Văn hóa - Đời sống - Ẩm thực

Câu chuyện cuộc sống: Không ít người trẻ còn dựa dẫm quá mức vào gia đình

Câu chuyện cuộc sống tuần này tiếp tục lên sóng chia sẻ với những câu chuyện: Loại bỏ cảm xúc tiêu cực; Hoạt động xã hội – Động lực phát triển của nhiều bạn trẻ; Dạy con bảo vệ môi trường – Kiên nhẫn từ ý thức và hành động.

Loại bỏ cảm xúc tiêu cực

Trong cuộc sống, áp lực khiến chúng ta dễ rơi vào trạng thái căng thẳng và mệt mỏi, từ đó những cảm xúc tiêu cực có thể xuất hiện một cách khó tránh khỏi. Nếu không kiểm soát tốt, những cảm xúc này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất, tinh thần, cuộc sống, công việc, cũng như các mối quan hệ trong gia đình và xã hội.

Bạn L.M.H (TP. HCM) chia sẻ: “Em thường xuyên rơi vào trạng thái tiêu cực. Mỗi khi gặp bất kỳ chuyện gì, em đều suy nghĩ theo hướng xấu và điều đó đã ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của em. Thậm chí có lúc em muốn tự hủy hoại bản thân”.

Tương tự, anh B.N.N (TP. HCM) cho biết công việc của anh gặp nhiều khó khăn, không như ý muốn nên anh thường có những cảm xúc tiêu cực. Những cảm xúc đó khiến mình trút giận lên những người xung quanh, đôi khi mình còn nói ra những lời khiến họ buồn và thậm chí đập phá đồ đạc”anh thổ lộ.

TS Trịnh Viết Then (Trưởng bộ môn Tâm lý, Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng) chia sẻ: “Cảm xúc tiêu cực có thể ảnh hưởng đến cả thể chất, thậm chí gây tổn hại đến hệ thần kinh. Khi chúng ta rơi vào trạng thái tiêu cực, hành vi cũng dễ trở nên tiêu cực. Điều đó làm cho chất lượng cuộc sống giảm sút, hiệu quả công việc và sinh hoạt bị ảnh hưởng nghiêm trọng”.

Chị Nguyễn Thị Lan (TP. HCM) chia sẻ chị từng trải qua nhiều biến cố, tinh thần suy sụp, tâm lý không ổn định và bị stress nặng. Nhưng sau đó chị đã học cách suy nghĩ tích cực hơn, tham gia các hoạt động thể thao, thiện nguyện… Chị cảm nhận rõ sự thay đổi tích cực và hoàn thiện hơn rất nhiều từ những hoạt động đó.

ThS Trần Hải Nguyên (Chuyên gia Kỹ năng sống) cho biết, khi cảm xúc tiêu cực đến, điều quan trọng là phải biết cách đối phó. Thứ nhất, duy trì thể trạng tốt – khi cơ thể khỏe mạnh sẽ giúp chúng ta giảm áp lực trong các tình huống khủng hoảng. Thứ hai, học cách đối diện và chấp nhận những áp lực đang xảy ra – khi ta dám đối diện, mới có thể tìm ra giải pháp phù hợp. Thứ ba, hãy sẵn sàng chấp nhận rủi ro – vì khi ta cởi mở với những điều không mong muốn, ta sẽ dễ dàng đón nhận và xử lý chúng hơn.

Kiểm soát cảm xúc tiêu cực là yếu tố quan trọng để xây dựng một cuộc sống hạnh phúc, duy trì các mối quan hệ tích cực và đạt được sự phát triển cá nhân bền vững. Điều này đòi hỏi sự tự nhận thức, thấu hiểu cảm xúc và nỗ lực thực sự để thay đổi. Theo quy luật tự nhiên, không ai có thể tránh khỏi những thất vọng và khó khăn trong cuộc sống, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể lựa chọn cách đối mặt và phản ứng trước những thử thách đó.

