Dù có màn hóa thân xuất sắc trong bộ phim điện ảnh mới, “Jungle”, Daniel Radcliffe vẫn thất bại trong nỗ lực thoát khỏi cái bóng quá lớn từ vai diễn huyền thoại Harry Potter.
Năm 2001, từ một cậu bé vô danh, Daniel Radcliffe là “người được chọn”, vụt lên trở thành cậu bé được yêu mến nhất thế giới với vai diễn phù thủy Harry Potter. 17 năm sau, người ta vẫn gọi chàng diễn viên 28 tuổi đó là Harry Potter, bất chấp mọi nỗ lực thay đổi của anh.
Chính anh cũng không biết đến bao giờ công chúng mới ngừng gọi anh là Harry Potter khi mà những “thế hệ Potter” cứ luân phiên thay nhau lớn lên và say đắm với series này từ năm này đến khác.
Mới đây, khán giả được nhìn thấy một Daniel Radcliffe thật khác, trơ xương, dơ bẩn và đầy nghị lực trong vai nhà thám hiểm Yossi Ghinsberg vật lộn sinh tồn ở rừng già Amazon trong tác phẩm Jungle (10/2017).
Nhưng chính thất bại phòng vé của phim và sự thờ ơ của khán giả đã phần nào nói lên được sự thật rằng có lẽ khán giả đại chúng vẫn chưa sẵn sàng và vẫn chưa muốn đón nhận anh với cương vị là một diễn viên chứ không phải cậu bé phù thủy năm nào. Bởi khó ai tin được, một bộ phim với sự tham gia của tên tuổi lừng lẫy như Daniel Radcliffe lại chỉ thu về chưa đến 1 triệu USD trên toàn thế giới.
Sự nổi tiếng khác thường
Phần I Harry Potter và viên đá phù thủy ra mắt rực rỡ và trở thành bộ phim ăn khách nhất năm 2001, thu về 975 triệu USD. Thành công và tên tuổi của phim tiếp tục duy trì và mở rộng trong bảy tập phim sau đó. Loạt phim Harry Pottertrở thành một trong những bộ phim chuyển thể thành công nhất từ trước đến nay với tổng doanh thu lên đến 7,7 tỷ USD.
Daniel Radcliffe có sự nổi tiếng không bình thường như bất kỳ ngôi sao tuổi teen nào.
Khoản cát-xê khổng lồ có thể lên đến 100 triệu USD từ 8 phần phim đã giúp Daniel Radcliffe trở thành sao trẻ tuổi giàu có nhất nước Anh, mang đến cho chàng phù thủy đủ danh tiếng và tiền bạc để có thể sống sung túc cả đời. Tiền nhiều, danh tiếng lớn cũng chính là thách thức lớn nhất cho sự nghiệp của ngôi sao nhí này.
Hào quang quá lớn dễ khiến các ngôi sao nhí lạc lối, đặc biệt là sự cám dỗ của Hollywood. Ở cái tuổi thiếu niên, Daniel cũng sa vào rượu chè giống bất kỳ ngôi sao tuổi teen như Macaulay Culkin, Edward Furlong, Miley Cyrus, Lindsay Lohan,…
Không chỉ vì ham vui, họ sa vào những bữa tiệc thâu đêm suốt sáng không lối thoát để tạm quên đi những áp lực khi trở nên quá nổi tiếng. Daniel cho biết anh đã phải đấu tranh nội tâm đến cực độ để đối phó với sự nổi tiếng quá lớn của bản thân cũng như sự tôn thờ quá mức từ người hâm mộ.
Nhưng điều quan trọng, Daniel đã biết dừng lại đúng lúc. Sau thời gian nghiện rượu nặng cùng những tháng ngày nhốt mình trong phòng với những cơn say bét nhè, nam diễn viên mạnh mẽ từ bỏ vì cho rằng rượu chưa bao giờ giúp anh cảm thấy thoải mái.
Daniel Radcliffe nhớ lại trong ngày sinh nhật tuổi 18, tuổi chính thức để trở thành người lớn thì anh có một trận cricket với hội bạn thân ngày hôm đó. “Khi trận đấu kết thúc, chúng tôi cùng nhau đi ăn tối để chúc mừng sinh nhật. Thế là xong bữa tiệc 18 tuổi!”, Daniel kể. Cách anh ăn mừng tuổi 18 của mình cũng khác lạ như cách anh chọn cho mình sự nổi tiếng.
