‘Câu chuyện cuộc sống’ tiếp tục lên sóng chia sẻ với những câu chuyện: Bài học tài chính cho trẻ từ bao lì xì Tết, giúp trẻ hào hứng quay trở lại trường học sau Tết, khi người trẻ lưu giữ các giá trị văn hóa dân gian.
Bài học tài chính cho trẻ từ bao lì xì Tết
Ngoài việc giáo dục cho trẻ về lòng biết ơn khi nhận được lì xì, phụ huynh cũng nên dạy trẻ cách sử dụng tiền lì xì một cách hợp lý. Mặc dù đều xuất phát từ suy nghĩ muốn tốt cho con, nhưng việc giữ hộ tiền lì xì cho con hay cho con tự do sử dụng tiền lì xì đều có những mặt hạn chế. Nếu cha mẹ dạy cho con các bài học về tiền ngay từ khi còn nhỏ sẽ là nền tảng để con sử dụng tiền đúng đắn và hiệu quả hơn khi trưởng thành. Điều này giúp trẻ định hình đúng vai trò, hiểu được giá trị, biết quản lý tài chính ngay từ khi được dùng tiền để chi tiêu. Tết chính là thời điểm tốt nhất để cha mẹ có thể dạy con những bài học tài chính hay.
Ông Tạ Thanh Tùng – Chuyên gia hoạch định Tài chính cá nhân, Công ty cổ phần FIDT cho biết: “Cha mẹ nên phổ biến và chia sẻ với trẻ để con phần nào hiểu hơn, nhận thức được và làm quen với khái niệm về tiền, đầu tư và tiết kiệm”. Quá trình dạy con quản lý tiền không chỉ đơn giản là dạy con kỹ năng sống mà còn là quá trình truyền tải cách thức sống cho con. Trong quá trình này quan trọng nhất là cho trẻ được quyền kiểm soát số tiền mình quản lý và chịu trách nhiệm với những quyết định mình đưa ra. Khi làm chủ tài chính, con sẽ dễ dàng làm chủ cuộc sống của chính mình.
Giúp trẻ hào hứng quay trở lại trường học sau Tết
Sau chuỗi ngày nghỉ Tết, trẻ sẽ rất khó khăn để trở lại với lịch trình sinh hoạt và học tập tại trường. phụ huynh nên an ủi, động viên và khích lệ tinh thần của con. Để việc trở lại trường học sau Tết được dễ dàng, vào những ngày nghỉ Tết, bên cạnh việc vui chơi duy trì tinh thần thoải mái cho trẻ, gia đình cũng cần tạo ra một tâm lý tích cực, khơi gợi trẻ nhớ đến trường lớp bạn học. Giúp trẻ vẫn luôn ý thức được mình là một học sinh và việc học là cần thiết, việc cùng trẻ ôn lại những câu chuyện thú vị về thầy cô, bạn bè hay kỷ niệm đáng nhớ sẽ góp phần tạo nên tâm lý háo hức khiến trẻ cảm thấy việc đi học đáng để mong chờ.
Thạc sĩ Lê Minh Huân – Chuyên gia Kỹ năng sống cho trẻ em cho biết, cha mẹ nên nhắc nhở cho con biết, con sẽ được nghỉ bao nhiêu ngày, để con có thể chuẩn bị tâm thế cho những ngày nghỉ. “Vào những ngày đầu của kỳ nghỉ hãy để con trẻ vui chơi thoải mái, thời gian sau cha mẹ nên nhắc nhở giúp con ôn từ chút cho con làm quen với nhịp, giúp trẻ không quên đi nhiệm vụ học tập của mình”, chuyên gia chia sẻ.
Khi người trẻ lưu giữ các giá trị văn hóa dân gian
Tại các trường đại học, nhiều CLB văn hóa dân gian được thành lập, hướng đến mục tiêu trao tình yêu văn hóa dân gian đến bạn trẻ. Sự kết hợp giữa nét đẹp truyền thống với văn hóa hiện đại được giới trẻ sáng tạo trong các dự án, cho thấy giới trẻ rất yêu thích, hào hứng và đang làm rất tốt việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc theo hình thức sáng tạo mới mẻ và sinh động. Sáng tạo trong văn hóa dân gian là điều đáng khích lệ từ người trẻ, dẫu gặp không ít khó khăn nhưng với tình yêu nhiệt huyết, các bạn không ngừng trau dồi học hỏi để tạo ra những dự án văn hóa dân gian ý nghĩa, độc đáo dễ hiểu và chỉnh chu nhất.
Cô Trương Thị Thanh Thịnh – Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP.HCM chia sẻ: “Tôi hy vọng thông qua thời đại số, thời đại 4.0, các bạn trẻ có thể tận dụng tốt được truyền thông và mạng xã hội để có thể lan tỏa được giá trị văn hóa dân gian đến nhiều người hơn. Nhà trường và gia đình đóng vai trò quan trọng trong việc giúp các em có tình yêu đối với nền văn hóa dân tộc”. Giới trẻ hiện nay đã và đang chung tay giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa dân gian bằng nhiều dự án cụ thể thiết thực và đầy màu sắc. Chúng ta cần khuyến khích giới trẻ tiếp phát huy những hoạt động về văn hóa dân gian, để những giá trị truyền thống của dân tộc có sức sống trong lòng các thế hệ tiếp nối.
Câu chuyện cuộc sống phát sóng vào lúc 19:50 Thứ Ba, Thứ Năm và Thứ Sáu hàng tuần trên kênh THVL1.