Phim ảnh

TVB kỷ niệm 50 năm, điểm xem 10 bộ phim kinh điển

Có thể nói, khán giả Hong Kong đã gắn liền với phim TVB như một phần không thể tách rời trong cuộc sống.

Series Thử thách nghiệt ngã (1999)

Phim lấy bối cảnh Hong Kong xuyên thế kỷ, từ giai đoạn xã hội năm 1990 đến 2010, xoay quanh quá trình lập nghiệp của ba người bạn thân: Diệp Vinh Thiêm, Hứa Văn Bưu và Mã Chí Cường, đề cao ý chí phấn đấu và thực hiện lý tưởng của thanh niên Hong Kong, quan niệm giữa cái thiện và ác được đề cập và phân tích một cách cụ thể qua các nhân vật trong phim, khiến người xem phải suy nghĩ.

Thử thách nghiệt ngã có kết cấu chặt chẽ, tình tiết lôgíc, đề tài phim cuộc chiến thương trường tuy không mới mẽ nhưng đã được các nhà biên kịch khéo léo dàn trải, đưa vào câu chuyện ân oán thù hận giữa hai thế hệ cha con, bên cạnh đó là các mối quan hệ tình bạn, tình thân và tình yêu. Vì thế không ít khán giả nhận xét, dù biết đây chỉ là một câu chuyện hư cấu, nhưng ngày nào cũng muốn ngồi theo dõi diễn biến phức tạp của bộ phim. Rất nhiều bạn trẻ đang trong giai đoạn lập nghiệp đều có hứng thú với bộ phim này, vì những cuộc đấu đá trên thương trường tuy xa vời với cuộc sống thực tế nhưng lại thuyết phục người xem.

Serries Bằng chứng thép (2006, 2008 và 2011)

Phương pháp phá án trong phim Bằng chứng thép chủ yếu dựa vào việc giám định DNA từ các tế bào được tìm thấy tại hiện trường mà lần ra hung thủ. Mỗi câu chuyện trong phim đề cập đến một phương pháp điều tra án, mục đích chính là giới thiệu đến khán giả nghiệp vụ của pháp y.

Serries Bằng chứng thép (phần 1 – 2) do Âu Dương Chấn Hoa đảm nhận vai chính, Bằng chứng thép 3 tuy không xuất sắc bằng 2 phần trước, nhưng tổng thể mà nói, serries phim này có tình tiết hợp lý, quan hệ của các nhân vật phức tạp, hình tượng nhân vật sinh động. Khán giả thích xem quá trình thu thập chứng cứ và phá án đầy gay cấn, kinh điển vẫn là kinh điển, phát sóng bao nhiêu năm vẫn khiến khán giả không thể nào quên được sức hút của bộ phim.

Truy tìm bằng chứng (1997)

Cùng đề tài với phim Bằng chứng thép, phim xoay quanh quá trình giám định, phá án của nữ pháp y Nhiếp Bảo Ngôn và cảnh sát Tăng Gia Nguyên… cùng những mâu thuẫn tình cảm giữa họ.

Bộ phim dùng chuyện tình cảm của nhân vật chính để xâu chuỗi các vụ án, Nhiếp Bảo Ngôn do Trần Tuệ San đóng, yêu ghét rõ ràng, căm ghét tội ác, có tinh thần chính nghĩa, một khi đã làm việc thì vô cùng nghiêm túc, không bị thế giới bên ngoài ảnh hưởng. Cách dàn dựng của bộ phim giản dị, tình tiết mạch lạc, gọi là kinh điển thật sự không ngoa.

Serries Lực lượng phản ứng (1998, 2000, 2001 và 2002)

Serries Lực lượng phản ứng là “khẩu vị” của khán giả Hong Kong, từ khi ra mắt phần một vào năm 1998, chỉ trong vòng 4 năm đã cho ra đời 4 phần, mỗi phần đều khiến khán giả trông đợi, đưa người xem hoàn toàn đắm chìm vào các tập phim.

Sức hút của các nữ cảnh sát xinh đẹp Chu Tố Nga (Quan Vịnh Hà đóng), Trần Tam Nguyên (Đằng Lệ Minh đóng)… đã khiến khán giả được trải nghiệm cái đẹp thị giác, dùng cuộc sống của các nữ cảnh sát làm mạch phim để mở rộng câu chuyện, càng khiến khán giả cảm thấy mới mẻ thú vị.

15 năm trôi qua, Lực lượng phản ứng đã để lại hồi ức không thể xóa mờ cho khán giả. Có thể nói, đây là bộ phim điều tra phá án nhẹ nhàng, ấm áp.

Thâm cung nội chiến (2004)

Có thể nói Thâm cung nội chiến là bộ phim đầu tiên khai thác đề tài đấu đá hậu cung trên màn ảnh TVB, kịch bản xúc tích chặt chẽ, tình tiết uyển chuyển, lời thoại sâu sắc thể hiện tính cách cũng như tâm lý của các phi tần trong hậu cung.