Không ít người trẻ còn dựa dẫm quá mức vào gia đình

Hiện nay, không ít bạn trẻ dù đã có việc làm nhưng vẫn phụ thuộc quá nhiều vào gia đình, đặc biệt là về tài chính. Trong khi đó, nếu bản thân nỗ lực và chủ động hơn, các bạn hoàn toàn có thể tự lập và chủ động trong cuộc sống. Vậy, làm thế nào để các bạn trẻ có thể rèn luyện sự tự lập và trưởng thành hơn?

Chị L.N.M (TP. HCM) chia sẻ, sau khi tốt nghiệp, chị từng làm việc ở nhiều nơi nhưng cảm thấy môi trường làm việc và khối lượng công việc gây áp lực quá lớn, nên chị đã xin nghỉ. Sau đó, chị tiếp tục thử việc ở những chỗ khác, nhưng vẫn không cảm thấy phù hợp, và chị lại nghỉ việc. Thu nhập mỗi tháng không đủ trang trải chi phí, trong khi có rất nhiều khoản phải chi. Gia đình chị chỉ có mình chị, nên ba mẹ vẫn phải gửi tiền hàng tháng để chị trang trải. Hiện tại, chị vẫn đang tìm việc và nguồn thu chính vẫn đến từ ba mẹ

Bà N.K.C (TP. HCM) tâm sự: “Công việc của con tôi là nghề tự do, trong khi cháu nội thì ngày càng lớn. Hàng tháng, tôi vẫn phải gửi tiền hỗ trợ để hai vợ chồng chăm lo cho cháu. Tôi từng khuyên con chuyển sang làm văn phòng để ổn định hơn nhưng không thành. Tôi rất lo lắng vì không biết sau này khi tuổi già ập đến, tôi còn đủ khả năng lo cho cháu hay không”.

ThS Đoàn Thị Minh Thoa (Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐHQG TP. HCM) cho rằng ngay từ nhỏ, cha mẹ nên tạo điều kiện để con cái rèn luyện kỹ năng giải quyết vấn đề, đặc biệt là kỹ năng quản lý chi tiêu tài chính cá nhân. Việc này giúp các em hình thành sự sẵn sàng và thích nghi dễ dàng hơn với các yêu cầu, thay đổi trong cuộc sống khi trưởng thành.

Ông Nguyễn Quang Trường (Phó Giám đốc Trung tâm Hướng nghiệp TP. HCM) nhận định, nếu không tạo điều kiện để con trẻ được trải nghiệm, thì các em sẽ thiếu đi khả năng tự lập. Có hai nguyên nhân chính: Thứ nhất, xuất phát từ môi trường giáo dục gia đình – nhiều cha mẹ yêu thương nhưng lại nuông chiều con quá mức. Thứ hai, các bạn trẻ đang sống trong điều kiện đủ đầy, ít va chạm với khó khăn thực tế nên thiếu khả năng ứng phó khi gặp sự cố. Ngoài ra, không ít bạn còn lười biếng, thiếu mục tiêu, thiếu định hướng rõ ràng – đó là nguyên nhân khiến các bạn thiếu động lực để phát triển.

ThS Đoàn Thị Minh Thoa nhấn mạnh thêm: “Các bạn trẻ cần ý thức được vai trò và trách nhiệm của bản thân trong việc phát triển bản thân, thay vì chỉ dựa dẫm vào gia đình hay nhà trường. Việc bước ra khỏi vùng an toàn, dám thử thách bản thân – dù có thể gặp khó khăn hay thất bại – chính là cơ hội để trưởng thành và sẵn sàng thích nghi với những thử thách lớn hơn trong cuộc sống. Bên cạnh đó, phụ huynh cũng cần thay đổi tư duy, hạn chế bao bọc con cái quá mức, thay vào đó hãy hỗ trợ tinh thần để con tự lập và trưởng thành”.

