Quân không ngoại lệ.
VTV kiếm được bao nhiêu tiền từ Táo Quân?
Theo báo cáo từ hệ thống đo lường định lượng khán giả Việt Nam, nhiều năm nay Táo Quân là chương trình có rating cao nhất trên sóng VTV dịp Tết Nguyên đán, đặc biệt ở khu vực miền Bắc. Do vậy, việc nhãn hàng, doanh nghiệp săn đón sóng giờ vàng Táo Quân là điều tất yếu khách quan.
Từ cuối năm 2018, Trung tâm Quảng cáo và Dịch vụ Truyền hình (TVAd), thuộc Đài truyền hình Việt Nam (VTV) đã đưa ra bảng giá quảng cáo trong chương trình Táo quân 2019. Theo đó, mức giá tối thiểu cho một block quảng cáo trong chương trình là 265 triệu đồng với thời lượng 10 giây. Trong khi đó, mức giá quảng cáo cao nhất với một block kéo dài 30 giây lên tới 530 triệu đồng.
Như vậy, chỉ với 10 phút bán quảng cáo trong thời gian phát sóng Táo Quân 2019, VTV đã thu được khoảng 10,6 tỷ đồng. Đó là chưa kể khung quảng cáo trước thềm phát sóng.
Thế nhưng, đáng nói, hình thức quảng cáo hiện nay tương đối đa dạng. Táo Quân 2019 không chỉ có quảng cáo xen vào chương trình như thông thường. Năm nay, chương trình đẩy mạnh quảng cáo bằng chính nội dung kịch bản.
Ngoài vài phút dành cho chương trình quảng cáo mỗi khi phát sóng được khoảng 30-45 phút, Táo Quân 2019 đã sử dụng lời thoại của chính các diễn viên thông qua nhân vật để quảng cáo cho nhãn hàng thời trang, mua bán trên mạng, hãng hàng không, ứng dụng ngân hàng, xe máy điện…
Trong thời lượng khoảng 2 tiếng, 30 phút, đã có nhiều hơn 5 thương hiệu đã xuất hiện trong Táo Quân.
Trong thời lượng khoảng 2 tiếng, 30 phút, hơn 5 thương hiệu đã xuất hiện trong Táo Quân với tên sản phẩm, điểm mạnh, thậm chí cả slogan của doanh nghiệp, nhãn hàng. Chính sự dày đặc của hình thức quảng cáo này mới là nguyên do sự phản ứng của khán giả.
Trên mạng xã hội, nhiều ý kiến “đổ tội” cho đạo diễn và diễn viên về sự ngập tràn quảng cáo trong Táo Quân. Tuy nhiên, một thành viên ê-kíp xác nhận với Zing.vn về việc toàn bộ quảng cáo dù bằng lời thoại cũng đều xuất phát từ Trung tâm Quảng cáo và Dịch vụ truyền hình của VTV. Ê-kíp sản xuất Táo Quân, đôi khi cũng chỉ là bộ phận thực hiện.
Không có một tiết lộ chính thức về chi phí mà doanh nghiệp phải trả khi quảng cáo bằng chính nội dung kịch bản chương trình, nhưng ai cũng biết VTV đã có doanh số không nhỏ, nếu không muốn nói là “khủng” từ buổi chầu của các Táo.
Quảng cáo có ảnh hưởng đến nội dung?
Trao đổi với Zing.vn vào trưa mùng 1 Tết, diễn viên Trung Ruồi – người có lời thoại quảng cáo trong Táo Quân – khẳng định việc quảng cáo không ảnh hưởng đến nội dung chương trình năm nay.
“Thực ra việc quảng cáo có cũng được mà không có cũng không sao, nghĩa là nó không ảnh hưởng đến ý đồ của đạo diễn và nội dung của biên kịch. Tôi thấy vô thưởng, vô phạt”, anh nhấn mạnh.
Theo Trung Ruồi, VTV là một đài lớn, do vậy quảng cáo là khó tránh. Tuy nhiên, nếu xét mặt lợi, quảng cáo cũng sẽ giúp chương trình được đầu tư hơn.
