360 độ Giải trí Văn hóa - Đời sống - Ẩm thực

Câu chuyện cuộc sống: Cẩn trọng khi nói với con trẻ

‘Câu chuyện cuộc sống’ tuần này tiếp tục lên sóng chia sẻ với những câu chuyện: Khi vợ chồng có tính tự ái cao, cẩn trọng khi nói với con trẻ và cách sòng phẳng tài chính ở người trẻ.

Sòng phẳng tài chính ở người trẻ

Với nhiều người trẻ, cách sống sòng phẳng trong tiền bạc giúp mọi thứ rõ ràng công bằng, không tạo ra áp lực cho bất kỳ ai. Người trẻ thường chi tiêu theo cảm xúc, điều này mang lại nhiều hệ lụy về tài chính.  Sống sòng phẳng trong tiền bạc giúp chúng ta hiểu, biết cách quản lý chi tiêu cá nhân và có kế hoạch kiểm soát tài chính của bản thân. Người sòng phẳng là người hiểu được giá trị đồng tiền của bản thân và những người xung quanh, họ tôn trọng và sử dụng tài chính vào đúng người đúng việc.

Tiến sĩ Xã hội học Phạm Thị Thúy – Học viện Hành chính Quốc gia Phân viện tại TP.HCM cho biết, sự sòng phẳng giúp cho mối quan hệ được duy trì lâu dài. Chúng ta cần hiểu thời điểm nào chúng ta nên sòng phẳng với nhau. Trong bất kì trường hợp nào đều chia sẻ thì không nên, các mối quan hệ thân thuộc như vợ chồng, anh chị, cha mẹ thỉnh thoảng mời nhau bữa cơm, ly nước là chuyện bình thường, chúng ta không nên xét đoán quá. Nhưng sự minh bạch rõ ràng ngay từ lúc bắt đầu giữa các mối quan hệ là điều cần thiết, chúng ta nên thống nhất với đối phương về chuyện tiền bạc rõ ràng. Điều này giúp mối quan hệ trở nên tốt đẹp hơnchuyên gia chia sẻ.

Cách sống sòng phẳng không chỉ vì lợi ích của bản thân, đồng thời bảo vệ và duy trì mối quan hệ lâu dài hơn. Bởi cuộc sống hiện đại mỗi người đều có những áp lực riêng về tài chính, sòng phẳng là cách chúng ta gỡ bỏ cho bản thân và những người xung quanh những gánh nặng không cần. Tuy nhiên chúng ta không cần thể hiện sự sòng phẳng theo cách ăn bằng chia đủ đối với người thân, nên là sự sẻ chia gánh vác cùng nhau.

Cẩn trọng khi nói với con trẻ

Trẻ con vốn dĩ hồn nhiên trong sáng, nên đôi khi những câu nói đùa của người lớn tưởng chừng như vô hại nhưng lại khiến trẻ suy nghĩ và hằn vào tâm lý, khiến suy nghĩ của trẻ ít nhiều bị ảnh hưởng. Có thể nói những hành vi lời nói của người lớn như một tấm gương phản chiếu vào tâm hồn trẻ con có sức ảnh hưởng và tác động không nhỏ.

Chuyên gia tâm lý trị liệu Phạm Thị Ngọc Trâm cho biết, người lớn thường đùa với con trẻ bằng những lời nói “Con sắp có em rồi, con sắp bị ra rìa rồi” hay “Sao con nhìn không giống ba mẹ, con chắc được lượm từ thùng rác”,… hoặc những hành động so sánh con trẻ với những đứa trẻ khác. Điều này vô tình làm tổn thương tâm hồn của trẻ, ảnh hưởng đến tâm sinh lý của trẻ dẫn đến những tác hại nghiêm trọng đến hành vi của trẻ trên đời sống. “Những câu nói đó mỗi ngày sẽ tích tụ lại bên trong tiềm thức của đứa trẻ đó. Não bộ của trẻ không phân biệt đâu là lời nói đùa đâu là nói thật, khi trẻ nghe những câu nói đó từng ngày trẻ mặc định đó chính là lời nói thật khiến trẻ suy nghĩ tự ti về bản thân, mặc cảm nhận thấy bản thân không có giá trị, không xứng đáng được yêu thương. Trẻ dần mất đi sự kết nối với gia đình, thu mình lại, dẫn đến trẻ có thể rơi vào trầm cảm”.

