Nguồn tuyển sau đợt tuyển sinh chính theo kết quả kỳ thi THPT quốc gia đã cạn nên kết quả tuyển bổ sung rất thấp, khiến nhiều trường đại học điêu đứng.
Đại diện phòng tuyển sinh của một trường đại học tại TP.HCM cho biết trường xét tuyển bổ sung hơn 400 chỉ tiêu nhưng số thí sinh đến nộp hồ sơ mỗi ngày chỉ vài bộ nên không hy vọng tuyển đủ.
Quá ít hồ sơ xét tuyển bổ sung
Vị đại diện phòng tuyển sinh của trường đại học trên cho biết thực tế những trường tuyển sinh tốt thì lượng thí sinh đăng ký ngay đợt đầu xét tuyển đã đủ, không cần đến xét tuyển bổ sung.
Cũng ở trường ĐH này, sau khi công bố điểm trúng tuyển đợt xét tuyển đầu tiên, trường đã thông báo xét tuyển bổ sung nhưng lượng hồ sơ đăng ký xét tuyển quá ít nên trường không hy vọng tuyển đủ. Đây là năm tuyển sinh quá khó khăn đối với nhiều trường đại học.
Tân sinh viên nhập học tại một trường đại học ở TP.HCM. Ảnh: Tấn Thạnh/Người Lao Động.
Kết thúc đợt xét tuyển đầu tiên theo kết quả kỳ thi THPT quốc gia, nhiều trường đã công bố xét tuyển bổ sung hàng trăm, thậm chí hàng nghìn chỉ tiêu, nhưng lượng hồ sơ các trường nhận được rất ít. Đó là chưa tính “ảo” ở đợt xét tuyển này rất lớn khi thí sinh có thể trúng tuyển cùng lúc nhiều trường.
Tại ĐH Nguyễn Tất Thành, lượng hồ sơ nộp xét tuyển bổ sung không đáng kể. Thạc sĩ Nguyễn Bá Anh, Phó trưởng phòng Truyền thông và Tuyển sinh của ĐH Nguyễn Tất Thành, nhìn nhận trường đã lượng được giới hạn nguồn tuyển bổ sung nhưng không ngờ số hồ sơ đăng ký xét tuyển lại ít hơn cả dự đoán.
Tại ĐH Nông Lâm TP.HCM, kết thúc đợt xét tuyển đầu tiên từ kết quả kỳ thi THPT quốc gia, 2 phân hiệu của trường tại Gia Lai và Ninh Thuận phải xét tuyển bổ sung.
PGS.TS Huỳnh Thành Hùng, Phó hiệu trưởng nhà trường, nhận xét lượng hồ sơ xét tuyển bổ sung vào 2 phân hiệu trên rất hiếm hoi. Theo nguồn tin từ ĐH Kinh tế – Luật (ĐHQG TP.HCM), năm nay, trường tiếp tục tuyển bổ sung ở phân hiệu Bến Tre nhưng kết quả rất hạn chế. Đây cũng là tình hình chung của các trường ĐH đóng ở các địa phương.
Nhiều ngành không còn hợp thời
Năm 2019, 116 trường đại học thông báo xét tuyển bổ sung với số lượng từ hàng trăm đến hàng nghìn chỉ tiêu xét tuyển. Tuy nhiên, các trường không đạt kết quả tuyển sinh theo yêu cầu.
TS Nguyễn Đức Nghĩa – Phó chủ tịch Hiệp hội Các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam – cho rằng lượng thí sinh thi THPT quốc gia giảm trong các năm qua. Những trường đại học lớn, ngành “hot” đã đủ chỉ tiêu ngay từ đợt xét tuyển đầu tiên nên ở đợt xét tuyển bổ sung số thí sinh tham gia xét tuyển không còn nhiều. Hơn nữa, những ngành có xét tuyển bổ sung nhưng không hấp dẫn thí sinh nên cũng khó tuyển sinh đủ.
Đại diện một trường đại học công lập tại TP.HCM nhận định nhiều ngành nghề không còn hấp dẫn nên rất khó tuyển sinh. Điều này khiến các trường phải xem xét có thể đóng ngành để mở những ngành mới.
Nhu cầu của thí sinh hiện nay rất ít khi đăng ký vào học những ngành công nghệ sinh học, công nghệ thực phẩm vì nhu cầu thị trường lao động không nhiều, thu nhập không cao. Trong khi đó, thí sinh thường đăng ký vào những ngành như quản trị kinh doanh, logistics, du lịch hay mới đây là công nghệ thông tin…
PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, đánh giá trong thời đại số, nhiều ngành không còn phù hợp, nhiều ngành mới xuất hiện nên nếu các trường không thay đổi ngành nghề mà luôn theo truyền thống sẽ rất khó tuyển sinh vì nhu cầu nhân lực không cần.
Bên cạnh đó, các trường khó tuyển sinh thường là những trường không có sự đầu tư tốt, trường tỉnh, vì thí sinh thường có nhu cầu tìm đến học ở các đô thị lớn để phát triển kỹ năng và dễ tìm việc làm sau khi ra trường.
Phải gắn với nhu cầu nhân lực
TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT, cho rằng để có người học, các trường đại học cần nâng cao chất lượng đào tạo. Chừng nào, yếu tố chất lượng được bảo đảm thì mới hy vọng có người học.
Ngoài ra, việc đào tạo cũng cần gắn với nhu cầu nguồn nhân lực chứ không phải đào tạo tràn lan
Theo Huy Luân/Người lao động