Bích Ngọc được xem là một trong những “phù thủy lồng tiếng” thuộc thế hệ tiên phong ở Việt Nam thập niên 90. Chị có khả năng đổi giọng nhanh như chớp và không ngán bất cứ lứa tuổi nào.
Mặc dù phim bộ của TVB đã qua thời kỳ hoàng kim nhưng giọng đọc của Bích Ngọc vẫn đang “phủ sóng toàn quốc” bên cạnh những cái tên như Huy Hồ, Thế Thanh, Nguyễn Vinh, Thế Phương, Bá Nghị…
Bích Ngọc chính là người lồng tiếng cho các vai diễn của Tuyên Huyên, Trần Tú Văn, Ôn Bích Hà… Nhưng có lẽ không phải ai cũng biết, vai Võ Tắc Thiên của Phạm Băng Băng từ trẻ tới già đều do Bích Ngọc lồng tiếng.
Nếu chỉ nghe giọng, chắc chắn không ai có thể tin rằng Bích Ngọc đã ngoài 50 tuổi. Chị có khả năng nói được nhiều giọng từ trẻ con đến người già một cách ngọt lịm và xuất sắc đến nỗi ai cũng phải ngạc nhiên.
Dù vậy, cuộc đời thực của người phụ nữ tài năng ấy cũng giống như chính công việc thầm lặng phía sau màn ảnh của chị…
*Mồ côi cha từ lúc vài tháng tuổi, mẹ một nách nuôi 6 con thành đạt
Bích Ngọc là con gái út trong gia đình có 6 anh chị em. Mẹ sinh Bích Ngọc chưa được bao lâu thì cha mất. Lúc đó Bích Ngọc mới được vài tháng tuổi, đó là năm 1963.
Mẹ của Bích Ngọc là giáo viên tiểu học. Một nách 6 con, bà đành đưa anh chị em Bích Ngọc về quê nội ở Mỹ Tho tìm cách mưu sinh. Sớm hiểu hoàn cảnh đặc biệt của gia đình nên từ nhỏ, 6 anh chị em đều biết bảo ban nhau đỡ đần mẹ: sáng đi học, chiều xách giỏ kẹo đứng trước cổng trường bán.
Sau năm 1968, mẹ lại đưa anh chị em Bích Ngọc quay lại Sài Gòn. Nhà nghèo nhưng ai cũng học giỏi, thế là mấy anh chị của Bích Ngọc có thêm công việc dạy kèm lúc không đến lớp. Còn cô bé út 6,7 tuổi thì cầm tập vé số đi bán.
Chị nhớ lại: “Hồi đó, mấy mẹ con ở chung cư Ngô Gia Tự, quận 10. Sáng tôi đi học, chiều bán vé số, đến mức ngồi trong lớp học mà đầu lúc nào cũng lặp đi lặp lại điệp từ “mua vé số chú ơi, chiều sổ chú ơi”.
Buối tối, tôi lại ôm chiếu ra đường Lê Hồng Phong chỗ xưởng phim Giải Phóng cho người ta mướn và giữ xe đạp tới 2, 3 giờ sáng mới về ngủ. Tới khi trở thành sinh viên trường Nghệ thuật Sân khấu 2 cũng vậy. Thời kỳ đó chỉ ăn bo bo, khoai lang chứ không có gạo.
Hôm nào được cho một cặp lồng cơm xách đi học là mừng lắm. Mà cũng chỉ ăn cơm với nước mắm chứ không có rau dưa gì”.
Theo lời kể của Bích Ngọc, các anh chị trong nhà đều theo nghề dạy học của mẹ, chỉ có mình chị làm nghệ thuật. Dù vậy, ai cũng biết chơi một loại nhạc cụ nào đó như đàn tranh, trống, violon… Chính mẹ của Bích Ngọc cũng hát rất hay và bà luôn mong các con trở thành diễn viên, nghệ sĩ.
