MMA có tốc độ phát triển nhanh nhất hiện tại. Tuy nhiên, bộ môn này vẫn chưa được công nhận ở Việt Nam như một môn võ đích thực.
Sàn đấu vương vãi vết máu. Những chấn thương kinh hoàng khiến người xem rợn người. Hình ảnh ấy tràn ngập trên truyền hình, hay các mặt báo sau mỗi sự kiện UFC, ONE Championship. Bởi thế, MMA được quy cho là bộ môn bạo lực và không dành cho những kẻ yếu tim.
Nhưng chúng ta đã lầm. MMA là vũ đài khốc liệt, nhưng không hoàn toàn bạo lực một cách hoang dã.
MMA đang là môn thể thao có tốc độ phát triển rất nhanh.MMA bạo lực hơn cả boxing và Muay Thai?
MMA vẫn luôn được cho là bao lực hơn cả boxing và Muay Thái vì luật thi đấu quá “thoáng”. Tuy nhiên, theo nhiều thống kê cho thấy cho đến bây giờ vẫn chưa có ca tử vong nào xảy ra trên các võ đài MMA tổ chức chính thống.
Dựa theo kết quả nghiên cứu của chương trình truyền hình Manswer, trung bình mỗi năm có 9 người tử vong trên sàn đấu. Một phần lớn dẫn đến nhiều thương vong tại Boxing là do theo luật lệ, các tay đấm có quyền tiếp tục thi đấu đến ba lần nếu như họ có thể đứng dậy trong 10 giây. Điều này đồng nghĩa với việc, những võ sĩ boxing vẫn phải tiếp tục thi đấu với một cơ thể đang tổn thương.
Ở MMA, một võ sĩ bị đánh gục sẽ không phải chịu thêm bất cứ tổn thương vô ích nào nữa. Thêm nữa, những pha đấu vật trong MMA lại thật sự an toàn. Các đòn vật chỉ thật sự trở nên nguy hiểm khi một võ sĩ tìm được vị trí tốt để thực hiện các đòn khóa, siết, bẻ…. Nhưng trọng tài luôn là người ngăn chặn kịp thời mọi tình huống nguy hiểm.
MMA là môn thi đấu của những gã côn đồ không biết võ
Hiểu nhầm thứ hai mà chúng ta thường thấy nhất về MMA, đó chính là vẫn còn rất nhiều người cho rằng các người chơi không phải là các võ sĩ thực thụ, mà chỉ là những gã côn đồ cơ bắp vào lồng đánh nhau.
MMA là nghệ thuật, chứ không phải chỉ bạo lực.
Hiện tượng các “võ sĩ đường phố” tham gia MMA chỉ xảy ra vào năm đầu tiên của UFC khi sân chơi này chưa lớn mạnh như bây giờ. Và những tay đấm đó đều không thành công tại MMA.
Để trở thành một võ sĩ MMA những người tập võ cần phải thuần thục và kết hợp nhuần nhuyễn được ít nhất 2 kỹ năng đánh nằm và đánh đứng với nhau. Trong khi đó, một võ sĩ chuyên nghiệp thường chuyên từ 3 đến 4 môn võ khác nhau để có thể thi đấu trong võ đài đa dạng này.
MMA không có luật
Thực sự thì thời kỳ đầu MMA được quảng bá rộng rãi với thế giới là không có luật. Nhưng đó chỉ là các chiêu trò quảng cáo thu hút người xem tại Mỹ.
Những trận đấu đầu tiên vốn đã có các luật như: trận đấu sẽ kết thúc khi một võ sĩ bị K.O (knock-out), trận đấu cũng kết thúc khi võ sĩ xin hàng và các hành động như chọt mắt, đánh vào cổ, gáy, đánh háng đều bị nghiêm cấm.
Không những vậy, trong những năm tiếp theo, bộ luật MMA đã có nhiều thay đổi lớn. Ngày nay, sàn đấu võ tự do thực sự có bộ luật rất nghiêm khắc nhằm đảm bảo an toàn cho các võ sĩ. Luật thi đấu hiện tại của MMA luôn đảm bảo rằng mỗi trận đấu là màn trình diễn của nghệ thuật đối kháng.
Đánh kẻ đang nằm là “bỉ ổi”
Fan võ Việt Nam phần lớn đều đã quen thuộc với các môn thể thao đối kháng như quyền anh, Karate, Muay Thái, tán thủ,… Đánh nằm (địa chiến) là một điều gì đó còn quá mơ hồ và xa vời với cộng đồng võ Việt.
Trong thi đấu MMA, địa chiến là kỹ thuật rất quan trọng.
Tiếp tục về vấn đề đánh nằm đó chính là chiến thuật “Ground and Pound”, dùng vật để kiểm soát trận đấu. Nhưng thay vì đi đến những pha khóa siết, chiến thuật “Ground and Pound” nhắm đến việc tấn công đối thủ đang nằm đất bằng những cú đấm trời giáng.
Cảnh kẻ nằm trên tung những cú đấm như “giã gạo” lên đối thủ đang nằm dưới khiến những võ sư lão làng phải lắc đầu ngao ngán. Văn hóa “thượng mã” không đánh kẻ ngã ngựa hoàn toàn bị bác bỏ trong những tình huống ground and pound.
Tuy nhiên, nếu hiểu rõ hơn, trong MMA, hoặc trong các môn vật như Judo, BJJ, Wrestling,… kẻ nằm dưới chưa chắc đã là kẻ yếu thế hơn. “Ground and Pound” cũng đòi hỏi võ sĩ phải có kỹ năng nhất định để có thể kiểm soát tốt đối thủ đang nằm dưới.
Hiểu được điều này, bạn cũng có thể hiểu rằng, “Ground and Pound” cũng là một nghệ thuật thi đấu không khác gì những pha đổi đòn cân não.
Xét cho cùng MMA cũng chỉ là môn thể thao đối kháng giống như quyền Anh hoặc muay Thái. Các võ sĩ MMA đều tập luyện quyền Anh và Muay Thai làm nền tảng để thi đấu nên chúng ta có thể xem MMA như một trận quyền Thái kết hợp với Judo, một cuộc so tài võ thuật thực sự chứ không phải chỉ là những gã đô con bặm trợn đánh nhau.
Với sự phát triển của các lò tập BJJ tại Việt Nam trong những năm gần đây và số lượng người theo dõi các giải đấu lớn như UFC và ONE FC đang tăng dần lên.
Có thể nói MMA đang dần vượt qua Muay Thái về số lượng người xem và đang cố gắng chạm tới ông vua của thể thao đối kháng quyền Anh.
Theo Thi Nga/Zing.vn