“Như mọi người thấy, năm nay sân khấu và trang phục rất đẹp, rồi còn cát-xê diễn viên, tiền ăn uống tập luyện, cũng cần rất nhiều chi phí. Huống hồ, các thương hiệu đó cũng không xấu, không phải bia hay rượu”, “Phó Thiên Lôi” nhấn mạnh.
Trung Ruồi cho biết thực tế khi buổi ghi hình kết thúc vào lúc 1h sáng, các diễn viên mới ở lại đến 3-4h sáng để quay các lời thoại quảng cáo.
Trước thắc mắc của phóng viên về việc buổi ghi hình không hề có quảng cáo, Trung Ruồi cho biết thực tế khi buổi ghi hình kết thúc vào lúc 1h sáng, các diễn viên đã ở lại đến 3-4h sáng để quay thêm quảng cáo.
“Nếu quảng cáo luôn trong buổi ghi hình sẽ làm chùng không khí của người xem, do vậy phải đợi mọi người về hết rồi, chúng tôi mới ở lại quay”, nam diễn viên cho hay.
Tuy vậy, có ý kiến cho rằng việc quảng cáo bằng lời thoại chắc chắn ảnh hưởng đến nội dung. “Sự xuất hiện của tên nhãn hàng trong lời thoại sẽ làm khán giả thấy gượng. Đó là còn chưa kể đến yếu tố minh bạch. Giả như doanh nghiệp đó có sai phạm, Táo Quân sẽ e ngại, không đả kích vì họ đã mua quảng cáo”, khán giả Quang Huy (30 tuổi, Bắc Ninh) bày tỏ.
Lộ liễu, phản cảm hay xu hướng tất yếu?
Thực tế, Táo Quân không phải là chương trình duy nhất có quảng cáo bằng nội dung kịch bản. Năm vừa qua, hình thức quảng cáo này bùng nổ ở phim truyền hình, đặc biệt là những phim do VFC sản xuất (VFC cũng là đơn vị thực hiện Táo Quân). Tuy nhiên, cũng nhiều phim bị phản ứng vì quảng cáo lộ liễu, phản cảm bằng lời thoại, đơn cử như Tình khúc Bạch Dương.
Về hình thức quảng cáo này, đạo diễn Trần Lực từng bày tỏ với Zing.vn rằng phim truyền hình hay chương trình hài kịch truyền hình, trong xu hướng hiện nay, về cơ bản phải bán được quảng cáo. Yêu cầu này ngày càng cao.
Trong khi đó NSƯT, đạo diễn Đỗ Thanh Hải – giám đốc Trung tâm Sản xuất phim truyền hình, Đài truyền hình Việt Nam (VFC) từng khẳng định: “Trước đây chúng ta có suy nghĩ truyền hình là nhận tiền từ nhà nước, nhưng rõ ràng hiện nay truyền hình cũng là ngành phát triển”.
Theo đạo diễn Đỗ Thanh Hải, việc quảng cáo trong điện ảnh, truyền hình là một xu hướng tất yếu. Doanh thu từ quảng cáo giúp tái đầu tư, tái sản xuất. Nhưng anh khẳng định, “quảng cáo như thế nào để không thô, không gượng, là một bài toán đặt ra cho những người thực hiện”.
Táo Quân trở thành từ khóa được tìm kiếm phổ biến nhất ngày đầu năm Kỷ Hợi.
Trao đổi với Zing.vn, một chuyên gia truyền hình, chuyên giảng dạy về phát thanh – truyền hình cũng khẳng định thương mại là xu thế tất yếu, giúp truyền hình phát triển.
“Thế nhưng, tôi cũng hoàn toàn hiểu tại sao khán giả lại phản ứng với quảng cáo trong Táo Quân. Rõ ràng, chương trình đã quảng cáo nhiều hơn mức có thể, lại dày đặc với cả hai hình thức quảng cáo xen kẽ, và quảng cáo bằng chính nội dung”, nữ chuyên gia phân tích.
Chuyên gia lĩnh vực truyền hình này cũng nêu quan điểm: “Cái gì cũng cần có chừng mực, đừng tham lam quá. Táo Quân là chương trình văn hóa, có ý nghĩa cộng đồng rất lớn. Lạm dụng quảng cáo sẽ thành mất thiện cảm, mất đi sự yêu mến của công chúng”.
Theo Quang Đức/Zing.vn