Bản thân Bích Ngọc từng có ý định thi vào trường Quốc gia âm nhạc chứ không phải theo nghề diễn viên. Khi Bích Ngọc học trường sân khấu, bà rất vui. Buổi thi học kỳ nào bà cũng đến xem và luôn mang theo một bó hoa để tặng con gái.
Đến tận bây giờ, bà vẫn tiếc Bích Ngọc không theo nghề diễn viên kịch mà chuyển qua làm lồng tiếng. Thấy cô con gái út không thể sống thiếu thuốc vì công việc phải nói quá nhiều, cộng thêm bệnh gai lưng cột sống, bà bảo “Con nghỉ đi, về ở với má, má lo cho con”.
Nhìn người mẹ già 85 tuổi, tóc đã bạc trắng, sức khỏe yếu đi nhiều nhưng vẫn không thôi xót xa cho con mình… nhiều lần chị ứa nước mắt.
Nhưng hoàn cảnh gia đình và cuộc sống lúc đó buộc chị phải lựa chọn con đường khác. Bởi lẽ, diễn viên điện ảnh Công Hậu – chồng chị đi phim quanh năm suốt tháng, con cái cần phải có người chăm sóc. Chị chấp nhận hy sinh!
Hồi mới làm diễn viên lồng tiếng, mỗi lần đi ngang qua sân khấu chị đều khóc vì nhớ. Nhưng có lẽ ông trời cũng rất công bằng khi bù lại cho chị một chất giọng đặc biệt cùng với thành công hiếm có trong nghề lồng tiếng.
Trong đó phải kể đến khả năng đổi giọng nhanh như chớp từ vai đứa bé 6, 7 tuổi đến vai bà già 70, 80 tuổi nhưng chị vẫn nói rất ngọt và xuất sắc.
*Không dám nói chuyện với chồng con để giữ giọng đi lồng tiếng
Thời điểm phim bộ TVB tràn vào Việt Nam, Bích Ngọc đang là diễn viên Đoàn Kịch nói Kim Cương. Nhà nhà xem phim bộ, người người xem phim bộ, cộng với sự nở rộ của tấu hài nên sân khấu kịch rơi vào tình trạng ế ẩm.
Năm 1990, người của đài TVB sang Việt Nam tuyển diễn viên lồng tiếng, Bích Ngọc là một trong những người đầu tiên tham gia lớp học này.
Chia sẻ về khả năng đổi giọng, Bích Ngọc nói: “Khi còn là sinh viên trường Nghệ thuật Sân khấu 2, tôi được học bộ môn Tiếng nói sân khấu. Đóng vai con nít thì mình phải nói giọng con nít, đóng vai bà già thì phải xuống giọng già. Muốn làm được cần phải chịu khó tập luyện và chấp nhận đau họng.
Nói giọng con nít thì phải rút dây thanh quản lên mỏng thật mỏng, trong chuyên môn gọi là “đu dây điện”. Muốn nói giọng bà già thì phải đè dây thanh quản xuống thấp thật thấp.
Có những lúc tôi tưởng mình phải bỏ nghề vì đau họng quá. Nhất là thời gian làm thuyết minh. Lồng tiếng còn có quãng thời gian nghỉ khi tới vai người khác nhưng thuyết minh thì phải đọc suốt, đọc liên tục từ đầu tới cuối.
Thuyết minh phim Hàn Quốc, Đài Loan còn dễ vì chất giọng tôi vốn nhẹ sẵn nhưng khi đọc phim Mỹ thì giọng cần cứng nên rất mệt.
Có lần tôi đọc thuyết minh 30 tập cho phim Mỹ. Về nhà, gần như cổ họng banh ra, khan tiếng. Uống nước cũng đau vì thanh quản bị sưng. Lần đó tôi tưởng mình hư giọng luôn sẽ không thể làm nghề được nữa. May mắn là uống thuốc và chịu khó kiêng cử, cuối cùng lại khỏi”.
Theo lời kể của Bích Ngọc, ngày xưa làm băng video nên một người nói líu lưỡi là tất cả phải làm lại. Các diễn viên ngồi tập trung chứ không thu riêng lẻ như bây giờ.
