Văn hóa - Đời sống - Ẩm thực

Mô hình ‘đồng phục’ biển hiệu ở Hà Nội thất bại sau 2 năm thử nghiệm

Hình ảnh hàng loạt biển hiệu giống nhau về kích cỡ, màu sắc trên tuyến đường kiểu mẫu Lê Trọng Tấn hơn 2 năm trước nay không còn bởi tính bất hợp lý trong thực tiễn.

Tháng 5/2016, đường Lê Trọng Tấn (quận Thanh Xuân, Hà Nội) dài hơn 1,5 km, mặt cắt ngang rộng 30 m, 4 làn xe từ nút giao Tôn Thất Tùng đến sông Lừ được cải tạo trở thành tuyến đường kiểu mẫu đầu tiên của thủ đô. Ảnh: Lê Hiếu.
Toàn tuyến phố được lắp đặt các biển hiệu đồng phục hai màu xanh, đỏ viền trắng, cùng chất liệu, chiều cao bằng nhau 1,1 m, độ dài tùy theo mặt tiền và bố trí xen kẽ. Toàn bộ kinh phí cho việc thiết kế biển hiệu do thành phố Hà Nội tài trợ. Ảnh: Lê Hiếu.
Sau hơn 2 năm thực hiện, tuyến phố Lê Trọng Tấn với biển hiệu kiểu mẫu đã “thất bại” khi không đáp ứng như kỳ vọng. Nhiều chủ cửa hàng lắp đặt biển thương hiệu doanh nghiệp, sử dụng biển quảng cáo khác…
Các biển với đầy đủ màu sắc, hình ảnh, kích cỡ được thay mới, chèn lên biển gốc để phù hợp với từng mặt hàng kinh doanh, dịch vụ.
Tuyến phố kiểu mẫu với những biển hiệu “đồng phục” nay không còn.
Nhiều cửa hàng vẫn giữ biển quảng cáo gốc nhưng lắp thêm biển khác ở phía trên, bên ngoài hay cả những biển đèn LED để thu hút khách hàng.
Biển quảng cáo đồng phục trước đây (trái) cạnh tấm biển đã thay mới.
Nhiều chủ cửa hàng cho rằng việc thực hiện biển kiểu mẫu rất khó cho thu hút khách hàng.
“Nếu cứ dùng chung một kiểu biển quảng cáo tuyến phố sẽ đồng bộ nhưng thực tế mỗi mặt hàng kinh doanh cần có hình ảnh riêng. Đồng bộ các biển sẽ khó cho cơ sở kinh doanh khi tiếp cận khách hàng”, một chủ cửa hàng cho hay.
Sau 2 năm thực hiện, tuyến phố biển hiệu kiểu mẫu đầu tiên ở Hà Nội coi như thất bại bởi thiếu hợp lý trong thực tiễn.
Đường Lê Trọng Tấn (Quận Thanh Xuân, Hà Nội, gạch đỏ), dài hơn 1,5 km. Ảnh: Google Maps.

Chính quyền quận Thanh Xuân cho biết quan điểm của quận từ khi thử nghiệm biển hiệu kiểu mẫu trên đường Lê Trọng Tấn là không có quy định về màu sắc biển. Tuy nhiên, để đường ngay ngắn và nghiêm túc, quận thống nhất với Sở Quy hoạch Kiến trúc và được sự đồng ý của thành phố có quy định về kích thước biển hiệu.

“Sau 2 năm, quận vẫn chỉ đạo phường Khương Mai và các chủ cửa hiệu nếu thay biển hiệu cũng nên tuân thủ về kích thước, còn màu sắc nhận diện quận không can thiệp”, lãnh đạo quận Thanh Xuân nói với phóng viên.

Ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, cho biết Sở đang yêu cầu quận Thanh Xuân báo cáo về việc tuyến phố đầu tiên thử nghiệm biển hiệu kiểu mẫu sau 2 năm triển khai cái gì đạt được, cái gì chưa hoặc khó khăn vướng mắc gì thì làm báo cáo giải quyết.

Theo Phạm Trường/Zing.vn