Dĩ nhiên, trong một số hoàn cảnh nhất định, sự hỗ trợ từ cha mẹ là cần thiết. Tuy nhiên, các bạn trẻ – đặc biệt là những người mới ra trường hoặc đã lập gia đình – nên nỗ lực tự chủ, cố gắng đảm bảo cuộc sống ổn định và có khả năng chăm lo cho con cái. Đó cũng là cách để mỗi người từng bước trưởng thành và có những đóng góp tích cực cho gia đình và xã hội.

Dạy con bảo vệ môi trường – Kiên nhẫn từ ý thức đến hành động

Môi trường không chỉ là không gian sống mà còn là mái nhà chung của tất cả chúng ta. Tuy nhiên, hiện nay môi trường ở nhiều nơi đang chịu tổn thương nặng nề bởi chính hành động thiếu ý thức của con người. Do đó, việc nâng cao ý thức bảo vệ môi trường là vô cùng cần thiết – đặc biệt là với trẻ em, những chủ nhân tương lai của đất nước.

Tiến sĩ Phạm Thị Thúy (Chuyên gia Xã hội học) cho biết, hành vi nơi công cộng hiện nay tuy có nhiều người cư xử văn minh, nhưng vẫn còn một bộ phận chưa có ý thức, đặc biệt là vấn nạn xả rác bừa bãi. Nguyên nhân sâu xa đến từ thói quen chưa được hình thành trong mối quan hệ giữa con người và môi trường, cộng đồng. Chúng ta chưa được giáo dục đầy đủ và cẩn trọng về điều này từ trong gia đình lẫn nhà trường. Để thay đổi, cần một khoảng thời gian nhất định và sự kiên trì trong giáo dục.

Chị Nguyễn Đặng Thanh Trúc (TP. HCM) chia sẻ: “Để duy trì lối sống xanh bền vững, tôi bắt đầu từ những việc nhỏ nhất trong đời sống hằng ngày như phân loại rác, bỏ rác đúng nơi quy định, hạn chế sử dụng sản phẩm dùng một lần và các sản phẩm chứa hóa chất. Quan trọng hơn, tôi luôn cố gắng trở thành một tấm gương cho con cái, đồng thời lan tỏa cảm hứng về lối sống xanh đến mọi người xung quanh”.

Em Nguyễn Mộc Nhiên (TP. HCM) cho biết cô giáo từng dạy em không được xả rác bừa bãi và phải biết bảo vệ môi trường. Em Minh Anh (TP. HCM) chia sẻ em giúp mẹ tưới cây mỗi buổi chiều để cây không bị héo.

Chị Trầm Hương (TP. HCM) chia sẻ trong cuộc sống hằng ngày, chị thường hướng dẫn con sống xanh. Tôi làm gì, con sẽ làm theo. Vì vậy, chính hành động của cha mẹ sẽ tạo nên sự ảnh hưởng lớn đến nhận thức của trẻ”chị cho biết.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Mỹ Hạnh (Chuyên gia Tâm lý) nhận định: “Việc giáo dục trẻ nên diễn ra trên cả ba phương diện: nhận thức, hành vi – thói quen và cảm xúc. Khi trẻ nhìn thấy hành động tích cực từ người lớn, cảm nhận được tình cảm gắn bó với môi trường và được khuyến khích làm những điều mình thích, quá trình giáo dục sẽ trở nên hiệu quả hơn. Giáo dục bằng cảm xúc giúp để lại dấu ấn sâu sắc, lâu dài trong nhận thức và hành động của trẻ”.

Ý thức bảo vệ môi trường không thể hình thành trong một sớm một chiều. Trẻ có thể sẽ quên mang theo bình nước cá nhân, còn thích chơi đồ nhựa hay chưa phân loại rác đúng cách. Thay vì trách phạt, cha mẹ nên nhẹ nhàng nhắc nhở, cùng con thực hiện lại một cách đúng đắn. Quá trình giáo dục này đòi hỏi sự kiên trì và kiên nhẫn, vì từ ý thức đến hành động luôn là một hành trình dài – nhưng đầy giá trị.

Câu chuyện cuộc sống phát sóng vào lúc 19:50 Thứ Ba, Thứ Năm và Thứ Sáu hàng tuần trên kênh THVL1.