Một bộ phim mấy chục nhân vật nhưng chỉ có khoảng 9 đến 12 người lồng tiếng nên ai cũng có khả năng đổi giọng, một mình đảm nhận 3, 4 nhân vật, chưa kể vai quần chúng.
Lượng công việc lúc đó cũng rất lớn, mỗi ngày phải hoàn thành 3 tập phim nên nhiều khi phải làm liên tục từ 7 rưỡi sáng tới 10 giờ khuya. Nhưng chính áp lực của công việc giúp họ rèn luyện cho mình một chất giọng riêng, không lẫn với ai.
Đối với diễn viên lồng tiếng, giọng là thứ quý giá nhất nên ai cũng chăm sóc giọng rất kỹ. Ngày đi làm, tối về không dám nói chuyện với chồng con, cha mẹ để giữ giọng hôm sau đi làm tiếp. Uống nước ấm, không ăn cay, không thức khuya và thường xuyên uống thuốc nhưng chuyện ai đó bị khan tiếng là hết sức bình thường.
Chính vì vậy, thế hệ diễn viên lồng tiếng ngày xưa rất yêu nghề. Để bám trụ lại được với nghề tới ngày hôm nay đòi hỏi người diễn viên lồng tiếng phải có đam mê rất lớn.
Chia sẻ về một kỷ niệm làm nghề, Bích Ngọc nhớ lại: “Hồi còn làm băng video, trong giờ nghỉ trưa diễn viên lồng tiếng phải tự nghĩ ra lời hát cho phù hợp với nội dung, tiết tấu nhạc dựa trên phần lời dịch của người dịch để hát luôn.
Tới giai đoạn sau, chúng tôi chỉ việc kiếm một điệu nhạc phù hợp bối cảnh phim chứ không phải tự sáng tác nữa. Trong phim có đoạn cô gái ẵm đứa con và ru nó ngủ, vậy là diễn viên lồng tiếng hát một bài hát ru Việt Nam “ầu ơ, dí dầu cầu ván đóng đinh…”. Báo chí viết bài chê, phim Hồng Kông mà bài hát Việt Nam.
Đến thời gian sau nữa, những đoạn hát trong phim được để song ngữ kèm phụ đề nên diễn viên lồng tiếng bớt cực hơn”.
*Diễn viên lồng tiếng không phải là thợ nói
Dù đã ngoài 50 tuổi nhưng nhờ khả năng nói được đủ loại giọng từ già tới trẻ và “diễn giọng” tốt nên Bích Ngọc luôn được nhà đài tin tưởng giao cho những vai nặng ký.
Bích Ngọc chia sẻ: “Diễn viên lồng tiếng không phải là thợ nói. Họ khác diễn viên sân khấu và điện ảnh ở chỗ họ không được đưa mặt ra cho khán giả thấy, không được tự do sáng tạo nhân vật nhưng vẫn phải có đầy đủ cảm xúc khi “diễn giọng”.
Tôi từng xem một bộ phim, nhân vật khóc tức tưởi nhưng giọng diễn viên lồng tiếng ráo hoảnh, không hề cảm thấy có nước mắt nước mũi trong đó, kéo cả vai diễn của người ta xuống.
Diễn viên lồng tiếng thực sự sẽ cảm xúc theo nhân vật. Có những đoạn, giọng mình phải nghẹn ngào như nước mắt tuôn trào nhưng vẫn phải tiết chế vừa phải để tiếng nói rõ. Vì nếu ngay sau đó chuyển cảnh tươi vui thì giọng diễn viên lồng tiếng cũng phải lập tức vui vẻ”.
Bích Ngọc nhận mình may mắn vì được lồng tiếng khá nhiều cho diễn viên thế hệ trước như Diễm Hương, Sông Hương, Y Phụng, Minh Thư… Chị bảo, diễn viên ngày đó rất thuộc thoại, nắm và diễn tâm lý tốt nên người lồng tiếng cũng đầy hứng thú.