Người lớn là tấm gương để con trẻ noi theo, khi trẻ nhận được những điều tích cực từ người lớn trẻ cũng sẽ tiếp thu và học hỏi những điều đó. Và đặc biệt khi cha mẹ luôn đồng hành, trò chuyện cùng con mỗi ngày, con trẻ sẽ cảm nhận được cảm giác an toàn và luôn sẵn sàng cởi mở cùng cha mẹ khi có bất kỳ khó khăn nào. Trẻ con đơn giản và luôn muốn nhận được tình yêu thương từ người thân, nếu người lớn thật sự muốn trẻ phát triển lành mạnh, tránh xa những điều tiêu cực, người lớn cần cẩn trọng hơn trong lời nói khi giao tiếp với trẻ không chỉ ở trong gia đình mà cả những người xung quanh. Khi trẻ được quan tâm hỏi han đúng cách sẽ giúp các em phát triển một cách lành mạnh và toàn diện nhất.

Khi vợ chồng có tính tự ái cao

Nhiều cặp vợ chồng hiện nay mệt mỏi áp lực khi nửa kia là người tự ái cao. Bất kỳ vấn đề nào dù nhỏ, đối với người tự ái cũng bị xé ra to, họ khó lắng nghe sự góp ý, chia sẻ từ người khác. Vợ hay chồng có tính tự ai cao dễ dẫn đến sự mặc cảm, tự ti, bất đồng và thậm chí họ sẽ đưa ra những quyết định sai lầm dẫn đến những ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống hôn nhân.

Thạc sĩ Lê Thị Minh Hoa – chuyên gia Tâm lý cho biết, những người có tính tự ái cao hành xử dựa theo cảm xúc rất nhiều, họ thường không đủ lý trí để kiểm soát hành động và nói lời cư xử cho đúng mực. Họ luôn cảm thấy mình là nạn nhân, luôn dằn vặt mình cho rằng bản thân là người đau khổ nhất. Đồng thời hành động và lời nói của họ khiến người đối diện cảm thấy áp lực, tổn thương. Đối với người thân trong gia đình điều này dẫn đến nhưng sự bất hòa và mang lại bầu không khí không vui vẻ trong nhà.

“Khi muốn sửa và thay đổi, trước hết bạn cần hiểu cảm xúc của bản thân, mình tự ái về vấn đề gì? Có người tự ái về năng lực, thái độ hay bất kỳ vấn đề nào đó, đồng thời cần học cách buông bỏ. Khi ai đụng chạm vào vấn đề nào đó gây ảnh hưởng đến cảm nhận của bản thân, hãy nhận ra giá trị của bản thân. Mình mạnh ở điểm nào hãy phát triển nó, lâu dần chúng ta sẽ khắc phục được nó. Bao dung với bản thân mình và với mọi người xung quanh, đôi khi trong các mối quan hệ những lời nói vô tình của người khác tuy không ác ý nhưng đối với người có tính tự ái cao, chúng ta thường tự làm tổn thương bản thân mình, và có những suy nghĩ tiêu cực đối với bản thân”, chuyên gia chia sẻ.

Một người chồng hay vợ có tính tự ái, đôi khi vì họ thiếu tự tin về bản thân mình. Người bạn đời cần thấu hiểu, học cách công nhận, nâng cao giá trị của nửa kia, thường xuyên dành tặng cho họ những lời khen ngợi. Nhận được lời khen có thể giúp họ nâng cao sự tự tin về bản thân, từ đó sẽ giúp họ thay đổi khắc phục một số điểm yếu của mình với sự quyết tâm, đồng thời giúp gắn kết bền chặt trong mối quan hệ vợ chồng.

“Câu chuyện cuộc sống” phát sóng vào lúc 19:50 Thứ Ba, Thứ Năm và Thứ Sáu hàng tuần trên kênh THVL1.