Daniel không gia nhập vào trào lưu Twitter cũng không có tài khoản Facebook. Với anh, khi thoát khỏi sự lệ thuộc vào mạng xã hội, cuộc sống trở nên dễ chịu hơn. Khán giả đôi khi có cảm giác Daniel Radcliffe có khuynh hướng ẩn mình trong điện ảnh hơn là trở thành người của công chúng hay nhân vật của các bữa tiệc, tạp chí dù anh là một trong những diễn viên dưới 30 tuổi nổi tiếng và giàu có nhất nước Anh.
Khỏa thân trên sân khấu hay tình yêu nghệ thuật vô cùng?
Daniel Radcliffe có thể sẽ chẳng bao giờ có được vai diễn nào nổi tiếng hơn Harry Potter nhưng anh cũng không phải người dễ dàng chìm đắm trong các thú vui và đánh mất mình. Ở một chốn phù hoa như Hollywood, sự kiên định của Daniel Radcliffe đã giúp anh tồn tại. Nói đúng hơn, có thể do anh không lớn lên trong sự nuông chiều của kinh đô điện ảnh mà là sự bảo bọc ở xứ sở sương mù.
Chính tình yêu quá lớn của khán giả dành cho Harry Potter đã vô tình “bóp chết” sự nghiệp của Daniel Radcliffe.
“Tôi nghĩ tùy thuộc vào cách mà bạn được nuôi dưỡng và lớn lên. Ở Mỹ, người ta sẽ đối xử với bạn như một diễn viên rồi mới đến một đứa trẻ. Nhưng ở Anh thì khác, người ta sẽ đối xử với diễn viên nhí như là một đứa trẻ trước tiên. Khi một đứa trẻ nhận ra rằng chúng dễ dàng có được bất kỳ thứ gì chúng muốn thì chúng sẽ lạm dụng điều đó. Tất cả những gì chúng cần là một người ở bên chỉ cho chúng thấy đó là việc không nên làm. Tôi thì không chắc rằng điều tương tự diễn ra ở Mỹ”.
Ở cái tuổi mà các ngôi sao tuổi teen tìm cách đánh bóng tên tuổi, tham gia vào những bộ phim bom tấn, trả lời phỏng vấn gây sốc trên những tạp chí dành cho giới trẻ, biến thành thương hiệu quảng cáo hút khách thì Daniel Radcliffte chọn cách trần truồng trên một sân khấu, nơi được xem là “cái nôi” của nghệ thuật.
Ở tuổi 17, Daniel Radcliffe tham gia vào vở kịch mang tên Equus nơi anh quyết định phô bày toàn bộ cơ thể trước sự ngỡ ngàng của khán giả. Sân khấu kịch luôn là nơi mà cái tôi và tài năng của người nghệ sĩ được phơi bày một cách rõ ràng nhất. Đó là khoảnh khắc mà người ta biết rằng chàng trai này muốn dấn thân và hy sinh hết mình cho nghệ thuật.
Sau đó, khán giả tái ngộ Daniel trong vở nhạc kịch How To Succeed in Business Without Really Trying (2011) của thánh đường nghệ thuật Broadway. Nhiều người phải há hốc mồm trước khả năng nhảy múa và ca hát điêu luyện của Daniel Radcliffe. Hay với vở The Cripple of Inishmaan (2013), không ít người ngỡ ngàng trước khả năng diễn xuất tâm lý xuất thần của Daniel Radcliffe trong vai một chàng trai mồ côi Billy mơ ước trở thành ngôi sao Hollywood.
Nhưng với nam diễn viên người Anh, việc gắn bó với sân khấu chính kịch, loại hình kén khán giả và xem đó là hơi thở nghệ thuật của mình, thì có lẽ việc trở thành ngôi sao đình đám, vang danh Hollywood cũng không phải là con đường mà anh chọn.
“Tôi yêu mọi thứ về diễn xuất từ trường quay đến sân khấu, từ những hiệu lệnh của đạo diễn, giây phút đợi chờ để bấm máy, khoảnh khắc hồi hộp sau cánh gà. Diễn xuất đối với tôi là tất cả, tôi sẽ không để bất cứ điều gì gây nguy hại đến việc diễn xuất của mình”, nam diễn viên từng nhiều lần nói về tình yêu công việc của mình.
Sau nhiều năm nỗ lực thoát khỏi tên gọi Harry Potter, Daniel nhận ra rằng điều đó không còn quan trọng. Công chúng cố tình quên lãng nỗ lực & tài năng của Daniel Radcliffe
Tháng 11/2015, Daniel Radcliffe nhận ngôi sao khắc tên mình trên Đại lộ Danh vọng Hollywood. Với nhiều người, đây là một sự thừa nhận muộn màng bởi anh đã là một cái tên vang danh khắp toàn cầu từ rất lâu.