Tuy nổi tiếng trong giới phòng thu là người giỏi chuyên môn nhưng gần 30 năm gắn bó với nghề, Bích Ngọc cũng gặp không ít những chuyện dở khóc dở cười.
Chị từng lồng tiếng cho một người mẫu trong phim Việt Nam. Khi làm, chị nghe đạo diễn chỉ đạo diễn suất “bước tới trước 3 bước”, cô người mẫu thực hiện như một cái máy. Đạo diễn nói “khóc đi”, vai cô người mẫu giật giật lên nhưng mặt lại không có nổi một giọt nước mắt và rất vô cảm.
Lúc đó, chị uyển chuyển xử lý bằng chất giọng có cảm xúc nhưng tiết chế vừa phải để mặt diễn viên không bị vô duyên.
Chị nói: “Tôi rất sợ phải lồng tiếng cho những người không biết diễn. Có những người mình lồng tiếng mà chỉ muốn vò đầu bứt tóc, móc mắt mình vì không biết phải làm thế nào để cứu vai của họ…”.
*Chuyện tình hơn 30 năm với tài tử điện ảnh một thời – Công Hậu
Bích Ngọc là vợ của tài tử điện ảnh một thời – Công Hậu. Họ là bạn học chung lớp Diễn viên Kịch nói trường Nghệ thuật Sân khấu 2. Tình yêu của hai người nảy nở từ sự chia ngọt sẻ bùi trong những tháng ngày cuộc sống khó khăn.
“Hồi xưa lớp tôi về Long An thực tập một năm rưỡi tại các đoàn ca múa nhạc. 3 tháng đầu, chúng tôi được lãnh lương 4.500 đồng một đêm diễn và 13 kg gạo một tháng nhưng sau đó không được trả lương, cũng không được phát gạo nên ai cũng đói.
Những bạn gia đình khá giả thì chạy về Sài Gòn xin trợ cấp, mỗi lần kiếm được ít gạo nấu cháo, cả đám vét không còn một hột. Nhà tôi và nhà anh Hậu nghèo nên phải kéo nhau ra chợ ăn thiếu. Thời điểm đó tôi chỉ nặng 37 kg.
Mỗi lần về Mộc Hóa, Đức Hòa, Đức Huệ biểu diễn, đám con gái ngồi chồng lên nhau còn đám con trai phải đứng một chân vì xe quá chật, đường đất đỏ bụi mịt mù.
Thậm chí có những điểm diễn, cả vùng chỉ có một cái ao. Người ta làm cầu cá tra (chỗ đi vệ sinh – PV) ở cái ao đó, rửa mặt, giặt giũ quần áo, lấy nước lên nấu cơm cũng ở đó.
Vì ăn uống kham khổ lại dùng nước phèn lâu ngày nên tôi bị hạch lao và gan. Mặt nổi mụn, mủ ghẻ chảy nước rất kinh khủng.
Từ những khó khăn đó mà tôi và anh Hậu chia sẻ với nhau nhiều hơn rồi nảy sinh tình cảm. Trước đó, chúng tôi là bạn thân”, Bích Ngọc kể.
Sau kỳ thực tập, Bích Ngọc – Công Hậu về thành phố. Chị công tác ở đoàn Kim Cương, anh là diễn viên đoàn Bông Hồng. Người diễn ở Gia Định, người diễn ở Cây Gõ, cách nhau hơn chục cây số nhưng ngày nào cũng đạp xe đạp đưa đón.
Năm 1991, họ làm đám cưới. Hai đứa con lần lượt ra đời. Ngày ấy, Công Hậu vụt lên thành ngôi sao cùng với Lý Hùng, Diễm Hương, Lê Công Tuấn Anh, Lê Tuấn Anh, Y Phụng, Việt Trinh… còn Bích Ngọc rút vào hậu trường làm phòng thu với vai trò diễn viên lồng tiếng.
