Theo luật sư Trương Thị Hòa, đa số người Việt chưa có thói quen lập di chúc, điều này gây nhiều khó khăn khi phân chia tài sản cho con cái sau khi qua đời.
Luật sư Trương Thị Hòa thuộc Đoàn Luật sư TP.HCM, bà có một văn phòng luật riêng, là người tham gia nhiều vụ ly hôn đình đám của những đại gia và giới nghệ sĩ, cũng như nhiều vụ án nổi tiếng khác.
Luật sư Trương Thị Hòa
Tham gia Chuyện cuối tuần cùng đạo diễn Lê Hoàng, luật sư Trương Thị Hòa cho biết, ở nước ngoài người dân có thói quen lập di chúc trước khi qua đời. Tuy nhiên, phần đông người Việt ít làm di chúc trước khi mất vì sợ xui. Sau này khi chứng kiến nhiều vụ gia đình, anh em mâu thuẫn, thậm chí chém giết nhau vì phân chia tài sản, nhiều gia đình Việt Nam hiện nay đã nghĩ đến việc lập di chúc. Độ tuổi thông thường của người Việt khi lập di chúc là 60, 65. Nhưng nay thì một số người trẻ có điều kiện ở tuổi ngoài 40 cũng đã nghĩ đến lập di chúc sớm.
Luật sư Trương Thị Hòa cho biết, lập di chúc phải hết sức cẩn thận về câu từ, bởi nếu không sẽ rất dễ nảy sinh rắc rối. Nữ luật sư lấy ví dụ một gia đình nọ, ông bố khi chết đi lập di chúc chia ngôi nhà 3 tầng cho ba người con, con trai tầng trệt, con gái tầng kế, con gái lớn ở tầng cao nhất. Ban đầu, khi ông mất đi, ba người con rất vui vẻ thực hiện đúng theo di chúc. Tuy nhiên, sau đó, nảy sinh mâu thuẫn, người con dâu ở tầng dưới không muốn cho hai chị gái đi ngang qua nhà vì cho rằng, đó là tài sản của mình. Cuối cùng, cả ba phải tới văn phòng luật sư để phân định lại. Cũng có trường hợp khác, có người lập di chúc xong chưa chết nhưng con cái đã lấy di chúc đi phân chia tài sản. Chính vì thế, việc lập di chúc phải hết sức rõ ràng, cẩn thận và nên có văn phòng luật sư giúp đỡ để không bị sai lầm về câu chữ, pháp lý.
Theo đạo diễn Lê Hoàng, hiện tại, với sự cải cách tư pháp, việc lập di chúc không còn là điều khó khăn. Người dân chỉ cần đến phường, gặp cán bộ tư pháp ký vào di chúc rồi lưu lại. Thậm chí, ngay cả khi bị bệnh, không lên phường được thì có thể nhờ cán bộ tư pháp đến nhà rồi ký vào di chúc cũng được. Trước đây, khi lập di chúc cần phải khám sức khỏe, tuy nhiên, hiện tại không cần thiết. Thậm chí, luật sư Trương Thị Hòa còn cho biết, có thể lập di chúc bằng miệng, và trong 5 ngày sau khi lập di chúc bằng miệng thì phải xác nhận chữ ký. Tuy nhiên, nếu sau khi lập di chúc miệng 3 tháng mà chưa qua đời thì không còn giá trị, phải lập lại di chúc mới.
Việc lập di chúc ngày một đơn giản, nhưng không phải người Việt nào cũng mặn mà với việc lập di chúc. Theo luật sư Trương Thị Hòa, hiện chỉ có khoảng 20% người Việt lập di chúc trước khi chết, và đa phần số người này là ở thành phố lớn. Ở nông thôn, các vùng sâu, vùng xa, người dân vẫn chưa chú ý đến vấn đề này. Đặc biệt, cũng theo luật sư Trương Thị Hòa, những người lập di chúc mới chỉ chú trọng phân chia tài sản vật chất như tiền bạc, nhà cửa, trong khi đó, họ chưa quan tâm đến các dạng tài sản khác như sở hữu trí tuệ. Điều này dẫn đến nhiều thiệt thòi và khó khăn cho những người thừa hưởng những di sản phi vật chất đó.
Theo đạo diễn Lê Hoàng, ở nước ngoài, người lập di chúc sẽ bí mật về việc mình làm, sau khi họ qua đời thì cả gia đình mới biết về bản di chúc đó. Ở Việt Nam, di chúc có thể gửi ở phòng công chứng, cũng có những người Việt Nam trước khi đi nước ngoài thì lập di chúc nhờ luật sư giữ. Và trong một số trường hợp, khi xảy ra tranh chấp trong di chúc, pháp luật sẽ phải can thiệp. Luật sư Trương Thị Hòa cũng dẫn chứng nhiều trường hợp rắc rối khi lập di chúc. Ví dụ như người đàn ông có 2 vợ thì khi lập di chúc phải phân chia như thế nào cho hợp lý, rồi nếu giấy tờ trong giấy khai sinh của con không trùng với trong di chúc… Những trường hợp như vậy bắt buộc pháp luật phải can thiệp.
Theo đạo diễn Lê Hoàng, có trường hợp, người được phân chia trong di chúc có quyền từ chối không nhận tài sản được chia. Đó thường là trong những trường hợp khi nhận tài sản thì phải thanh toán những khoản nợ hoặc tiền bạc phát sinh liên quan đến tài sản đó. Hoặc cũng có trường hợp, khi người đàn ông có con riêng nhưng không ghi tên con trong di chúc. Sau đó, người con riêng lại chứng minh được khi lập tài sản đó, người cha ở trong trạng thái không minh mẫn về nhận thức thì có quyền kiện yêu cầu tòa án tuyên bản di chúc đó vô hiệu.
Đạo diễn Lê Hoàng cũng chia sẻ về trường hợp của gia đình anh. Sau khi lập di chúc, 10 năm sau bố nam đạo diễn qua đời. Khi Lê Hoàng mang bản di chúc đó đi thực hiện thì mới phát hiện ra bản di chúc không đóng dấu giáp lai. Biết rằng đó là lỗi của cán bộ tư pháp tại thời điểm đó, tuy nhiên, gia đình Lê Hoàng lại phải mất rất nhiều thời gian về phường xác nhận, rồi lại phải về tìm lại cán bộ tư pháp cũ để xác nhận thì mang lên phường mới có giá trị.
Chuyện cuối tuần chủ đề Di chúc với sự đối thoại thẳng thắn giữa đạo diễn Lê Hoàng và Luật sư Trương Thị Hòa sẽ được phát sóng vào lúc 21h35 thứ 7 ngày 8/2 trên kênh VTV9.
AC