Giải trí Phim ảnh

‘Cầu hồn’: Trò chơi ma quỷ tiếp tục, màn hù dọa chất lượng hơn cả phần trước

‘Cây cầu ma nữ’ là tựa phim kinh dị Đài Loan từng ‘làm mưa làm gió’ trên khắp Đài Loan với doanh thu 60 triệu Đài tệ. Tiếp nối thành công ấy, đạo diễn Hề Nhạc Long tái xuất với phần hậu truyện ‘Cầu hồn’ (tựa gốc: The Bridge Curse: Ritual) cũng lấy cảm hứng từ một truyền thuyết dân gian khác không kém phần rùng rợn. Bộ phim chiêu đãi người xem những màn hù dọa chất lượng cùng một kịch bản nhiều nút thắt.

“Cầu hồn” lấy bối cảnh Đại học Văn Hoa với lối kiến trúc nghịch bát quái quỷ dị. Tương truyền hồn ma sẽ không thể vào hay thoát khỏi nơi đây. Mọi thứ bắt đầu khi chàng sinh viên Liên Khải (Thi Bá Vũ) thực hiện thử thách ma quỷ trong tòa nhà chính của trường để rồi hôn mê một cách bí ẩn. 3 năm sau, em gái của Liên Khải – Liên Dụ Đình (Vương Du Huyên) – cũng theo học tại Văn Hoa.

Cô cùng nhóm bạn thiết kế một trò chơi thực tế ảo lấy cảm hứng từ những sự kiện ma quái trong trường. Bản thân họ cũng gặp phải không ít biến cố rùng rợn. Trong một lần tình cờ, Dụ Đình tìm được chiếc đèn dầu và cuốn nhật ký trò chơi của anh trai. Cô nghi ngờ linh hồn của Liên Khải vẫn còn mắc kẹt ở đây. Họ cùng nhau thực hiện lại trò chơi năm nào để rồi cơn ác mộng thực sự ập đến.

Nếu “Cây cầu ma nữ” được lấy cảm hứng từ truyền thuyết tại Đại học Đông Hải ở Đài Loan thì “Cầu hồn” cũng là câu chuyện truyền tai nhau của Đại học Văn Hóa. Những trò chơi mà nhóm sinh viên sử dụng trong phim đều xuất phát từ các truyền thuyết đô thị rùng rợn. Đơn cử như thử thách thang máy không chỉ xuất hiện trong nhiều tựa phim kinh dị trên khắp Châu Á mà còn bị cho là có liên quan đến cái chết bí ẩn của Elisa Lam hồi năm 2013.

Hay như trò chơi bốn góc trong căn phòng tối dùng để triệu hồi ma mà ai cũng không dám thử. Nhờ câu chuyện đậm màu sắc ma quỷ dân gian nên những hình ảnh rùng rợn quen thuộc mà khán giả nào cũng từng nghe qua ít nhất một lần liên tục xuất hiện, như sợi chỉ đỏ dẫn đường giữa dương gian và âm phủ, chiếc đèn dầu soi đường qua thế giới bên kia…

Yếu tố kinh dị gây ám ảnh đến từ truyền thuyết đô thị

Bối cảnh phim cũng là một điểm sáng khi đặt trong khuôn viên rộng lớn của trường đại học. Ban đêm, những căn phòng học quen thuộc bỗng trở nên ma quái đến lạnh sống lưng. Những bức tượng học cụ như có linh hồn chực chờ tỉnh giấc, dãy nhà vệ sinh như có thế lực vô hình đang ẩn nấp chờ đợi con mồi, từng ngóc ngách của thư viện đều có thể chứa đựng một sự kiện đáng sợ nào đó hay mỗi cánh cửa như đều che giấu bí ẩn kinh hoàng.

“Cầu hồn” khéo léo chuyển đổi góc quay liên tục từ đời thực đến camera trò chơi của nhóm sinh viên khiến mọi thứ càng trở nên kỳ ảo hơn. Khán giả lẫn các nhân vật đều khó mà biết được đâu là các hình ảnh game, đâu là ma quỷ thật. Những thay đổi nhỏ nhặt nhất như cánh cửa dần hé mở, tiếng âm thanh va đập xa xa hay chiếc đầu hình nhân bỗng thay đổi khiến ai nấy đều phải ớn lạnh.

Bối cảnh phim cũng là một điểm sáng khi đặt trong khuôn viên rộng lớn của trường đại học.

Nhóm sinh viên không ai là an toàn trước thế lực ma quỷ. Vì thế mà phim mang đến nhiều tình huống hù dọa bất ngờ và kịch tính khi những nhân vật tưởng chừng “bất tử” thì lại bị ma quỷ ghé thăm. Tạo hình các hồn ma cũng vô cùng ám ảnh với gương mặt thối rữa, ngón tay dài cùng móng vuốt đáng sợ hay đôi mắt tà ác đáng sợ. Chúng xuất hiện liên tục xuyên suốt thời lượng khiến người xem lúc nào cũng trong tình trạng căng thẳng tột độ.

Giống với “Cây cầu ma nữ”, “Cầu hồn” tiếp tục mang đến một kịch bản nhiều nút thắt cho đến tận giây cuối cùng.

“Cầu hồn” sẽ có suất chiếu đặc biệt từ 19 giờ ngày 22 và 23.11.2023 tại các rạp trên toàn quốc.