Cuộc sống vợ chồng luôn là một bài toán khó với tất cả mọi người. Đi được với nhau hơn 30 năm không phải là chuyện dễ dàng, nhất là khi hai vợ chồng đều là nghệ sĩ.
Chia sẻ về chuyện này, chị tâm sự: “Quan trọng là chúng tôi hiểu nhau. Mình là phụ nữ nên nhường nhịn và phải biết bằng lòng. Nhưng cũng may mắn là anh Hậu biết suy nghĩ và dừng lại đúng lúc. Ngay như việc anh Hậu giữ được mình đã là một thử thách và khó khăn lớn đối với anh ấy.
Làm lồng tiếng, tôi ngồi phòng thu từ sáng tới tối. Anh Hậu ở ngoài đi phim hay làm gì tôi cũng không biết, trong khi công việc của anh ấy tiếp xúc với rất nhiều người đẹp.
Hồi tôi còn diễn ở đoàn kịch nói Kim Cương, anh Hậu thỉnh thoảng đi xem tôi diễn. Thấy tôi diễn với kép nam, anh dặn “ôm cũng vừa vừa thôi”.
Thời trẻ, phải đi quay phim ở đâu, anh Hậu không bao giờ cho tôi theo. Anh toàn đóng với những cô gái đẹp, mà điện ảnh, đã ôm là phải ôm thật, hôn cũng phải hôn thật chứ không như sân khấu.
Anh Hậu lúc đó lại đang nổi tiếng, rất nhiều cô mê. Tôi hiểu già néo đứt dây nên chỉ khi thấy có chuyện hơi quá mới nhắc chồng:
Khi lên phim, anh cứ làm theo nhân vật nhưng bước chân ra khỏi phim trường về nhà, em mới là vợ của anh. Khi anh còn trẻ, còn đẹp, rất nhiều người thích. Nhưng em chỉ mong anh nhớ rằng, người ta thích anh vì anh nổi tiếng và đẹp trai.
Nếu một mai anh gặp tai nạn hay vì một lý do nào đó mà không còn là diễn viên nữa, hào nhoáng rời khỏi anh thì người ta cũng buông anh liền.
Thậm chí có những cô diễn viên theo anh chỉ nhằm mục đích để được anh dẫn họ đi phim tiếp. Chỉ có vợ là người bên cạnh anh suốt đời. Lúc anh ốm đau cũng chỉ có vợ lo cho anh.
Thời gian đó chúng tôi rất ít khi được ở bên nhau. Anh Hậu đi phim quanh năm suốt tháng còn tôi lúc nào cũng ngồi trong phòng thu. Lồng tiếng cả ngày nên bị khan giọng, về nhà không dám nói chuyện với ai.
Cho đến một ngày, tôi dẫn anh Hậu tới phòng thu. Hôm đó tôi thuyết minh phim, đọc liên tục từ 8 giờ sáng tới 11 rưỡi trưa.
Về nhà, anh Hậu nói “Anh thấy em làm cực quá. Đó giờ anh không hình dung được công việc của em lại vất vả như thế. Anh cứ nghĩ trong khi anh phải làm ngoài nắng thì em ngồi trong phòng thu mát lạnh…”
Cũng từ đó, anh thương tôi hơn. Bây giờ, hai vợ chồng đều lớn tuổi, sức khỏe không còn được như lúc trước, ra viện vào viện cũng chỉ hai đứa chăm nhau nên anh càng quan tâm và chăm sóc tôi nhiều hơn. Giờ anh Hậu nghĩ tất cả chỉ là phù du, gia đình mới là trên hết”.
Ở thời điểm hiện tại, cuộc sống riêng của Bích Ngọc rất hạnh phúc. Cậu con trai lớn Nhất Duy vừa tốt nghiệp lớp diễn viên trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TPHCM và đang học tiếp chuyên ngành đạo diễn. Đặc biệt, con trai chị cũng theo nghề lồng tiếng của mẹ từ nhiều năm nay.
Theo Cao Thanh Hương/Tri Thức Trè