Thâm cung nội chiến là bộ phim đầu tiên khai thác đề tài đấu đá hậu cung trên màn ảnh TVB

Khác với các bộ phim lịch sử Trung Quốc cũng nói về việc tranh quyền đoạt vị trong hoàng cung, Thâm cung nội chiến có phong cách rất riêng. Nhà biên kịch không khắc họa sâu những diễn biến lịch sử, mà đưa vào một “bộ máy tổ chức” của xã hội hiện đại dưới lớp vỏ “cung đình nhà Thanh”, nên khi xem phim, khán giả không hề thấy lạ lẫm, trái lại còn cảm thấy gần gũi và hiểu được chuyển biến tâm lý của các nhân vật trong phim.

Đại thời đại (1992)

Phim lấy đề tài ngành chứng khoán Hong Kong, đề cao ý chí vươn lên của tầng lớp thanh niên trẻ, tinh thần “lá lành đùm lá rách” của người dân lao động nghèo trong xã hội Hong Kong đang cất cánh, đan xen vào đó là mối ân oán giữa hai gia đình họ Đinh và Phương. Tình tiết phim đầy thăng trầm trắc trở, tình cảm giữa các nhân vật chân thật tự nhiên, ân oán mâu thuẫn hợp tình hợp lý.

Trong phim, trường đoạn Đinh Giải (Trịnh Thiếu Thu đóng) dẫn theo bốn đứa con nhảy lầu tự tử, nhà biên kịch đã xử lý tình huống này rất hay, khiến khán giả xem phim thấy được dù là một kẻ độc ác, mất hết nhân tính như Đinh Giải, nhưng khi đối mặt với cái chết vẫn run sợ.

Lần đầu tiên Đại thời đại ra mắt vào năm 1992 và những lần phát sóng lại đều tạo nên “Hiệu ứng Đinh Giải”, khiến thị trường chứng khoán Hong Kong biến động mạnh.

Bến Thượng Hải (1980)

Giang hồ trong phim Bến Thượng Hải khác với võ hiệp, trong thế giới võ hiệp, giang hồ là cuộc so tài giữa các môn phái võ công, còn trong phim Bến Thượng Hải là sự phấn đấu của mỗi cá nhân.

Bộ phim Bến Thượng Hải đã khiến khán giả cảm động bởi câu chuyện phục thù trong giang hồ đầy ân oán và đã ảnh hưởng đến mấy thế hệ tiếp theo. Tạo hình kinh điển của Hứa Văn Cường (Châu Nhuận Phát đóng) với nón đen, áo khoác và găng tay trắng đã được “đàn em” thế hệ sau tranh nhau bắt chước, thậm chí còn ảnh hưởng đến ý tưởng ra đời của nhiều bộ phim thời dân quốc sau này.

Cỗ máy thời gian (2001)

Cỗ máy thời gian được cải biên từ tiểu thuyết cùng tên của tác giả Huỳnh Dịch, câu chuyện xoay quanh Hạng Thiếu Long (Cổ Thiên Lạc đóng) – một cảnh sát Hong Kong ở thế kỷ 21, vượt thời gian quay về thời Chiến quốc…

Dựa theo mạch phim vượt thời gian ngàn năm, Cỗ máy thời gian đã thêm nhiều nhân tố mới mẻ, kết hợp võ hiệp và khoa học kỹ thuật hiện đại, được xem là bộ phim vượt thời gian kinh điển, mà nhiều bộ phim cùng thể loại đều chịu ảnh hưởng bởi bộ phim này.

Thần điêu đại hiệp (1983)

Mặc dù đây không phải lần đầu tiên TVB đưa Thần điêu đại hiệp lên màn ảnh, nhưng phiên bản năm 1983 đã được khán giả dành cho nhiều tình cảm ưu ái và sớm được đưa vào tủ phim kinh điển, trong đó thành phần diễn viên đóng vai trò tiên quyết cho thành công của bộ phim.

Năm xưa, khi giám chế Tiêu Sinh giao vai Dương Quá và Tiểu Long Nữ cho Lưu Đức Hoa và Trần Ngọc Liên đảm nhận, ông cũng không ngờ hai người lại phối hợp ăn ý và tạo được hiệu ứng mạnh mẽ, được khán giả bình chọn là đôi “kim đồng ngọc nữ” trên màn ảnh nhỏ TVB thập niên 80.

Lộc Đỉnh Ký (1984)

Lương Triều Vỹ là diễn viên đầu tiên đóng vai Vi Tiểu Bảo, ngoại hình của anh rất phù hợp với hình tượng Vi Tiểu Bảo trong trí tưởng tượng của độc giả hâm mộ tiểu thuyết Kim Dung.

Vi Tiểu Bảo do Lương Triều Vỹ đóng là anh chàng ba hoa, khéo ăn khéo nói, giỏi xảo biện, dù xảo trá nhưng anh không hề bị ghét bỏ, ngược lại còn được nhiều người yêu mến bởi sự duyên dáng, hài hước. Mãi đến nay, rất nhiều khán giả vẫn cho rằng, Vi Tiểu Bảo do Lương Triều Vỹ đóng là hình tượng kinh điển nhất, nhưng cũng có một số ý kiến cho rằng Lương Triều Vỹ đã lột tả được tính linh hoạt, tháo vát của Vi Tiểu Bảo, buồn cười nhất là những cảnh Vi Tiểu Bảo phải “phân thân” để làm vừa lòng bảy cô vợ rắc rối.

Theo Trịnh Nghi/Thế giới điện ảnh