360 độ Giải trí TVshow

Nhà nghiên cứu Vương Hoài Lâm giải thích lý do hát bội được yêu mến suốt nhiều thế kỷ

Thạc sĩ – Nhà nghiên cứu Vương Hoài Lâm nhận định hát bội là sự dung hòa giữa các yếu tố dân gian, Đông Á và Nam Á. Do đó, nếu xác quyết hát bội được mang từ Trung Quốc Việt Nam là khiên cưỡng.

Góp mặt trong chương trình “Kính đa chiều” với chủ đề Hát bội, Thạc sĩ – Nhà nghiên cứu Vương Hoài Lâm, người có nhiều tham luận bài báo về loại hình sân khấu hát bội, cải lương, đã giải thích rõ về nguồn gốc cũng như đặc điểm của nghệ thuật truyền thống độc đáo này.

Theo Thạc sĩ Vương Hoài Lâm, hát bội và tuồng cổ là hai tên gọi cho cùng một loại hình biểu diễn. Trong đó, tuồng là tên gọi phổ biến nhất hiện nay, được sử dụng trong các văn bản hành chính. Ngoài ra, hát bội hay tuồng cổ còn có một tên gọi khác là hát bộ. Hát bộ xuất phát từ nghiên cứu của giáo sư Đoàn Nồng, ông cho rằng nghệ thuật biểu diễn này sử dụng các động tác, cử chỉ, bộ tịch nên sử dụng từ hát bộ mới phù hợp.

Thạc sĩ Vương Hoài Lâm cho biết thêm, tên gọi “tuồng” và “hát bộ” xuất hiện sau này, trễ hơn so với tên gọi “hát bội”. Từ “bội” xuất hiện đầu tiên trong các thư tịch cổ, sách lịch sử thế kỷ 18 cũng như trong tài liệu Vũ trung tùy bút của Phạm Đình Hổ, dùng để gọi tên một loại hình diễn xướng, biểu diễn trong thời trung đại. Đây được xem là “tấm căn cước” đầu tiên có giấy tờ rõ ràng, công khai minh bạch về loại hình sân khấu này. Tuy nhiên, theo tìm hiểu phỏng đoán của nhiều nhà nghiên cứu, giáo sư thì hát bội đã ra đời từ trước đó, được hun đúc từ hình thức nghệ thuật diễn xướng trong dân gian cũng như diễn xướng truyền thống thời trung đại.

Về nguồn gốc của hát bội, một số nhà nghiên cứu cho rằng loại hình nghệ thuật này là một nhánh của hí khúc Trung Quốc vì tương đồng về hình dạng, biểu diễn bên ngoài. Tuy nhiên, Thạc sĩ Vương Hoài Lâm cho rằng nhận định này chưa chính xác. Để lật lại những trang sử về nghệ thuật hát bội, nam khách mời lấy dẫn chứng từ công trình nghiên cứu quy mô có tên Sơ thảo về lịch sử nghệ thuật tuồng của giáo sư Hoàng Châu Ký, một trong số những nhà nghiên cứu đầy đủ và chuyên sâu nhất đến hiện tại.

Theo giáo sư Hoàng Châu Ký nghiên cứu, hát bội ra đời dựa trên ba nhân tố. Nhân tố đầu tiên dựa trên các hình thức diễn xướng dân gian, tồn tại từ thời xa xưa khoảng thế kỷ 10, 11. Nhân tố thứ hai là dựa trên việc giao lưu văn hóa, hình thức biểu diễn truyền thống của khu vực Đông Bắc Á, cụ thể là Trung Quốc. Nhân tố thứ ba dựa trên sự giao lưu văn hóa nghệ thuật biểu diễn của khu vực Nam Á, cụ thể là văn hóa Chăm pa Chiêm Thành cổ. Do đó, nếu xác quyết nét văn hóa hát bội được mang từ quốc gia này sang quốc gia khác thì vô cùng khiên cưỡng. Bởi vì hát bội được sinh ra trên cương vực lãnh thổ, được duy trì và phát triển dựa trên sự hun đúc của một dân tộc nên mang dấu ấn riêng của địa phận ấy.