Sau Harry Potter, người ta thấy Daniel Radcliffe trong đủ thể loại phim từ kinh dị (The Woman in Black, Victor Frankenstein, Horns), hài (Trainwreck, Swiss Army Man), phim thương mại (Now You See Me 2) cho tới cả dòng phim tâm lý kén người xem như Kill Your Darlings. Không lựa chọn hoặc cũng không được nhắm đến cho các phim bom tấn, Daniel đa phần xuất hiện trong những dự án độc lập, kinh phí thấp cùng rất nhiều những hóa thân khác biệt và ấn tượng.
Daniel Radcliffe luôn tự ném mình vào những vai diễn hà khắc nhất, khổ sổ và cũng kỳ dị nhất, cốt để khán giả quên đi anh từng là Harry Pottter. Nhưng dù đó là thây ma xì hơi ghê rợn, nhà thơ đồng tính, một xác chết hay một nhà khoa học thám hiểm, khán giả vẫn thấy thấp thoáng bóng dáng cậu bé phù thủy cưỡi chổi thần Nimbus ở trường Hogwarts năm xưa.
Một sự thật không ai có thể phủ nhận rằng: tài năng diễn xuất của Daniel là có thật. Các bộ phim anh tham gia tuy có thể chưa xuất sắc nhưng mỗi vai diễn của anh đều xuất thần. Chính vì vậy, để nói Daniel Radcliffe “lụt nghề” hay đánh mất mình nên khán giả mới chỉ nhớ đến anh bằng tên gọi Harry Potter là không đúng.
Ngược lại, mỗi vai diễn của Daniel đều được giới phê bình đánh giá cao về tính đột phá nhưng không thể lý giải được vì sao công chúng vẫn đón nhận phim của anh với sự lạnh nhạt. Ngoại trừ The Woman in Black là tiếng vang duy nhất thời kỳ hậu Potter của Daniel Radcliffe, các phim còn lại đều rơi tõm vào quên lãng. Không phải vì nó không hay, mà chỉ là người ta không muốn nhớ.
Khi Jungle ra mắt tại Liên hoan phim quốc tế Melbourne vào tháng 7, diễn xuất của Daniel Radcliffe nhận được nhiều lời khen. Tờ Telegraph, AV Club… đều dành lời khen cho nam diễn viên người Anh đặc biệt trong những cảnh quay khốc liệt nhất khi Yossi đối mặt rừng rậm hùng vĩ.
Với thất bại về mặt truyền thông của Jungle, Daniel Radcliffe một lần nữa tự hỏi rằng đến bao giờ công chúng mới ngừng gọi anh là Harry Potter.
Mọi lý do để khán giả đến rạp xem Jungle là vì Daniel Radcliffe và màn lột xác ngoạn mục của anh. Nhưng nhìn vào con số doanh thu 15,000 USD ở Anh và chưa đến 1 triệu USD trên toàn thế giới, một câu hỏi được đặt ra rằng khán giả đang thật sự yêu hay ghét chàng tài tử này đây?
Daniel Radcliffe không thể mãi mãi là Harry Potter
Harry Potter biến Daniel Radcliffe thành cậu bé phù thủy “thần thánh” của cả thế giới và dường như cũng vô tình xóa mờ đi tài năng và mọi nỗ lực của cậu, dù đã 17 năm trôi qua.
“Tôi nghĩ tôi phải chấp nhận rằng một số người sẽ luôn coi tôi là Harry Potter, và một số người không bao giờ muốn thấy tôi thay đổi”, Daniel Radcliffe ý thức rõ ràng về sự thật này.
Điều anh mong muốn rằng khán giả hãy nhìn anh ở khía cạnh diễn viên và phải thốt lên rằng Daniel đã tạo cho mình một sự nghiệp điện ảnh thật thụ ngoài vai diễn Harry Potter. “Đó là điều tôi muốn làm và chúng cần thời gian. Nó sẽ không đơn giản chỉ cần một vở kịch hay một bộ phim là thành hiện thực ngay được”, nam diễn viên giải bày.
Ngày trước, anh cứ nghĩ rằng vai diễn dù đình đám đến đâu rồi cũng sẽ kết thúc khi bộ phim đóng máy. Nhưng với Harry Potter, mọi thứ không đơn giản như vậy. Rõ ràng Harry Potter sẽ sống mãi trong lòng người hâm mộ, từ thế hệ này đến thế hệ khác.
“Tôi chỉ hy vọng mọi người sẽ mãi mãi nhớ về Harry như một vai diễn để đời của Daniel Radcliffe chứ Daniel Radcliffe không thể mãi mãi là Harry Potter”, anh ngậm ngùi nói.
Theo Phương Linh/Zing.vn