Nhà nghiên cứu Vương Hoài Lâm cho rằng xác quyết hát bội mang từ Trung Quốc sang Việt Nam là khiên cưỡng.

Thạc sĩ Vương Hoài Lâm nhấn mạnh: “Nghệ thuật hát bội là sự dung hòa giữa các yếu tố truyền thống, có dân gian, có khu vực Đông Á, Nam Á và tạo ra màu sắc riêng của sân khấu hát bội”.

Host chương trình là đạo diễn Lê Hoàng cho rằng bất kỳ loại hình sân khấu nào đều có ba yếu tố quan trọng gồm: tuồng tích (kịch bản), điệu bộ và trang phục. Từ đó, nam đạo diễn đặt vấn đề rằng hát bội có điểm riêng biệt nào trong ba yếu tố trên?

Thạc sĩ Vương Hoài Lâm giải thích rằng mặc dù nhiều kịch bản tuồng cổ sử dụng tích truyện của Trung Quốc, nhưng cũng có rất nhiều kịch bản do người Việt sáng tạo hoàn toàn như San Hậu, Đào Phi Phụng, Lý Thiên Long,… Dẫu tên nhân vật tương đồng với người Trung Hoa nhưng nội dung câu chuyện lấy bối cảnh của xã hội Việt Nam.

Ngoài ra, tiến trình phát triển của kịch bản hát bội cũng chia thành nhiều dòng tuồng khác nhau. Đầu tiên là những kịch bản tuồng cổ xưa nói về vấn đề quân quốc, những câu chuyện về sự xáo trộn nội bộ của các triều đình phong kiến. Sau đó, triều đình nhà Nguyễn sử dụng hát bội làm công cụ tuyên truyền đường lối. Từ đây hình thành nên dòng tuồng cung đình, nội dung dòng tuồng này liên quan đến cung đình Việt Nam.

Trong quá trình diễn tiến, hát bội xuất hiện thêm dòng tuồng ngoài cung đình. Dòng tuồng ngoài cung đình đến hiện tại vẫn còn tồn tại và đóng vai trò quan trọng vì có nội dung phản phong kiến, đi ngược với những hủ lậu, tư tưởng lạc hậu của phong kiến cũ. Nhằm tránh đụng chạm đến triều đình phong kiến, người dân thường mượn các tích truyện trong dân gian để ngụ ý và được phổ biến rộng rãi. Việc mượn những câu chuyện này không hẳn là “mượn” loại hình sân khấu nước bạn.

Bên cạnh đó còn có một dòng tuồng lưu hành trong đời sống dân gian là tuồng đồ. Nội dung tuồng đồ phản ánh đời sống của những con người dân dã. So với ba dòng tuồng trước đó, tuồng đồ mang nét mộc mạc, chân phương, gần với chèo dân gian. Ví dụ điển hình của tuồng đồ chính là vở Nghêu sò ốc hến.

Theo Thạc sĩ Vương Hoài Lâm, một trong những lý do khiến hát bội được yêu mến suốt nhiều thế kỷ là những nét đẹp đặc thù của loại hình nghệ thuật này. Mặc dù các khán giả trẻ có thể gặp khó khăn khi nghe lời văn cổ, nhưng đối với những người yêu thích hát bội lại cảm thấy gắn bó mật thiết với những ngôn ngữ này. Trong một thời gian dài, các đơn vị biểu diễn hát bội đã hiện đại hóa ngôn từ để thu hút nhiều khán giả. Tuy nhiên, những người thích xem hát bội xưa lại cảm thấy vơi đi phần nào khí chất của loại hình nghệ thuật truyền thống này.

Trong khoảng 2 – 3 năm gần đây, các đơn vị biểu diễn hát bội phục dựng lại cách giao tiếp bằng Hán văn. Trong đó, người diễn viên đóng vai trò là người diễn giải lại nội dung, vừa thỏa mãn nhu cầu của những người yêu thích nét văn hóa xưa, vừa phù hợp với khán giả hiện đại.

“Kính đa chiều” chủ đề tiếp theo Vai trò của thầy tuồng ở các đoàn hát xưa với sự tham gia của host Phương Uyên và Nhà soạn giả Tô Thiên Kiều sẽ được phát sóng vào lúc 20h ngày 24/7 trên kênh VTV9.